Trần Nhã My và Hoa rong mùa bấc

Trần Nhã My là một trong những tác giả thơ phái đẹp hiếm hoi hiện nay của Đông Nam Bộ. Mặc dù đang sống và làm việc ở Tây Ninh nhưng nhà thơ Trần Nhã My lại sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai và vừa trình làng tập thơ mới Hoa rong mùa bấc vào đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

Nhà thơ Trần Nhã My.

Nhà thơ Trần Nhã My.

Nhà thơ Trần Nhã My tên thật Trần Thị Thanh Nhã, tốt nghiệp đại học sư phạm, hiện là giáo viên dạy tiếng Anh ở quê nhà Gò Dầu và là đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh. Hoa rong mùa bấc do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành là tập thơ thứ 5 của Trần Nhã My sau các tập: Dỗi, Mảnh vỡ không lời, Huyễn hoặc ngày em, Lặng. Đây là tập thơ mà chị viết hoàn toàn bằng thể thơ 1-2-3, với giọng điệu riêng và nguồn cảm hứng mới của một trí thức trẻ sinh trưởng, gắn bó với vùng biên giới Tây Nam đầy nắng gió.

Mỗi bài thơ trong tập Hoa rong mùa bấc của Trần Nhã My là một lát cắt đời sống vừa tinh gọn, vừa có khái quát.

Quê em đáng yêu từ cọng cỏ mềm

Vàm Cỏ yểu điệu chở phù sa cho mùa màng tươi tốt

Hồ Dầu Tiếng mát ngọt quanh năm

Khoảng trời xanh in dáng núi cao vời có Phật Bà che chở

Ai đi xa rồi cũng sẽ nhớ

Sẽ trở về mà hít thở vị quê.

Nhẹ nhàng và tinh tế. Tình yêu quê hương nồng thắm đã văn bản hóa thành bài thơ súc tích. Một tình yêu thân gần hiện hữu cùng cây cỏ, sông hồ, núi đồi mà sâu lắng, diệu vợi như hơi thở, trời xanh và cả đức tin “Khoảng trời xanh in dáng núi cao vời có Phật Bà che chở”.

Thiên nhiên là như vậy. Còn con người ra sao? Hãy nghe nữ sĩ chia sẻ:

Hãy về Tây Ninh anh sẽ biết

Quê em chỉ hai mùa mưa nắng

Nhưng trong em, cô gái hồn nhiên, có hết bốn mùa

Tóc mây mùa thu bồng bềnh giấc xưa

Váy áo xênh xang mùa hạ nắng tràn cỏ biếc

Trao anh nụ cười hoa xuân môi mắt ấm nồng!

Tự sự, tự tình và tự tin. Thiên nhiên Tây Ninh rõ rệt 2 mùa mưa nắng. Người Tây Ninh thể hiện cụ thể qua chính “em”, tức tác giả - “cô gái hồn nhiên, có hết bốn mùa”. Chẳng phải thân thể mà chính tâm hồn con người khác biệt, giàu có hơn thiên nhiên.

Tập thơ Hoa rong mùa bấc của Trần Nhã My. Ảnh: T.H

Tập thơ Hoa rong mùa bấc của Trần Nhã My. Ảnh: T.H

Ngoài những hình ảnh mang tính khái quát, thơ Trần Nhã My còn thu gọn trong hình ảnh của một xóm làng, để từ đó khắc họa lên cả một bức tranh sống động mang tinh thần văn hóa.

Chuyện ở Xóm Lò ngày xưa ấy

Ánh trăng xuyên qua những câu thơ vằng vặc

Cánh đồng chữ vàng màu mật ngọt

Gió thổi mềm trang sách nhàu nhĩ lời ru

Nhánh lúa trên đồng cong vòng eo con gái

Giữa mênh mông trăng rằm tan loãng tiếng ầu ơ…

Bài thơ 1-2-3 hàm súc. Thơ ngỡ như họa, đẹp và thi vị từng con chữ. Vẻ đẹp ấy còn hiện lên khi Tây Ninh và cả nước chống chọi đại dịch Covid-19, ở đó tình người, tình đồng bào, tình làng xóm thầm lặng mà cao quý hơn bao giờ hết:

Người ơi có thấy

Quê tôi lạ lắm những ngày bất thường

Hiên nhà trồi lên trứng gà trứng vịt

Cây mận góc đường nở những bị gạo, túi khoai

tay nắm cổng nhà bí nụ, bầu tươi kết trái

lạ lắm người ơi, mùa Covid-19 quê tôi càng thắm nghĩa tình.

Những nghĩa cử xúc động đến nghẹn ngào. Những hình ảnh giản dị thân thương “bầu ơi thương lấy bí cùng” giữa lúc khó khăn “càng thắm nghĩa tình”. Và nhà thơ là người góp phần thể hiện, lưu giữ vẻ đẹp “lạ lắm” ấy!

Từ mùa thu năm 2018, thể thơ 1-2-3 đã xuất hiện trên thi đàn và nhanh chóng thu hút hàng trăm cây bút tham gia sáng tác, đặc biệt là các nhà giáo ở khắp mọi miền đất nước và được dịch giới thiệu khá nhiều ở nước ngoài. Bên cạnh thể thơ lục bát giàu truyền thống thì có lẽ thơ 1-2-3 mới thuần Việt đang được đông đảo người cầm bút quan tâm. Nhà thơ xuất thân nhà giáo Trần Nhã My là một trong những tác giả sớm tham gia sáng tác thể thơ mới này và đã tạo nên giọng điệu, tiếng nói riêng mình.

Trong tập thơ Hoa rong mùa bấc, ngoài tình yêu quê hương thì nhà thơ Trần Nhã My còn viết về nhiều đề tài khác nhau. Và ở đề tài nào, chị cũng có những bài thơ đáng đọc. Tất nhiên, không thể thiếu tình yêu lứa đôi, nếu như không nói tình yêu cũng là sợi chỉ xanh xuyên suốt tập thơ 1-2-3 này. Tình yêu ấy lặn trong mắt gió, mắt nắng và hóa thành mắt thơ khi tỏ khi nhòa, tràn ngập sinh khí thiên nhiên và con người với thiên nhiên như hòa làm một:

Chúng mình buộc phải hóa thành thứ gì đó đêm nay

Anh có muốn thành gió cao nguyên lồng lộng

Ve vuốt rừng xanh như chải tóc lưng trời

Hay anh là ngọn núi không tên không tuổi

Em vẫn là em

Hóa đá ngồi với núi, với lồng lộng gió cao nguyên.

Tấn Hùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202403/tran-nha-my-va-hoa-rong-mua-bac-ce34eb8/