Trân quý bình yên, vươn lên phía trước
Đã gần hết chặng đường năm 2023 giữa một thế giới đầy biến động với chiến cuộc Nga - Ukraine chưa có hồi kết, lửa đang cháy và máu đã đổ trên khắp Dải Gaza, Nghị trường vang tiếng đại biểu Quốc hội kêu gọi phải biết trân quý sự bình yên mà Việt Nam may mắn luôn có được, lấy đó là điểm tựa vững vàng, vươn lên phía trước.
Không phải để “ngủ quên”
“Những bất an, bất trắc xảy ra khắp nơi trên thế giới này càng cho chúng ta thấy hết những giá trị và càng trân quý sự bình yên, thành tựu của đất nước”- đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) mở đẩu như vậy cho bài phát biểu của minh trong phiên thảo luận tại Nghị trường ngày 1/11/2023 về kinh tế - xã hội ngày 1/11/2023.
Nhưng trân quý sự bình yên không phải để “ngủ quên” vì còn quá nhiều nỗi mất ngủ và ông Thắng đã chỉ ra một trong những câu chuyện mất ngủ là câu chuyện gay cấn về cao tốc, vốn dĩ được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội cùng niềm tự hào khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa được gần 700km cao tốc vào sử dụng. “Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đường bộ cao tốc, phấn đấu đến 2025 có trên 3.000 km, đất nước như một đại công trường mà ở đó còn quá nhiều khó khăn, bất cập về vật liệu đắp nền, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia”.
Vị đại biểu của tỉnh Quảng Trị thấy rằng, việc cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương mất quá nhiều thời gian, ngay cả những khu vực mỏ vật liệu quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện thì thủ tục cấp phép khai thác cũng rườm rà, rắc rối; tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng diễn ra nhiều nơi; doanh nghiệp chơi vơi giữa dòng giá, làm thì lỗ, không làm thì phá sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt giải quyết, song dường như các biện pháp vẫn chưa đủ mạnh và hiệu quả.
Sự chơi vơi giữa dòng của doanh nghiệp, không chỉ trong câu chuyện xây dựng cao tốc mà còn trong nhiều lĩnh vực. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu lên con số trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhất là thời điểm cuối quý 1/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong một tháng quý I có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Truy tìm căn nguyên nỗi sợ
Mỹ cảnh bình yên của đất nước sẽ giảm nhiều ý nghĩa bởi giống như mặt hồ tĩnh lặng nhưng ẩn chứa dưới đó là lớp băng hình thành bởi sự tê liệt đến từ tâm lý sợ hãi bao trùm trong nhiều giới từ doanh nghiệp đến không ít cán bộ công chức. Đại biểu Quốc hội đã có những tranh luận, phản biện sôi nổi khi cùng truy tìm căn nguyên của việc hình thành lớp băng này. Tranh luận với một số ý kiến cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật còn bất cập, chồng chéo và khó thực hiện nên khiến cán bộ, doanh nghiệp sợ không dám làm gì, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) khẳng định qua kết quả rà soát của Chính phủ và đánh giá độc lập của các cơ quan của Quốc hội cho thấy: về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và nội dung qua rà soát phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo không nhiều, chỉ chiếm khoảng 6,5% trên tổng số các nội dung được rà soát. Nhiều đại biểu tranh luận lại khẳng định của ông Giang. Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nói: “Trong thời gian qua tôi cũng tìm xem nguyên nhân tại sao trong quá trình triển khai thực hiện mà vướng mắc rất nhiều, nhất là đầu tư công. Cán bộ và công chức sợ sai, không dám làm. Tôi thấy rằng có một vấn đề quan trọng là chính sách, pháp luật của chúng ta đưa ra nhưng cách hiểu luật chưa thực sự thống nhất, dẫn đến cán bộ hiểu luật theo cách này nhưng đoàn kiểm tra, giám sát thì hiểu theo cách kia". Để chứng minh cho nhận định này, ông Hạ dẫn ra ví dụ: “Vạch xác định giá trị đất đai trong các vụ án, có nhiều vụ việc thì lại xác định giá tại thời điểm khởi tố vụ án trong khi sự việc đã diễn ra từ nhiều năm trước và sau bao nhiêu năm thì giá đất đã thay đổi, nên có tình trạng là khi khởi tố xác định thiệt hại lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng qua nhiều lần xác định lại thì còn có hơn 1.000 tỷ đồng. Cứ như vậy, cán bộ bây giờ sợ và không dám làm!”.
Giúp “tiền đẻ ra tiền”
Xuất quân 10 người thì 8 người gục ngã bởi doanh nghiệp không thể vượt qua tầng tầng lớp lớp những lực cản khó gọi đích danh. Dẫn ước tính của Ngân hàng Thế giới kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 0,3% GDP tương đương khoảng 1,4 tỷ USD do thiếu điện từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023, đại biểu Thạch Phước Bình thấy trong khi thiếu điện, lại hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện là minh chứng về việc chúng ta đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của đất nước.
Cũng theo vị đại biểu này: “Đặc biệt sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn”.
Sự “đặc biệt” mà đại biểu Bình nêu, cũng được đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhắc đến bằng một thực tế sinh động ở trong lĩnh vực y tế: “Việc mua sắm phụ thuộc vào các sở y tế, sở tài chính, UBND. Tuy nhiên, một số đơn vị sợ trách nhiệm nên nảy sinh tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, gần hết thời gian phải thẩm định xong theo quy định, thì tìm ra một vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở, cơ sở sửa xong nộp lên lại tìm thấy một lỗi khác. Cứ như vậy, hết thời gian quy định thẩm định, mọi việc lại trở về vạch số 0”.
Đã qua hàng chục năm gần gũi, gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) nhận xét: “Thủ tục hành chính đang ngày càng nặng nề hơn trong thời gian vừa qua”. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, để phục hồi và phát triển kinh tế, thì tiền bạc là quan trọng nhưng điều còn quan trọng hơn tiền bạc đó là thể chế. Thể chế tốt sẽ khai thông các luật, giúp “tiền đẻ ra tiền”, thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được. Do đó, điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đồng thời, phải xóa bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ công chức và doanh nghiệp. Chừng nào tình trạng này vẫn còn thì chừng đó khó hy vọng có sự phát triển bứt phá của nền kinh tế.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo
Một trong những nguyên nhân của hạn chế trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội sau dịch Covid-19, theo đại biểu Quốc hội phản ánh cũng như báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, là do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc…
Thời gian tới, nước ta sẽ phải tiếp tục đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những tồn tại, yếu kém nội tại, tích tụ, kéo dài từ lâu của nền kinh tế sẽ bộc lộ rõ và gay gắt hơn trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh này càng phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm trong xử lý công việc để tạo ra bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, kịp thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt; tăng cường hiệu quả phối hợp, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, thủ tục giữa các đơn vị, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Cùng với tổ chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cần quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NÐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm cống hiến. Kiên quyết thay thế, xử lý trách nhiệm đối với người làm việc cầm chừng, né tránh, sợ trách nhiệm gây trì trệ công việc, có căn cứ thực hiện hiệu quả công tác bố trí, sử dụng cán bộ…