Trân quý những đóng góp của đội ngũ doanh nhân
Phải tới Chủ nhật mới chính danh Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, nhưng chiều nay mấy bác ngõ nhà tôi đã rôm rả bình luận đủ chuyện về vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của đội ngũ các doanh nhân - một phần tất yếu của hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Thể hiện vai trò chủ tọa, ông trung niên dẫn chuyện:
- Nhà bác học Lê Quí Đôn từng nói: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”, ông cũng khẳng định luôn “phi thương bất phú”. Đảng, Nhà nước ta càng đánh giá khách quan, ghi nhận thấu đáo những đóng góp của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng GDP, GRDP hằng năm thông qua nộp ngân sách và các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; có cơ chế, chính sách và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp tự tin, đoàn kết, chung tay sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xây dựng xã hội bền vững.
Xoa xoa hai bàn tay, bác da ngăm ngăm cả cười:
- Từng có thời ấu trĩ, doanh nhân bị miệt thị là “con buôn”, “dân phe”! Bây giờ, tiếng nói của cộng đồng doanh nhân được cấp ủy, chính quyền đặc biệt lưu tâm, cùng tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, an sinh xã hội. Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết sách liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; cam kết đồng hành với doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển; khuyến khích các chương trình khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; thường xuyên đối thoại giữa các ngành chức năng đối với những chương trình hỗ trợ vốn, kết nối vốn, tìm kiếm thị trường...
Rất thực tế, anh chàng nhỏ thó bình phẩm:
- Doanh nhân là mắt xích quan trọng trong liên kết, hợp tác kinh tế giữa các nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông; họ luôn sáng tạo, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, có chí làm giàu, dám chấp nhận rủi ro, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho nhiều người lao động, nhất là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, thương binh, bệnh binh, người yếu thế, khuyết tật. Doanh nhân thành đạt đang trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ. Không chỉ thế, từ trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn trên thương trường của họ đã có những nhận định, khuyến nghị, khuyến cáo mang giá trị thực tế, cơ sở để tham gia phản biện, thực hiện chính sách phát triển xã hội và quản lý xã hội.
Khoan khoái ngả người trên ghế, ông trung niên vui vẻ:
- Chúng ta đang trong tiến trình hòa nhập xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, càng cần nhanh chóng biến cuộc cách mạng này thành cơ hội, xây dựng thể chế, cơ cấu quản lý thông minh, vận hành hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế để thành công, phát triển và thịnh vượng. Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, đa dạng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nhân, doanh nghiệp; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt; xây dựng chuẩn mực doanh nhân văn hóa, sáng tạo, tuân thủ pháp luật; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, khuyến khích sử dụng lao động địa phương, lao động nữ, gia đình chính sách; khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, thân thiện môi trường... Đồng thời, xử lý nghiêm những doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm pháp luật, lừa đảo, gian lận, buôn lậu, trốn thuế, lũng đoạn thị trường, gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại quyền và lợi ích người tiêu dùng, gây thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước. Cũng phải thế các chú nhỉ?