Trận Rạch Bà Kiểu: Truyền thống quật cường của quân, dân Long An
Chúng tôi đến xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong những ngày cuối tháng 8 lịch sử. Nhìn cuộc sống thanh bình của người dân hôm nay, ít ai biết rằng nơi đây từng ghi dấu với nhiều chiến công hiển hách của bà 'Hoàng hậu đỏ' thời chống thực dân Pháp và trận đánh tại khu vực rạch Bà Kiểu - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân - dân vùng hạ Cần Giuộc trong 18 ngày đêm đánh Mỹ.
1. Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình từng khẳng định: “Cuối năm 1966, trên chiến trường Long An, mật độ quân Mỹ và quân chư hầu cùng quân đội Sài Gòn rất đông. Thời điểm này, trên khắp chiến trường miền Nam, nhờ có thế trận “Vành đai diệt Mỹ” mà lực lượng vũ trang giải phóng đã thực hiện được hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ vào các căn cứ của địch. Tại Long An, chiến tranh nhân dân cũng phát triển mạnh, bộ đội tỉnh kết hợp bộ đội huyện và du kích liên xã cùng nhân dân đánh địch bằng “3 mũi giáp công”.
Những trận đánh lớn của quân và dân Long An nói chung, Cần Giuộc nói riêng thực chất là những trận chống càn; trong đó có 3 trận chống càn nổi bật ở Cần Giuộc năm 1967, gồm các trận rạch Bà Kiểu, trận Cầu Tre và trận đánh càn 45 ngày đêm ở vùng hạ (khu vực Cầu Kinh, ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây) là điển hình, độc đáo và hiệu quả nhất".
Cách nay 55 năm, nơi đây là địa điểm ác liệt trong chiến dịch 18 ngày đêm (từ ngày 08 đến 25/4/1967) của quân, dân Phước Lại chống lại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, được giặc chọn làm địa điểm thực hiện chiến thuật trực thăng vận kết hợp với tàu chiến trên sông tham gia càn quét, bắn phá. Trong 18 ngày đêm ác liệt, du kích Phước Lại được sự yểm trợ của du kích xã Phước Vĩnh Tây đã kiên cường chống cự 30 đợt càn quét liên tục.
Trong trận đấu này, ta tiêu diệt được gần 200 lính Mỹ, bắn rơi 2 máy bay, thu 25 súng và nhiều quân trang, quân dụng. Bí thư kiêm Xã đội trưởng - Lê Chí A cùng 2 chiến sĩ du kích của ta đã anh dũng hy sinh. Chiến thắng khu vực rạch Bà Kiểu đã bẻ gãy ngay từ đầu chiến thuật trực thăng vận mà địch triển khai trên mảnh đất vùng hạ Cần Giuộc, mở ra lối đánh mới “bám thắt lưng địch mà đánh”, được vận dụng làm nên liên tiếp nhiều chiến công khác của vùng hạ Cần Giuộc như trận 45 ngày đêm đánh Mỹ ở Phước Vĩnh Tây, trận Cầu Tre ở xã Phước Vĩnh Đông,... Di tích khu vực rạch Bà Kiểu được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1993.
2. Theo sử sách ghi chép lại, chiến dịch này là chiến dịch đầu tiên, mở màn cho phong trào đánh Mỹ của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc, thúc đẩy phong trào cách mạng trong toàn huyện, góp phần tích cực vào thắng lợi của chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ vào năm 1967 và chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Trận Rạch Bà Kiểu là một mắt xích trong việc đánh bại âm mưu “tìm diệt và bình định” của quân đội Mỹ; đồng thời, góp phần vào thành tích chung của tỉnh trong phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ” thời gian đó là căn cứ giúp Long An được trao tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Bà Lê Thị Nương - người dân ấp Lũy, nói: “Sinh sống và lớn lên tại xã Phước Lại, không ai là không biết đến trận rạch Bà Kiểu. Vùng đất này chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, song người dân vẫn bám đất, bám làng, kiên cường đấu tranh”.
Cách trung tâm thị trấn Cần Giuộc chừng vài kilômét, mảnh đất Phước Lại đang dần “hồi sinh”. Những cánh đồng ngập mặn, quanh năm chỉ có cây bần và cây dừa nước sinh sống, giờ đây là những đầm tôm hay những nhà máy, xí nghiệp, các khu dân cư được quy hoạch. Nhiều tuyến đường bêtông rộng rãi, nhựa hóa nối liền các ấp với nhau; hệ thống đê bao ngăn mặn được đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; đèn chiếu sáng gần như phủ kín;...
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều năm qua, người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để thực hiện các công trình dân sinh trong ấp. Năm 2021, Phước Lại đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Bí thư Đoàn xã Phước Lại - Nguyễn Thị Kim Cương cho biết, phát huy truyền thống "Trung dũng kiên cường" của những thế hệ đi trước, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã luôn cảm thấy tự hào. Vào những dịp lễ, tết, Đoàn xã thường tổ chức các hoạt động Về nguồn, hành trình về địa chỉ đỏ hoặc tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại Di tích khu vực rạch Bà Kiểu. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay./.