Trận thắng cuối cùng vô nghĩa của Đức Quốc xã trong Thế chiến II

Nguyên nhân thất bại bất ngờ của Quân đội Liên Xô là do tham vọng quá lớn của một vị tướng người Ba Lan.

Tháng 4-1945, quân đội Liên Xô liên tục tiến quân về Berlin. Lãnh thổ của Đức Quốc xã nhanh chóng bị thu hẹp, còn lực lượng vũ trang thì suy yếu rõ rệt.
Ít ai có thể hình dung được khi đó, trong tình thế sắp đầu hàng mà quân đội Đức Quốc xã vẫn khiến cho Hồng quân Liên Xô thất bại. Vậy mà điều đó đã xảy ra.

Cuộc tiến công thắng lợi

 Pháo tự hành ISU-122 của Quân đoàn tăng thiết giáp số 1 Ba Lan đang qua sông Neisse, tháng 4-1945. Ảnh tư liệu.

Pháo tự hành ISU-122 của Quân đoàn tăng thiết giáp số 1 Ba Lan đang qua sông Neisse, tháng 4-1945. Ảnh tư liệu.

Trận thắng cuối cùng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II diễn ra ở bang Sachsen. Tại đây, các đơn vị của Tập đoàn quân số 52 Liên Xô và Tập đoàn quân số 2 Ba Lan tiến về hướng Dresden. Tập đoàn quân số 2 Ba Lan được trang bị khí tài của Liên Xô và chịu sự chỉ huy của Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô.Ban đầu, cuộc tiến công của quân đội Liên Xô và Ba Lan diễn ra hoàn toàn thuận lợi. Ngày 16-4-1945, sau khi vượt sông Neisse và chọc thủng tuyến phòng ngự của quân địch, ba ngày sau họ bắt đầu tấn công Bautzen - thành phố có tầm quan trọng chiến lược được người Đức biến thành một cứ điểm mạnh. Lực lượng còn lại của đồn binh và các đội dân quân tự vệ chỉ còn kịp bấu víu vào thành cổ Orenburg.

 Thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Lúc này, các đơn vị của Quân đoàn tăng thiết giáp số 1 Ba Lan đang tiến gần đến Dresden. Tư lệnh Tập đoàn quân Ba Lan, Tướng Karol Sverchevsky bị ám ảnh trước việc người Đức đánh chiếm một trong những trung tâm quan trọng nhất. Ông muốn chính binh sĩ Ba Lan phải những người đầu tiên tiến vào thành phố. Thế nhưng, chính điều này lại vô cùng nguy hại, dẫn đến sự thất bại ngay sau đó.

Cuộc tấn công bất ngờ

Do mải mê tiến công sang phía Tây, các đơn vị xe tăng và cơ giới của Liên Xô và Ba Lan đã mất liên hệ với hậu phương và bị phân tán khi tiếp cận thành phố Dresden. Quân Đức Quốc xã ngay lập tức tận dụng cơ hội này.

 Sư đoàn “German Gering” của Đức trên đường hành quân. Ảnh tư liệu.

Sư đoàn “German Gering” của Đức trên đường hành quân. Ảnh tư liệu.

Tập trung lực lượng lớn, bao gồm cả Sư đoàn tăng-nhảy dù ưu tú “German Gering”, người Đức đánh vào các cánh quân đang tiến công. Đến ngày 21-4-1945, chúng cắt đứt và bao vây lực lượng chính của Tập đoàn quân số 2 Ba Lan và một số đơn vị của Liên Xô. Trong hồi ký của mình, Tư lệnh Mặt trận số 1 Ukraine, Nguyên soái Liên Xô Ivan Konev đã viết: “Sử dụng mũi đánh trả vào bên sườn khá mạnh, quân Đức Quốc xã hy vọng tạo được tình thế nguy cấp trên toàn bộ cánh trái của quân chúng ta và gây ảnh hưởng lên chiến dịch đang tiến công theo hướng Berlin”.
Đợt phản công này của quân Đức đã đánh bại một số đơn vị quân đội Liên Xô và Ba Lan. Tình hình càng trở nên nguy cấp, khi không quân Đức tạm thời chiếm ưu thế trên vùng trời khu vực mặt trận này. Nguyên soái Konev lệnh cho các đơn vị bị bao vây cùng nỗ lực đập tan bước đột phá này của quân địch. Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức bị phá vỡ.

 Tư lệnh Tập đoàn quân Ba Lan, Tướng Karol Sverchevsky. Ảnh tư liệu.

Tư lệnh Tập đoàn quân Ba Lan, Tướng Karol Sverchevsky. Ảnh tư liệu.

Tư lệnh Tập đoàn quân, Tướng Karol Sverchevsky không coi trọng tình hình, khi cho rằng, kẻ địch sẽ dễ dàng bị đẩy lùi trong thời gian ngắn nhất. Quân đoàn tăng thiết giáp số 1 Ba Lan tiếp tục đà tiến công theo hướng Dresden. Đến trưa ngày 22-4, vị tướng này nhận thấy toàn bộ tính chất của thảm họa đang đến và ra lệnh cho các lính tăng quay ngược trở lại phía thành phố Bautzen. Chiều tối cùng ngày, khi vừa trở lại vị trí theo lệnh, đoàn xe tăng ngay lập tức xung trận, tuy nhiên vẫn không mang lại kết quả.

Vì tính toán sai, các binh sĩ Ba Lan rơi vào tình trạng hỗn loạn và hoang mang. Các đơn vị pháo binh, dù không được bộ binh hỗ trợ, vẫn cố gắng một cách tuyệt vọng để chặn bước tiến công của quân Đức và đã chịu tổn thất lớn. Các đơn vị lạc hướng thì mất liên lạc với Ban tham mưu và nhanh chóng chuyển sang chịu sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Tập đoàn quân số 52.

 Xe tăng hạng nặng IS-2 của Ba Lan bị chiếm giữ ở thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Xe tăng hạng nặng IS-2 của Ba Lan bị chiếm giữ ở thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Ngay cả trong tình huống nguy cấp này, Tập đoàn quân số 2 Ba Lan vẫn tiếp tục tiến công về Dresden, sử dụng lực lượng của ba Sư đoàn bộ binh. Ngày 24-4, Nguyên soái Ivan Konev đã buộc phải đích thân can thiệp và ngăn chặn bước tiến quân về phía Tây của các lực lượng này. Một sĩ quan Ba Lan sau đó đã xúc động nói về hành động của Nguyên soái Konev: “Phải như vậy, Sverchevsky bị say rượu khi ra lệnh”.

Chiến thắng vô nghĩa

Khó khăn và gian nan lắm thì quân đội Liên Xô và Ba Lan mới chọc thủng vòng vây của địch. Trong nỗ lực thoát khỏi thành phố Weissenberg, các đơn vị thuộc Quân đoàn cơ giới cận vệ số 7 chỉ còn lại 1/3 người sống sót. Tướng chỉ huy phá vòng vây này là Vladimir Maksimov bị thương nặng và bị bắt làm tù binh, chẳng bao lâu sau thì tử vong.

Lính tăng Đức bên cạnh pháo tự hành ISU-122 của Ba Lan bị phá hủy ở ngoại ô thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Lính tăng Đức bên cạnh pháo tự hành ISU-122 của Ba Lan bị phá hủy ở ngoại ô thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Ngày 26-4-1945, lệnh rút quân khỏi thành phố Dresden chỉ có một đơn vị còn lại trên hướng tiến công này nhận được – đó là Sư đoàn bộ binh số 9 Ba Lan. Bị mai phục trên đường rút lui, đơn vị này chịu tổn thất rất lớn. Cùng ngày hôm đó, Sư đoàn “German Gering” của Đức đã đánh bật quân Liên Xô ra khỏi thành phố Bautzen.
Quân đội Đức Quốc xã nỗ lực phát huy thành quả đạt được và bắt đầu tiến quân về phía Đông, nhưng đã bị Tập đoàn quân cận vệ số 5 của Liên Xô chặn đứng. Mặc dù giành chiến thắng mang tính cục bộ, nhưng người Đức không thể đạt được mục tiêu chính là đánh vào sườn của Hồng quân Liên Xô đang tiến về Berlin.

 Binh lính thuộc Sư đoàn “German Gering” sau trận đánh tại một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Binh lính thuộc Sư đoàn “German Gering” sau trận đánh tại một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Bautzen. Ảnh tư liệu.

Tập đoàn quân số 2 Ba Lan đã tổn thất hơn 8.000 người hy sinh, bị thương và mất tích, chiếm 1/5 quân số trong đội hình. Mất mát của quân đội Liên Xô và Đức Quốc xã trong chiến dịch này hiện vẫn chưa rõ.
Ngày 8-5-1945, Hồng quân Liên Xô giành kiểm soát thành phố Dresden sau khi quân phát xít Đức đầu hàng.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH.com)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tran-thang-cuoi-cung-vo-nghia-cua-duc-quoc-xa-trong-the-chien-ii-657430