Trấn Thành thiếu trách nhiệm trong lời nói và hệ lụy từ body shaming
Hành vi miệt thị ngoại hình trên truyền hình, trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả có thể khiến nghệ sĩ bị tổn thương tâm lý. Ngoài ra, khán giả cũng chịu tác động.
Body shaming xảy ra ở cả nam và nữ, ở mọi hình dáng, kích thước cơ thể khác nhau. Body shaming bao gồm những lời chỉ trích, so sánh, châm biếm như "quá béo", "quá gầy" hoặc bất kỳ khuyết điểm nào khác trên cơ thể. Ngày nay, nền tảng truyền thông xã hội và nhiều chương trình truyền hình, phim ảnh là một trong những nơi diễn ra tình trạng body shaming phổ biến nhất.
Body shaming trên sóng truyền hình có thể gây tổn thương tâm lý trầm trọng hơn so với những bối cảnh khác. Nghệ sĩ lại càng dễ tổn thương, khủng hoảng vì họ chú ý đến ngoại hình.
Tổn thương tâm lý khi bị body shaming trên truyền hình
Body shaming là hiện tượng một ai đó đưa yếu tố cơ thể của người khác trở thành chủ đề bàn tán, thậm chí gây cười, trào phúng. Đó là câu chuyện giữa hai người với nhau, trong một nhóm nhỏ hoặc cũng có thể trước đám đông.
Thực tế, hiện tượng này diễn ra khá thường xuyên ở nhiều môi trường khác nhau như gia đình, học đường, công sở, thậm chí trong những hoạt động ngoại khóa, công khai nơi đông người như chương trình cộng đồng, game show...
Nhiều khi cách tặng quà còn quan trọng hơn bản thân món quà đó. Vậy nên, cùng là body shaming nhưng ở những bối cảnh, trường hợp và cách thực hiện, thái độ, ngôn từ khác nhau, nó sẽ dẫn tới những phản ứng khác nhau của người tiếp nhận. Chủ đích của body shaming là tích cực chỉ khi nó đủ tế nhị.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy đại đa số nạn nhân cảm thấy bị tổn thương khi đối mặt với body shaming. Đứng ở góc độ của người bị body shaming, họ không hề vui khi người khác cứ nhắc đến những điều họ cho là khuyết điểm trên cơ thể. Bởi vậy, dù là lời khen thì chưa chắc họ đã tin chứ đừng nói là chê hay trào phúng thiếu tế nhị.
Việc body shaming người khác để tạo tiếng cười có thể được khán giả hưởng ứng, vui cười ngay lúc đó. Nhưng nếu body shaming khiến hàng trăm người vui nhưng một người tổn thương thì có nên không?
Nghệ sĩ càng dễ khủng hoảng khi bị body shaming
Body shaming thường xuyên xảy với chính những người có quan hệ thân thiết, gần gũi.
Có thể trong cuộc sống hàng ngày, họ là những đồng nghiệp, anh em thân thiết để nói chuyện như vậy. Tuy nhiên, sự hiện diện của những câu đùa trên sóng truyền hình khiến nhiều người cho rằng đó là thiếu "duyên dáng", không lịch sự trong giao tiếp.
Sự ảnh hưởng của body shaming còn phụ thuộc vào chiều sâu tâm lý, thế giới nội tâm của người nghe và trải nghiệm vấn đề này. Nếu còn lấn cấn về đặc điểm nào đó trên cơ thể, họ sẽ nhạy cảm trong cảm nhận và cảm xúc khi ai đó đề cập tới.
Nếu Đức Phúc có bản lĩnh hoặc thế giới nội tâm vững vàng, chấp nhận cơ thể của mình, cậu ấy hoàn toàn thoải mái và hoan hỉ với những câu trêu đùa của Trấn Thành. Tuy nhiên, nếu đặc điểm cơ thể bị body shaming là một điểm yếu khiến họ phải suy nghĩ, trăn trở, họ sẽ không thoải mái, vui vẻ với sự trêu đùa này và nó có thể trở thành tổn thương tâm lý.
Sự buồn bã ban đầu sẽ dần leo thang, chuyển hóa những tiêu cực thành khủng hoảng, căng thẳng, thậm chí sang chấn tâm lý dẫn tới các hệ lụy đáng tiếc. Đặc biệt, với nghệ sĩ, sự tổn thương có thể trầm trọng hơn người bình thường vì họ là những người thường làm việc bằng cảm xúc.
Họ là những người làm việc bằng não phải, vùng não của sự sáng tạo và cảm xúc. Bản thân họ cũng đặc biệt để ý đến hình ảnh trước công chúng. Bởi vậy, nếu chẳng may gặp tình trạng body shaming trên các chương trình truyền hình, game show, họ càng chịu tổn thương.
Điều đáng bàn là không phải ai cũng thấu hiểu và vượt qua nỗi đau của chính mình. Trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều người nổi tiếng lựa chọn giải pháp tiêu cực để giải tỏa những căng thẳng bên trong. Thậm chí không ít trường hợp từ bỏ cuộc sống và cả tương lai ở phía trước khi còn rất trẻ.
Đầu năm, vận động viên bóng chuyền Kim In Hyuk tự vẫn ở tuổi 27. Gia đình cho biết trước khi qua đời, Kim In Hyuk trầm cảm vì thường xuyên bị body shaming. Họ ở vị trí là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, đặc biệt giới trẻ. Do đó, câu chuyện đáng buồn của họ dễ tạo nên làn sóng lây lan, kéo theo những người đang bấp bênh về tâm lý cùng rơi vào khủng hoảng.
Nghệ sĩ cần ý thức về hành vi và lời nói
Nghệ sĩ có trách nhiệm truyền cảm hứng cho cộng đồng và phải luôn ý thức rõ ràng về hành vi, lời nói.
Thứ nhất đó là sự quan sát và lắng nghe trước khi muốn trêu đùa. Hãy đặt mình ở vị trí người được nhắc đến, quan tâm tới thế giới nội tâm họ giống như với chính mình. Nếu chúng ta đang muốn nói về điều gì đó chưa phải sở trường, điểm mạnh của người khác, vậy hãy dụng tâm để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu.
Thứ hai là tập trung vào tài năng của người nghệ sĩ thay vì những thiếu sót. Nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, đến với công chúng bằng niềm đam mê và khát khao được cống hiến. Chính khán giả cũng cần hướng sự quan tâm của mình vào những điều tích cực để cùng nuôi dưỡng cảm xúc.
Mọi người hãy cẩn trọng hơn trong những ngôn từ và giao tiếp để tạo ra niềm vui, không khí sôi nổi, phá đi những tảng băng trong giao tiếp mà không cần sử dụng điểm nào đó trên cơ thể của người khác để gây cười. Tiếp đến là trách nhiệm của các ê-kíp biên tập đài truyền hình và sức mạnh của khán giả mỗi khi chứng kiến hành vi body shaming.
Body shaming chắc chắn vẫn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, không chỉ là nhận xét về khiếm khuyết của một ai đó mà suy rộng ra, nó còn là thái độ phán xét tiêu cực về tất cả khía cạnh trong cuộc sống. Chỉ khi bạn nuôi dưỡng sự chấp nhận, thấu cảm và yêu thương, mới dần gạt bỏ định kiến trong tâm trí và hình thành cho mình cuộc sống tích cực, hạnh phúc.