Trấn Thành và hiện tượng 'Bố già': Khi cảm xúc lên ngôi!

'Tôi không cần biết phim hay hoặc dở về nghệ thuật điện ảnh, tôi chỉ cần biết 'Bố già' đã chạm đến trái tim tôi khiến tôi khóc trong rạp'.

Lý giải ấy của một khán giả cũng là lý do cốt yếu nhất đưa bộ phim “Bố già” do MC Trấn Thành biên kịch, đồng đạo diễn, đóng chính trở thành hiện tượng sáng nhất trong một năm 2021 quá ư ảm đạm, đìu hiu của điện ảnh Việt.

“Bom tấn” của điện ảnh Việt 2021

Trong một năm 2021 điện ảnh Việt chưa bao giờ đìu hiu đến thế, khi trong 12 tháng thì phải đến 7 tháng rạp phim cả nước không hoạt động, 8 tháng không có một phim nào mới được sản xuất, thì danh hiệu “bom tấn” dành cho “Bố già” cũng như một lẽ đương nhiên. Bộ phim đã xô đổ mọi kỷ lục phòng vé trong lịch sử điện ảnh Việt cũng như “bỏ túi” gần như toàn bộ giải thưởng điện ảnh đáng giá nhất trong năm.

Ngày 5/3, chỉ 6 tiếng sau khi công chiếu, đại diện Galaxy - đơn vị phát hành cho biết, “Bố già” đã thu về 10,6 tỷ đồng. Sang ngày thứ hai, bộ phim thu về 22 tỷ đồng với hơn 3.000 suất chiếu, trở thành bộ phim Việt có doanh thu và tổng suất chiếu trong một ngày cao nhất. Tính đến đầu tháng 6/2021, Galaxy tuyên bố “Bố già” đã cán mốc doanh thu hơn 400 tỷ đồng, trở thành phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Không chỉ đại thắng tại phòng vé, “Bố già” còn khuynh đảo các giải thưởng điện ảnh trong năm. Tháng 11, tại LHP Việt Nam 2021, ê-kíp “Bố già” đã 4 lần được xướng tên: Bộ phim được trao giải Bông Sen Bạc; Trấn Thành chiến thắng giải Tác giả kịch bản xuất sắc, diễn viên nhí Ngân Chi thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc, Tuấn Trần thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Hơn một tháng sau, ngày 19/12, tại giải thưởng Ngôi sao xanh lần thứ 8, “Bố già” tiếp tục đại thắng với hàng loạt giải thưởng: Phim điện ảnh hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Vũ Ngọc Đãng, Nam/nữ diễn viên phụ điện ảnh xuất sắc (cho Tuấn Trần, Lê Giang), Nam diễn viên điện ảnh được yêu thích cho Trấn Thành

3 ngày sau, Giải Cánh diều vàng 2020 tiếp tục chứng kiến lần đại thắng nữa của “Bố già” khi bộ phim được trao giải cao nhất Cánh diều vàng và 2 giải phụ cho Quay phim và Nam diễn viên chính xuất sắc.

Năm 2021, có thể là năm “chết như ngả rạ” với nhiều bộ phim Việt nhưng với ê-kíp “Bố già” thực sự lại là một năm vẹn tròn, viên mãn.

Sự kỹ tính mang tên Trấn Thành

Tài năng của Trấn Thành, sự đa năng của Trấn Thành từ lâu đã là điều không ai có thể phủ nhận. Nhưng một Trấn Thành làm phim, vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch thì có lẽ đến phiên bản “Bố già” điện ảnh mới cho thấy một hình dung rõ nét nhất, rằng một Trấn Thành phiên bản đạo diễn có phần thông minh, kỹ tính, quyết liệt và duyên dáng hơn cả Trấn Thành phiên bản diễn viên.

Thông minh tới mức, đạo diễn nổi tiếng Vũ Ngọc Đãng, sau một thời gian nhận lời đồng đạo diễn “Bố già” đã phải thốt lên: “Thật ra, chỉ có những ai làm chung với Trấn Thành mới biết Trấn Thành giỏi và tâm huyết với từng cảnh quay như thế nào…. Trấn Thành quá giỏi để tự làm đạo diễn, tự đứng tên một bộ phim mà không cần phải có Đãng hay bất cứ một người đạo diễn nào làm chung cả. Đãng nghĩ Thành thừa sức vừa làm diễn viên chính, vừa làm đạo diễn vì việc mời người làm chung nó rất “phí” với tài năng của Trấn Thành”.

Cùng với sự giỏi và tâm huyết, điều mà cả đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lẫn các diễn viên của ê-kíp “Bố già” nhận diện rõ nét nhất về Trấn Thành là sự… kỹ tính. “Trấn Thành làm phim của người ta khó tính 1 thì làm phim của mình Trấn Thành khó tính 10. Cái khó tính đó không phải sự khó chịu, mà là sự kỹ tính. Tất cả điều đó cũng chỉ là để bộ phim được tốt hơn” - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng chia sẻ trước câu hỏi “trước nay mọi người nói rằng khi làm việc Trấn Thành khó tính lắm?”.

Với những diễn viên như Tuấn Trần hay cả người chị Lê Giang thì sự khó tính, kỹ tính ấy lên, gấp đôi gấp ba. Một nguồn tin trong đoàn phim tiết lộ rằng những ngày quay đầu, Tuấn Trần rất áp lực, bị Trấn Thành la mắng nhiều vì diễn không đạt. Có hôm, Trấn Thành không cho Tuấn Trần uống quá nhiều nước, tránh đi… vệ sinh liên tục, ép anh tập trung vào cảnh quay. Còn với nữ nghệ sĩ Lê Giang thì trải nghiệm đó cũng khủng khiếp không kém. Là chị em rất thân thiết ngoài đời, nhưng theo lời Lê Giang, suốt thời gian làm phim “Bố già”, “Trấn Thành rất khó, chỉn chu, yêu cầu thoại 10 chữ phải đúng cả 10. Trong khi đó, thoại của vai Cẩm Lệ lại nhiều, nhanh. Vì thế, chỉ riêng phần học lời đã khiến tôi stress. Trên phim trường, tôi là người bị cậu ấy la nhiều nhất. Cậu ấy bảo tôi phải làm thế này, nên làm thế kia, bắt bẻ đến từng tiểu tiết. Trấn Thành mắng đến mức tôi phát khóc ngay trên phim trường”.

Bản thân Trấn Thành cũng luôn tự nhủ phải kỹ tính với chính mình. “Khi nào thấy tao diễn dở, mày phải nhắc ngay” - Trấn Thành liên tục nói với Vũ Ngọc Đãng. Nhưng Trấn Thành hiểu rất rõ rằng, sự kỹ tính ấy là cần thiết, “trong cuộc đời này, không có gì hay mà mình không bỏ công sức”.

Và sự lên ngôi của cảm xúc

Nhưng nói về Trấn Thành, về “Bố già”, không nói đến “Thành cry” - một Trấn Thành đa sầu đa cảm và câu chuyện cảm xúc là chưa đủ.

Nếu rất nhiều người cho rằng “Bố già” là một bộ phim nên xem, thậm chí là “phải xem”, là bộ phim đưa điện ảnh Việt lên tầm cao mới… thì nhiều người lại cho rằng: “Bố già dù thành công vẫn chưa phải là một bộ phim xuất sắc”. Nhà báo Quỳnh Trang (Báo Pháp luật TP. HCM), dẫn lời một khán giả nhận định một cách rất hình tượng rằng: “Bố già là một tản văn đẹp và đôi chỗ… sai chính tả”. Nhiều nhà báo, nhà phê bình điện ảnh thì giải mã “hiện tượng Bố già” theo một cách khoa học và… thị trường hơn khi cho rằng “Bố già” đích thực là một tác phẩm điện ảnh ăn may, nhờ việc nhà sản xuất mạnh dạn quyết định “cho ra rạp sớm” đúng vào thời điểm dịch bệnh mới chỉ vừa được kiểm soát. Nhờ đó, bắt trúng tâm lý người xem đang khao khát được đến rạp chiếu, trong khi đó lại không có một phim bom tấn nào của Hollywood ra rạp cùng thời điểm vì vẫn đang trong thời điểm hoãn chiếu trước đó, đồng thời thời điểm đó cũng không có bộ phim nào đủ sức là “kỳ phùng địch thủ” của “Bố già”. Rồi bên cạnh đó, “sức hút thần tượng” cũng là một yếu tố khi chỉ thương hiệu cá nhân của Trấn Thành cũng đủ sức kéo khán giả đến rạp…

Mọi sự lý giải đều có cơ sở của nó. Mọi sự tranh cãi cũng chẳng có gì khó hiểu. “Bố già” hay hay không hay, xuất sắc hay không xuất sắc… phụ thuộc vào góc nhìn mỗi cá nhân. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được là “Bố già” đã ít nhất khiến nhiều khán giả cùng vui, cùng cười, cùng rơi lệ bởi đồng cảm với các nhân vật trong phim, và thậm chí khiến họ thấy có cả họ, cả gia đình họ trong đó. Như thế, trong nhìn nhận của nhiều người, “Bố già” đã thành công.

Nói như nhà thơ/ nhà báo Nguyễn Phong Việt: “Trong điều kiện chúng ta không thể làm ra những bộ phim mà cả cấu trúc lẫn cảm xúc đều tuyệt vời, thì hãy tập trung vào cảm xúc để khán giả quên đi tất cả những khiếm khuyết khác của bộ phim. “Bố già” thuộc về trường hợp này, cảm xúc của phim đủ mạnh để khán giả tha thứ hết tất cả những thiếu sót còn lại”.

Từ thành công của “Bố già”, ít nhất có một thứ đã lên ngôi, ấy là cảm xúc. Chạm vào được những cung bậc cảm xúc vốn dĩ rất đỗi mong manh và không dễ tiếp cận của công chúng, ấy đã là thành công của Trấn Thành và ê-kíp tạo dựng nên “bộ phim của năm” của điện ảnh Việt 2021.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tran-thanh-va-hien-tuong-bo-gia-khi-cam-xuc-len-ngoi-post179001.html