Trần tình của các nạn nhân thoát khỏi bẫy việc nhẹ lương cao
Không ít người sang Campuchia tìm việc nhẹ lương cao nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Vừa qua, công an các đơn vị địa phương trên toàn quốc đã giải cứu nhiều nạn nhân, làm rõ thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. May mắn được trở về với gia đình, các nạn nhân vẫn ám ảnh về giấc mơ việc nhẹ lương cao nơi xứ người.
1. Hai anh em D. và G., cùng trú tại xã Đổng Xá, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn vừa được gia đình bỏ một số tiền khá lớn để có thể trở về nước. Tháng 2/2022, 2 nạn nhân đi làm công nhân tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Khoảng tháng 4/2022, qua trang "Tuyển dụng Khu Công Nghiệp" trên mạng xã hội Facebook, họ được một người giới thiệu là nhân viên tuyển dụng cho một công ty chuyên về game tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đưa ra những lời mời chào về công việc nhẹ nhàng, thu nhập hấp dẫn. Tin tưởng, họ cùng một thanh niên khác mua vé máy bay vào TP.HCM.
Sau đó, họ được đưa đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài rồi đi bộ sang Campuchia, trước khi được đưa bằng ôtô đến chỗ làm việc ở một sòng bạc, với công việc chính là lừa khách nạp tiền vào game. Lúc này, các nạn nhân mới biết mình bị lừa bán sang Campuchia nên nhắn tin cho gia đình để giải cứu.
Nạn nhân G. cho biết: "Hai anh em đi Bắc Ninh làm, nhưng khi công việc không ổn định, qua trang mạng xã hội Facebook, có người giới thiệu công việc đơn giản, do tin người đã nghe theo. Nhưng khi đến đó thì thực chất không phải làm công việc như vậy nên em đã chạy trốn. Khi họ bắt lại và bán 2 anh em ra đảo. Họ bắt làm việc nhắn tin cho người nước ngoài, mục đích lừa đảo, mình không làm thì sẽ bị đánh hoặc bị bán đi. Chúng em rất lo sợ nên khi điện thoại có mạng em gọi qua ứng dụng Messenger về cho gia đình để lấy tiền chuộc. Bây giờ bọn em là người trải qua trước rồi, mong mọi người cảnh giác, vì sẽ không bao giờ có việc nhẹ nào mà lương cao…"
Các nạn nhân cho biết quá trình làm việc, các lao động không được ra bên ngoài nên không thể biết địa chỉ chính xác nơi đang ở và làm việc. Ai làm sai sẽ bị đánh đập. Ngày làm việc 12 giờ nhưng họ không được trả lương và muốn trở về Việt Nam phải trả số tiền chuộc hàng trăm triệu đồng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 6 nạn nhân đã được trở về Việt Nam sau những ngày bị lừa bán sang Campuchia làm việc không công, bị hành hạ, bị bóc lột sức lao động.
Chị D. (mẹ của 2 nạn nhân) cho biết: "Khi các con đi làm công nhân ở Bắc Ninh vẫn liên lạc với gia đình bình thường, tuy nhiên khoảng tháng 5 thì nhận được tin các cháu bị lừa bán sang Campuchia. Ở nhà rất lo lắng vì lúc các cháu đi thì gia đình không biết, các cháu còn ít tuổi và cũng dễ tin người nên gia đình cũng chỉ biết trình báo với cơ quan công an. Điện thoại các cháu lúc nào cũng trong tình trạng tắt nguồn, khi nào có mạng các cháu mới tranh thủ nhắn tin được. Cả tiền chuộc và nộp phạt của 2 cháu là hơn 300 triệu đồng…"
2. Ngày 22/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng lực lượng Hiến binh và Công an tỉnh Svay Rieng của vương quốc Campuchia giải cứu thành công em H.C.K. (SN 2004, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khỏi một casino trên đất Campuchia.
K. kể lại: "Trước đó, ngày 15/8, em vào mạng xã hội trang "Việc làm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" tìm kiếm việc làm với mức lương ban đầu là 12 triệu đồng/tháng, tại một nhà hàng giáp biên giới tỉnh Tây Ninh. Quá trình làm việc, em vui mừng vì được bao chi phí sinh hoạt. Sau đó, em đã trốn gia đình để đón xe đến Bến xe miền Đông (TP.HCM). Tại đây, em được người đàn ông tên Tuấn (chưa rõ danh tính) đón và đưa đến một nhà nghỉ ở Tây Ninh. Tiếp đó, bọn chúng đưa em cùng 4 thanh niên khác bằng đường tiểu ngạch xuất cảnh trái phép sang Campuchia".
Tại Campuchia, do không chịu nổi áp lực mỗi ngày làm việc từ 6h sáng đến 23h, K. xin nghỉ việc thì bị chúng đánh đập, tra tấn dã man. Nếu K. muốn trở về nhà đoàn tụ với gia đình phải gọi điện cho người thân đưa cho chúng 5.500 USD để chuộc mạng. Còn không sẽ bị bán cho công ty khác với số tiền chuộc cao gấp nhiều lần.
Từ tin báo cầu cứu của gia đình K., Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và nhanh chóng xác định được vị trí của em K. đang bị đối tượng ở Campuchia giam giữ. Đến 14h ngày 22/8, K. đã được lực lượng chức năng giải cứu đưa ra khỏi casino tại TP Bavet, Campuchia.
Trước đó, chỉ chưa đầy 10 ngày, Công an tỉnh Tây Ninh đã xác minh, phối hợp cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia giải cứu thành công em Trần Thị H. (quê Nam Định) thoát khỏi "động quỷ". Cũng như bao nạn nhân khác bị lừa bán sang Campuchia, vì ôm mộng tìm được công việc nhẹ, lương cao, em H. bị nhóm "xã hội đen" ở nước ngoài khống chế, giam giữ. Bọn chúng buộc H. phải làm nghề "nhạy cảm" để trả món nợ cho chuyến di chuyển từ Việt Nam sang Campuchia. Thông tin liên lạc cuối cùng gia đình H. nhận được là dòng tin nhắn cầu cứu của nạn nhân.
"Em nhắn tin cho cha mẹ biết rằng mình đang bị đưa sang Campuchia. Em không về được Việt Nam vì không có giấy tờ. Em cũng không rõ địa điểm mà chúng giam giữ. Nó đưa em vào nhà chứa. Ngoài em, có hơn 10 cô gái Việt Nam khác cùng lâm vào cảnh tương tự. Có khách thì chúng dọa đánh, ép buộc em phải tiếp khách. Nhiều cô gái khác bị đánh nên em sợ lắm. Chỉ nhắn được vài câu như vậy, rồi chúng không cho em nhắn tin lại nữa với gia đình. Nhờ được sự giúp đỡ của Công an tỉnh Tây Ninh. Em mới được giải cứu và đưa về quê Nam Định an toàn", H. chia sẻ.
Mới đây, ngày 16/7, Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đã hỗ trợ đưa Nguyễn Thị Minh P. (SN 2006) và Nguyễn Văn B. (SN 2007, cùng ngụ Thái Nguyên) trở về quê ở tỉnh Thái Nguyên an toàn. Trước đó, hai em P. và B. đã đến Công an xã Phước Thạnh (huyện Gò Dầu) cầu cứu về việc, bị lừa sang Campuchia làm việc. Khi họ đăng bài trên mạng Facebook để tìm kiếm việc làm, một phụ nữ tên V. (chưa rõ danh tính) đã dụ dỗ các nạn nhân làm công việc đánh máy tính với mức lương 23 triệu đồng/tháng ở Campuchia (cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 300 m).
Sau đó, cả hai được người quen V. đặt mua vé máy bay đưa từ TP Hà Nội vào TP.HCM, rồi đưa xe đến gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) để thuê phòng nghỉ lại qua đêm, chờ người dẫn sang Campuchia làm việc. Cùng đi với P. và B. có thêm 3 thiếu niên khác. Trong thời gian nghỉ lại ở khách sạn, cả nhóm được người dân địa phương cảnh báo về một số trường hợp bị lừa đảo làm việc ở Campuchia. Cả nhóm bỏ trốn thì lạc mất nhau. Sau đó, P. và B. không liên lạc được với 3 nạn nhân khác, nên đến công an nhờ giúp đỡ. Qua điều tra, Công an huyện Gò Dầu xác định P. và B. là những nạn nhân có bị lừa đảo tìm kiếm việc làm để xuất cảnh trái phép sang Campuchia.
Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, đây chỉ là một trong số những nạn nhân được lực lượng chức năng can thiệp thành công ngay từ ban đầu. Có nhiều vụ việc người thân nạn nhân cung cấp nguồn tin không chính xác về thời gian, địa điểm nơi giam giữ. Do vậy, lực lượng công an và Biên phòng ở Tây Ninh gặp phải nhiều khó khăn trong công tác xác minh, phối hợp cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia giải cứu nạn nhân.
Ngọc Ánh - T.Nhung - N.Minh/Công An Nhân Dân