Trăn trở cho sự phát triển của thành phố

Sáng 5-3, tại TP. Nha Trang, Thành ủy Nha Trang phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”. Hội thảo đã tập hợp 55 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Các tham luận và ý kiến tại hội thảo đều nhận diện khá xác đáng về giá trị văn hóa, con người, vùng đất Nha Trang; đồng thời nêu lên những trăn trở làm sao để phát huy các giá trị văn hóa phục vụ cho sự phát triển của thành phố biển.

* PGS, TS Trương Công Huỳnh Kỳ (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế):

Phát huy giá trị bản sắc văn hóa của Nha Trang

PGS, TS Trương Công Huỳnh Kỳ.

PGS, TS Trương Công Huỳnh Kỳ.

Văn hóa và lịch sử có mối quan hệ bền chặt, mật thiết với nhau. Các giá trị đó được hình thành, hun đúc và kế thừa. Nha Trang vốn là vùng đất có bề dày lịch sử cả nghìn năm với sự cộng cư của nhiều dân tộc, do đó khi phát triển cần gắn lịch sử với hiện tại và tương lai theo chủ trương của Đảng là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình phát triển phải quan tâm, đưa các giá trị lịch sử, văn hóa vào trong các văn bản pháp lý; tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trong hệ thống chính trị ý thức về giá trị văn hóa, lịch sử để từ đó hình thành các giá trị văn hóa mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tổ chức các sự kiện kỷ niệm lịch sử, các lễ hội văn hóa, đưa giá trị văn hóa, lịch sử vào việc phát triển kinh tế - du lịch của địa phương.

* PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa):

Bản lĩnh văn hóa, con người giúp Nha Trang phát triển bền vững

PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm.

Nha Trang là vùng đất của sự đa dạng tự nhiên, đa dạng tộc người, tôn giáo, dẫn tới đa dạng về biểu đạt văn hóa.

Đa dạng văn hóa ở Nha Trang không phải là thời điểm mà là cả một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại; không phải là có sẵn mà là cả quá trình kiến tạo của các cộng đồng cư dân; không phải là bất biến mà luôn có sự vận động theo hướng bồi đắp, hội tụ, phát triển hoặc phân tán, suy giảm, mai một; không phải do áp đặt từ bên ngoài hay ý muốn chủ quan của ai mà là sự lựa chọn của tất cả các cộng đồng cư dân sinh sống trên mảnh đất này. Để có thể tồn tại và phát triển trong sự tiếp biến liên tục, con người, văn hóa Nha Trang phải thực sự có bản lĩnh. Chính vì vậy, đây là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển của Nha Trang trong tương lai.

Hiện nay, trong bối cảnh của một thành phố du lịch với sự gia tăng mạnh mẽ của các dòng chảy toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đa dạng văn hóa ở Nha Trang cũng có những sự thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau, vừa kế thừa, tái cấu trúc, vừa bổ sung, thêm mới song đa dạng văn hóa vẫn luôn là nền tảng, luôn có vai trò và ý nghĩa đặc biệt tạo ra sức mạnh và bản sắc cho thành phố biển, thành phố du lịch hấp dẫn này. Đây là dịp để nhìn lại Nha Trang 100 năm vừa qua và hướng tới sự phát triển của 100 năm tiếp theo.

* PGS, TS Hồ Xuân Quang (Đại học Quy Nhơn):

Nha Trang có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức

PGS, TS Hồ Xuân Quang.

Nha Trang - vùng đất tiêu biểu của sự hòa quyện nhuần nhuyễn văn hóa biển. Dù các tỉnh miền Trung tỉnh nào cũng có biển song Nha Trang rất tiêu biểu, được hình thành từ rất sớm với sự tiếp biến và phát triển liên tục. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Nha Trang đang đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Đầu tiên, với việc được Trung ương dành nhiều chính sách, ngoài sự thuận lợi thì đây cũng chính là áp lực bởi Nha Trang hiện còn thiếu các cơ chế thực hiện, thiếu nguồn nhân lực; những người thực thi các chính sách ưu đãi phải là người thực sự am hiểu văn hóa Nha Trang mới phát huy được thế mạnh của con người và vùng đất nơi đây. Một khó khăn nữa chính là hạ tầng văn hóa của Nha Trang còn thiếu rất nhiều.

Ngoài ra, thành phố cũng đang gặp nhiều thách thức từ việc phát triển nóng du lịch biển sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Áp lực từ việc hoạch định là đô thị hạt nhân và trở thành cực tăng trưởng của cả vùng sẽ khiến Nha Trang dễ đi chệch quỹ đạo trong việc giữ gìn giá trị văn hóa. Đồng thời, nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế với mũi nhọn là du lịch quốc tế cũng là một trách nhiệm rất lớn đối với địa phương.

Khi nhận diện đầy đủ khó khăn và thách thức, kết hợp với sự quan tâm, chỉ đạo, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin rằng TP. Nha Trang sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đô thị hạt nhân và trung tâm của tỉnh Khánh Hòa; đồng thời là điểm đến du lịch lớn của khu vực và quốc tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của thành phố.

XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM - LÊ MINH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202403/tran-tro-cho-su-phat-trien-cua-thanh-pho-d25527c/