Trăn trở của 'người truyền lửa'
Bao giờ cũng vậy, dù trong hội nghị, hội thảo nào, ông Nguyễn Thành Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cũng là một trong những người… nói nhiều nhất! Bao nhiêu suy tư, thậm chí cả những bức xúc của một người nhiều năm gắn bó với mô hình kinh tế tập thể đều được ông gửi đến những chỗ cần nghe… với mong muốn giúp người nông dân chân lấm tay bùn có thể gắn bó với nông nghiệp.
Ông Giang vốn là người độc lập, ít phụ thuộc vào người khác mỗi khi làm việc. Tuy nhiên, theo ông, giữa thời điểm mà mỗi người dân, mỗi thành viên HTX dù gắn bó với cây lúa, cánh đồng đã lâu nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về giống, đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật thì việc không ít người còn hoài nghi, chưa tin tưởng vào mô hình kinh tế tập thể càng khiến sản xuất nông nghiệp khó khăn hơn.
Làm nông nghiệp cho chính mình
Vậy nhưng, vượt lên trên tất cả, người nông dân Nguyễn Thành Giang vẫn dẫn dắt các thành viên và bà con ở Bình Thành gặt hái được những thành công trong sản xuất kinh doanh lúa gạo. Và đến nay, HTX Bình Thành như là điểm sáng trong con đường làm nông nghiệp của người dân An Giang với mô hình cánh đồng mẫu lớn không có dấu chân người.
Và ông Giang đến nay xứng đáng với tên gọi là "người giữ lửa cho HTX" và là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, bởi ông không chỉ giúp người dân liên kết với doanh nghiệp để áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho cánh đồng lớn rộng 1.000 ha và bao tiêu đầu ra cho người dân, mà còn từng ngày làm dày dặn thêm kinh nghiệm làm nông nghiệp để giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Người dân An Giang vốn ăn nói xuề xòa nhưng thật thà và thuần hậu. Những điều này cũng hội tụ trong máu của ông Nguyễn Thành Giang. Đi lên từ những gian khó và sau nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, ông Giang nói, thứ gì ông cũng đã từng bước qua, chỉ có điều mỗi lần bước như vậy, ông không chỉ rút ra được những bài học cho hiện tại mà còn nặng lòng cho cả tương lai.
Bởi dù chọn giống gì, sản xuất trên diện tích bao nhiêu, áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa thì cũng phải bảo đảm cho hiện tại và chục năm sau. Nếu cùng trồng lúa nhưng cũng chính mảnh đất đó làm sao phải không bị thoái hóa, bạc màu? Hay dù trồng lúa để lấy hạt thóc, hạt gạo nuôi sống con người nhưng làm sao phải để cây cỏ, thiên nhiên không bị tổn thương, để người nông dân từ thế hệ này đến thế hệ khác có thể thấy được giá trị vô tận của đồng ruộng?
Những suy nghĩ đầy trách nhiệm đó có lẽ được nảy mầm và nuôi dưỡng từ mong ước ước trân trọng từng tấc đất thiêng liêng của quê hương. Không dừng lại ở đó, ông còn từng ngày tìm cách xoay xở để thành viên, người nông dân có thể sống và gắn bó bền bỉ với nông nghiệp, để HTX Bình Thành không bị tụt hậu giữa vô số doanh nghiệp hay những tập đoàn chuyên làm nông nghiệp đang hình thành và lớn mạnh mỗi ngày.
“Từng khốn khó vì người dân không sống được bằng cây lúa, hạt thóc do chính mình làm ra, nên chúng tôi vận động thành viên không làm theo kiểu chộp giật mà hãy sản xuất nông nghiệp như làm cho chính mình và người thân sử dụng”, ông Giang nói.
Điều này đã thấm vào khối óc của từng người nông dân, giúp ruộng đồng từng ngày ngập tràn sức sống bởi bàn tay chăm chỉ của người nông dân thuần hậu. Điều này quả không ngoa khi vùng đất An Giang khoảng dăm bảy năm về đây mới phát triển “nông nghiệp sạch”, “nông nghiệp hữu cơ” thì ở Bình Thành, nông dân đã đi trước một bước. Không để cho thành viên của mình phải lưỡng lự trong việc lựa chọn số lượng hay chất lượng, ông Giang luốn lấy khoa học kỹ thuật, diện tích lớn và đầu ra ổn định… làm điểm tựa vững chắc để thuyết phục người dân và thành viên cùng làm nông nghiệp. Đây cũng là điểm mấu chốt để doanh nghiệp “săn đón” mô hình HTX trong nhiều năm liền.
Dù để làm được việc này, ông Giang đã phải "vò đầu bứt tai", phải tìm cách để cơ quan quản lý có thể lắng nghe và hỗ trợ người dân, thành viên tháo gỡ những khó khăn vè vốn, về đất đai… Và quả là trời không phụ lòng người, mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn với sự hỗ trợ của máy móc từ khâu gieo sạ, phun thuốc trừ sâu đến thu hoạch đã giúp người dân không phải vất vả làm mà vẫn được cam kết lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/năm.
Ông Giang nói rằng, thành công có được như hôm nay phải đến từ sự nỗ lực của mỗi người. Nhưng đối với mọi người thì thành công của HTX Bình Thành là sự nỗ lực, nhiệt tâm được khởi nguồn từ phía người đứng đầu. Bởi không chỉ học từ sách báo, trên mạng, ông Giang còn nhiều lần đi học hỏi về cách quản lý HTX kiểu mới, cách xây dựng chuỗi giá trị, cách sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng lớn… Từ đây, ông cũng dần tìm thấy những cơ hội trong liên kết với các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp. Bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kinh nghiệm và bài học từ những thất bại đều được ông tự đúc kết và sửa ra cách đi phù hợp cho mô hình HTX của mình.
Khắc khoải những mối lo
Dù đạt được những thành công nhưng ông Giang cũng không khỏi lo lắng trước thực trạng không ít HTX cùng sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Theo ông, HTX không chỉ là mô hình sản xuất kinh doanh tập thể đơn thuần mà HTX chính là nơi bảo đảm chất lượng nông sản cho thị trường.
Dù trải qua bao nhiêu năm đi chăng nữa, mô hình HTX vẫn thể hiện được vai trò của mình trong sản xuất kinh doanh. HTX vừa kết nối với người nông dân để hỗ trợ đầu vào, HTX cũng vừa phải chọn lọc doanh nghiệp để liên kết đầu ra, tìm kiếm thị trường cho nông sản. Không dừng lại ở đó, HTX còn là cầu nối để tiếp nhận chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, kinh tế tập thể nhưng cũng là kênh “thông tin chính thống” để giúp người dân xích lại gần hơn với chính quyền, với cơ quan quản lý.
Nhưng để mô hình HTX hoạt động hiệu quả, theo ông Giang, những người đứng đầu cần có phương pháp vận hành phù hợp. Đi liền với đó, chính quyền địa phương cần có sự nhìn nhận đúng đắn về HTX kiểu mới để có sự hỗ trợ một cách đúng và trúng.
Nếu làm tốt được những điều trên, không sớm thì muộn, người dân cũng đủ nhạy cảm để nhận ra rằng muốn phát triển nông nghiệp không thể đi bằng những bước chân đơn độc mà phải liên kết, liên doanh thành chuỗi. Đó cũng là những cách thức mà HTX Bình Thành đang làm và sẽ tiếp tục làm.
Tuy nhiên, dù gắn bó và nhiệt huyết đến đâu thì sức lực của con người cũng có giới hạn. Ông Giang nói, dù chưa đến tuổi thấp thập cổ lai hy và vẫn muốn gắn bó nhiều năm với mô hình HTX nhưng điều ông không khỏi tiếc nuối là đến nay vẫn khó tìm kiếm đội ngũ trẻ về làm việc, cùng ông vận hành HTX.
Dù nhiều lần tuyển dụng nhưng đến nay, HTX vẫn thiếu cán bộ trẻ về làm việc. Nhiều người cho rằng khó có ai có thể vượt qua được cái bóng của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thành Giang vì ông đã nhiều năm được đạt danh hiệu nông dân xuất sắc cấp xã, cấp huyện, lại là cán bộ HTX tiêu biểu của tỉnh. Trong sâu thẳm lòng mình, ông Giang cũng cho rằng, dù hiện nay đã có không ít bạn trẻ tìm thấy cơ hội từ mô hình HTX, nhưng để tìm kiếm một người trẻ, có tầm và có tâm trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất phải chịu nhiều sự tác động của biến đổi khí hậu là không dễ.
Không dễ là bởi nông nghiệp không phải là ngành nghề dễ kiếm tiền, càng không phải là nghề có thể ngồi mát ăn bát vàng... Chính vì vậy mà không chỉ HTX Bình Thành mà nhiều HTX nông nghiệp khác vẫn trong cảnh "tre già đợi măng mọc".
Dù vẫn còn canh cánh nhiều nỗi lo, nhưng ông Giang vẫn quả quyết rằng: "Thôi thì, cứ làm nông bằng cái tâm như một cách để trả ơn nghĩa với đất mẹ thiên nhiên thì những mặn mòi, khổ cực cũng chẳng sá gì!".
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/tran-tro-cua-nguoi-truyen-lua-1090075.html