Trăn trở cùng đồng bào dân tộc
Trải qua những chuyến đi đầy gian nan, vất vả, chúng tôi đã để lại dấu chân, dấu ấn cùng đồng bào dân tộc.
Để có những bài viết hay, những hình ảnh trung thực nhất, các nhà báo chuyên viết về đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi đã phải băng đèo, vượt suối, trên những cung đường cheo leo, hiểm trở để tác nghiệp. Trải qua những chuyến đi đầy gian nan, vất vả ấy, chúng tôi đã để lại dấu chân, dấu ấn cùng đồng bào.
Mong muốn mang đến cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số những tác phẩm hay, nội dung sâu sắc, sát với thực tế, những nhà báo như chúng tôi đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và thường xuyên đi đến những vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu cuộc sống, những vấn đề mà đồng bào đang cần và hướng tới.
So với với các đồng nghiệp làm báo khác, những phóng viên thường xuyên viết về đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp. Đó là khó khăn chung của các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo với địa hình chia cắt, nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn rộng lớn. Đặc biệt, đối với địa bàn vùng sâu vùng xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nhiều lần, chúng tôi đi tác nghiệp đã chứng kiến cảnh sạt lở, lũ quét, chỉ cần sơ sểnh một chút sẽ bị tai nạn. Xe khách đến được các trung tâm huyện nhưng chưa đến được các xã, bản nên phương tiện đi lại của phóng viên chủ yếu là xe máy và cuốc bộ.
Có những lần vào thôn, bản xa, chúng tôi phải cuốc bộ hàng chục cây số đồi núi, dép đứt, giầy bong, chân tay phồng rộp, bỏng rát.…
Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp cũng phát sinh nhiều vấn đề: Ngôn ngữ bất đồng, nhiều khi phải ra ký hiệu, kế đó là nơi ăn chốn ngủ, làm công tác dân vận, tác nghiệp.…
Qua những chuyến đi thực tế này, nhà báo như chúng tôi mới thấy hết được những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây, cảm nhận được phần nào hơi thở cuộc sống và thấm đẫm tình người của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo... Đặc biệt, được gặp gỡ, trò chuyện, trải nghiệm cùng đồng bào, chúng tôi đã cảm nhận được những buồn, vui trong cuộc sống; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để rồi tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, nhiều bài viết hay, những hình ảnh đẹp, sống động.
Qua đó, chúng tôi đã có những bài viết phản ánh tâm tư, nguyện vọng thiết thực của đồng bào. Đồng thời, phát hiện và tôn vinh kịp thời những điển hình tiên tiến, gương sáng trong lao động sản xuất, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi..., góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và hiểu biết của người dân.
Các bài viết được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Công Thương đã góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của đồng bào; giúp bà con nắm bắt được các thông tin về giá cả thị trường, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản... Hướng dẫn đồng bào trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự.… Đặc biệt, những thông tin hữu ích qua báo chí đã giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Đi nhiều, gặp nhiều, tiếp xúc và được trải nghiệm thực tế cuộc sống đã cho chúng tôi kinh nghiệm, kiến thức để từ đó chắt lọc thành những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống của đồng bào.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tran-tro-cung-dong-bao-dan-toc-258839.html