Trăn trở hướng đi những mô hình nghiệp đoàn
Nghiệp đoàn, mô hình hoạt động của người lao động trong các loại hình tự do đang là một trong những mô hình được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng quan tâm thành lập cũng như hướng dẫn hoạt động. Còn rất nhiều trăn trở, băn khoăn để những nghiệp đoàn ngày càng phát huy vai trò trong bảo vệ người lao động.

Tặng quà cho thành viên Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt
Đa dạng mô hình hoạt động
Năm 2025, Lâm Đồng thành lập Nghiệp đoàn Nghề trồng sầu riêng tại xã Đạ Huoai. Đây là nghiệp đoàn của những người trồng, chăm sóc và kinh doanh sản phẩm sầu riêng, loại trái cây đặc sản của tỉnh Lâm Đồng. Nghiệp đoàn Nghề biển Tân Thắng cũng vừa được ra đời, tập hợp người lao động nghề biển. Trước đó, Lâm Đồng đã thành lập các nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC), nghiệp đoàn xe ôm, nghiệp đoàn cơ khí và sửa chữa tàu thuyền, nghiệp đoàn bốc vác, nghiệp đoàn tài xế xe công nghệ và có cả nghiệp đoàn cơ sở cộng tác báo chí… Các mô hình nghiệp đoàn đã thu hút được đông đảo các thành viên sinh hoạt, làm việc chung một ngành nghề.
Như NĐNC, Lâm Đồng đã thành lập được 5 NĐNC với 548 đoàn viên của 55 tàu đánh bắt xa bờ tham gia. Theo ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ khi thành lập đến nay, các NĐNC đã được hỗ trợ hiện vật và tiền mặt, trị giá hơn 4 tỉ đồng, do LĐLĐ tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tài trợ. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh trực tiếp hỗ trợ, trang bị 32 phương tiện thông tin liên lạc VX 1700 trên tàu cá và trên bờ (1 thiết bị trạm bờ tại phường La Gi), phao cứu sinh, thuốc phòng bệnh; đóng 50 bảo hiểm thân tàu, 2.000 bảo hiểm tai nạn thuyền viên, hỗ trợ kinh phí cho tàu bị chìm, ngư lưới cụ bị hỏng, thuyền viên bị tai nạn…
Việc thành lập NĐNC không chỉ xây dựng mối liên kết cộng đồng, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi có những tranh chấp ngư trường, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác hải sản, chăm lo tốt hơn cho đời sống ngư dân mà còn hình thành những đội tàu đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Nghiệp đoàn Tài xế xe công nghệ Đà Lạt cũng là nghiệp đoàn thu hút đông đảo người lao động. Thành lập năm 2024 với 45 thành viên ban đầu, hiện tại nghiệp đoàn có trên 100 thành viên, là người lao động tự do chuyên thực hiện công việc giao - nhận hàng với các app vận tải. Được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn và các doanh nghiệp tài trợ, thành viên nghiệp đoàn được nhận nhiều quyền lợi, đồng thời cũng nâng cao ý thức tuân thủ Luật Giao thông rõ rệt.
Còn nhiều khó khăn
“Thực sự hoạt động nghiệp đoàn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính. Các nghiệp đoàn có nguồn thu hạn chế, chưa đa dạng hoạt động hỗ trợ người lao động thành viên. Tổng LĐLĐ cũng chưa có mô hình chính thức của các nghiệp đoàn, chúng tôi cũng nỗ lực lớn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết”, ông Nguyễn Phú Hoàng thông tin.
Cụ thể, với các NĐNC, do nguồn thu tài chính hạn chế nên cán bộ NĐNC không được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bên cạnh đó, hầu hết các NĐNC không có nguồn kinh phí nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các phong trào thi đua và tham gia, tổ chức các hoạt động. Thêm vào đó, do đặc thù lao động của ngư dân nên nội dung, phương thức hoạt động của NĐNC nói chung còn lúng túng, quy chế phối hợp hoạt động giữa các cấp Công đoàn chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến việc tổ chức, điều hành hoạt động của NĐNC còn nhiều khó khăn. Các nghiệp đoàn trong các lĩnh vực khác, kinh phí hoạt động cũng là vấn đề rất áp lực.
“Thu hút người lao động tại khu vực phi chính thức, lao động tự do vào các nghiệp đoàn là một trong những hoạt động quan trọng của chúng tôi để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, góp phần đảm bảo thu nhập cũng như đời sống của anh chị em. Còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết nhưng tổ chức Công đoàn luôn sẵn sàng sát cánh bên người lao động”, ông Nguyễn Phú Hoàng chia sẻ.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/tran-tro-huong-di-nhung-mo-hinh-nghiep-doan-382017.html