Trăn trở nghề thêu truyền thống

Thường Tín (Hà Nội) có nhiều làng thêu nổi danh: Quất Ðộng, Nguyên Bì, Ðông Cứu, Từ Vân, Phương Cù, Ðào Xá… Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các làng nghề, thợ thêu dần thưa vắng, chuyển sang làm các nghề khác. Trên làng thêu cờ Từ Vân, chỉ còn một hộ gia đình bám trụ với nghề một cách chật vật.

Gia đình chị Vương Thị Nhung là một trong số ít hộ ở Làng thêu Từ Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) còn giữ nghề truyền thống.

Gia đình chị Vương Thị Nhung là một trong số ít hộ ở Làng thêu Từ Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội) còn giữ nghề truyền thống.

Thường Tín (Hà Nội) có nhiều làng thêu nổi danh: Quất Ðộng, Nguyên Bì, Ðông Cứu, Từ Vân, Phương Cù, Ðào Xá… Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các làng nghề, thợ thêu dần thưa vắng, chuyển sang làm các nghề khác. Trên làng thêu cờ Từ Vân, chỉ còn một hộ gia đình bám trụ với nghề một cách chật vật.

Theo huyền tích xưa, vị quan đời Lê có tên là Lê Công Hành (1606 - 1661) đã mang nghề thêu thùa về truyền dạy cho dân làng. Những xã được truyền nghề này, trong đó có Từ Vân, Ðông Cứu, Quất Ðộng, đều dựng chung đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã và ngày giỗ ông đã trở thành ngày giỗ Tổ nghề thêu. Từ cái nôi ấy, nghề thêu phát triển và sản phẩm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống, nghệ thuật của người Việt. Thế nhưng, tại làng thêu Từ Vân bây giờ, gia đình chị Vương Thị Nhung và anh Ðặng Văn Hưởng là một trong số ít hộ còn giữ nghề. Bước vào khoảng sân nhỏ, nhiều khung thêu được bày dọc sân. Tấm vải đỏ kéo căng hết cỡ, hai bên là hai nhóm thợ thêu chụm đầu tỉ mẩn thêu ngôi sao vàng năm cánh từ những sợi chỉ óng ả. Ai nấy đều cặm cụi với đường thêu để cho ra những sản phẩm đẹp nhất. Chị Nhung là đời thứ ba được truyền nghề thêu từ ông bà để lại, vợ chồng chị đã thêu không biết bao nhiêu lá cờ Tổ quốc. Chị hồi tưởng, ngày xưa mọi người trong làng ai cũng biết thêu. Những đứa trẻ học cách cầm kim, xỏ chỉ thêu từ bà và mẹ. Bây giờ, cả làng còn mỗi gia đình chị cần mẫn với nghề, các hộ gia đình khác đi làm công nhân hoặc mở cửa hàng giải khát, tạp hóa, buôn bán ngoài chợ. Phần vì thu nhập từ các ngành nghề khác nhìn chung đều cao và vững hơn nghề thêu, phần nữa vì nghề thêu truyền thống luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, ai không tâm huyết rất dễ nản lòng.

Thực tế, các sản phẩm từ làng nghề truyền thống luôn được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng. Những người yêu nét đẹp truyền thống dân tộc hay du khách quốc tế vẫn yêu thích sản phẩm thêu thủ công. Chị Nhung chia sẻ, gia đình chị vẫn nhận được các đơn đặt hàng cờ Tổ quốc thêu tay từ khắp các tỉnh, thành phố, nhất là trong các dịp kỷ niệm lớn của đất nước như 30-4, 1-5, Quốc khánh 2-9… Làm nghề thêu từ năm tám tuổi, chị nhận định nghề thêu không quá khó, nhưng với tình hình thị trường hiện nay, cái khó là không thể cạnh tranh được với những ngành nghề khác khi giá thành ngày càng tăng, khách mua lại giảm. Chị Nhung cho biết: Tạo nên một lá cờ thêu tay đạt tiêu chuẩn là cả quá trình hết sức kỳ công, gia đình chị nhập vải từ làng lụa Vạn Phúc (Hà Ðông, Hà Nội), sau đó phải cắt vải thật chính xác theo kích cỡ được yêu cầu rồi mới bắt đầu các công đoạn thêu. Lá cờ nào cũng có hai mặt, cho nên để có cả hai mặt sao vàng thì phải thêu sao vàng trên hai tấm vải khác nhau. Thêu xong, may ráp hai tấm vải và may viền là công đoạn cuối cùng. Gia đình chị vẫn nhen nhóm ngọn lửa truyền thống bằng việc truyền dạy nghề thêu cho các em nhỏ.

Quan niệm sống tốt từ làng nghề thì mới lưu giữ được nghề, gia đình chị Nhung không dừng lại ở việc thêu cờ mà mở rộng thêm các mặt hàng khác để tăng thu nhập, có cơ sở duy trì nghề truyền thống. Gia đình chị có ba con và từ nhỏ đã được bố mẹ truyền dạy nghề thêu. Chính vì vậy, con gái lớn của chị được học hành đến nơi đến chốn, đã lập gia đình và quyết tâm quay về phụ giúp gia đình giữ gìn, phát triển nghề thêu. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng làng nghề miền bắc hiện chiếm khoảng gần 70% số lượng các làng nghề trong cả nước với hơn 2.000 làng nghề, trong đó tập trung nhiều nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, theo guồng quay cuộc sống, không ít nghề đã biến mất hoặc đang vật lộn với câu chuyện tồn tại, phát triển. Ðiểm ra rất ít làng nghề có thể tận dụng để phát triển du lịch giống như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc... Mặt khác, kể cả ở những làng như Bát Tràng, thu nhập từ du lịch vẫn chưa tương xứng tiềm năng địa phương và nhu cầu của khách du lịch.

Với làng thêu Từ Vân, dù chỉ còn một hộ theo nghề, nhưng như vậy, nghề thêu truyền thống của làng cũng chưa mất đi.

Bài và ảnh: MINH TRÚC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tran-tro-nghe-theu-truyen-thong-645348/