Trăn trở Săng Bờ

Gần 40 năm đã trôi qua từ cuộc vén dân lịch sử để xây dựng Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình giờ đây đã được quy hoạch khu du lịch quốc gia, hứa hẹn nhiều bứt phá phát triển KT-XH. Xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có cơ hội đổi đời khi nằm gần khu vực đền Bờ, trong vùng lõi phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế người dân nơi đây đang phải vật lộn trong cuộc mưu sinh ổn định cuộc sống.

Cần đất để ở

Để đến Săng Bờ chỉ mất khoảng 20 phút đi thuyền từ bến Thung Nai. Xóm nay là một điểm du lịch bởi ngay trên đất Săng Bờ là khu di tích bia Lê Lợi đã được đầu tư xây dựng. Vào mùa du lịch, nơi đây trở thành điểm đến trong hành trình du ngoạn lòng hồ. Ông Nguyễn Văn Vinh, một người con quê gốc đất Hà Thành nhưng đã có quá nửa đời người gắn bó với Săng Bờ trải lòng khi đưa tôi qua những đảo nổi hùng vĩ của một góc "Vịnh Hạ Long trên núi": "Mới đây có một cháu bé bị đuối nước vì bố mẹ mải đi làm, con ở bè ngã xuống sông đuối nước. Chuyện sông nước không tránh khỏi may rủi, nhưng cuộc sống của người dân ở nhà bè khổ quá. Hiện, cả xóm còn gần 40 hộ sống trên nhà bè, có gia đình 3 thế hệ, 8 nhân khẩu sống trên một chiếc nhà bè trật trội. Nước sinh hoạt khó khăn, gặp một cơn bão là tốc mái, vỡ bè, nguy cơ trắng tay vì mất bè là mất nhà, mất chỗ trú ngụ. Người dân muốn lên bờ nhưng đất đai không có”.

Trước nguy cơ sạt lở, gia đình anh Xa Văn Lập, xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) buộc phải dỡ nhà xuống bè ở.

Trước nguy cơ sạt lở, gia đình anh Xa Văn Lập, xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) buộc phải dỡ nhà xuống bè ở.

Cực khổ hơn, có hộ tưởng ổn định được trên đất rồi mà cuối cùng lại phải quay lại nhà bè. Đó là câu chuyện của gia đình anh Xa Văn Lập. Cách đây 10 năm, anh Lập cưới vợ, được bố mẹ chia cho một khoảnh đất để làm nhà. Hai vợ chồng làm nghề đánh bắt trên sông Đà, vừa vay mượn, vừa tích cóp xây dựng được một ngôi nhà cấp 4. Mùa mưa bão năm 2017, ngôi nhà bị sụt lún, cả gia đình đành lại ôm nhau xuống bè ở. Cạnh nhà anh Lập cũng là một nền nhà đã được tháo dỡ, ngay phía dưới là một vực sâu chạy thẳng xuống lòng sông. Trước ở đây là một ngôi nhà kiên cố nhưng vì nỗi lo sạt lở cũng lại phải tự vay mượn đóng nhà bè sống đời sông nước. "Cách đây mấy năm, dự án kè bảo vệ dân cư xóm Bờ và xóm Săng Trạch, xã Vầy Nưa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1278/QĐ-UBND, ngày 6/8/2010 với tổng mức đầu tư 76,581 tỷ đồng đã được triển khai, đơn vị thi công lúc đó đã cho máy xúc vào xúc, ủi toàn bộ phần đất sát bờ sông. Nhưng rồi không hiểu vì lý do gì, dự án chỉ hoàn thiện phần móng, còn toàn bộ phần taly kè cứ để như vậy, gần chục năm nay, người dân sống trong nơm nớp lo sợ trước nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão. Đến nay đã có 3 hộ phải bỏ nhà. Nhiều ngôi nhà ở khu vực này tiếp tục bị rạn nứt” - ông Đinh Công Đoàn, Trưởng xóm Săng Bờ chia sẻ.

Mong muốn một khu chợ tạm để bán hàng

Săng Bờ có 157 hộ, 576 nhân khẩu, tuy nhiên, diện tích đất có thể canh tác ở đây rất ít, đất rừng chỉ trồng được luồng. Cách mưu sinh của người dân là nuôi cá lồng và đánh bắt cá trên sông. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm trên 32%. Ông Xa Công Hiệu, người dân xóm Săng Bờ tâm sự: Cuộc sống quanh năm nhìn vào con cá, con tôm lòng hồ, nhưng bây giờ, diện tích mặt nước cũng ngày càng thu hẹp. Nhiều khi chúng tôi đi đánh bắt thì bị đuổi...

Những năm gần đây, Săng Bờ thuộc vùng có tiềm năng phát triển. Vào mùa lễ hội, khách du lịch thưởng ngoạn lòng hồ, nhiều hộ có thêm thu nhập từ bán cá nướng và đặc sản vùng hồ. Tuy vậy, cái khó là không có một bãi đất rộng hoặc một khu chợ tạm để có thể bán hàng. Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết: Năm 2001, Dự án 747 đã đầu tư cho xóm Săng Trạch một khu chợ tạm để nhân dân họp chợ. Để làm khu chợ này, nhiều gia đình đã tự nguyện bỏ một phần nương rẫy của gia đình để lấy mặt bằng. Nay, khu chợ đã xuống cấp, Ban quản lý xóm Săng Bờ mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện cho xóm cải tạo lại khu đất này để có chỗ cho các hộ dân bán hàng.

Chia tay Săng Bờ khi mặt trời đã ngả bóng, câu nói của ông Vinh khiến lòng thêm trăn trở: "lòng hồ không còn bình yên nữa, gần năm nay có nhiều đơn thư về vấn đề đất đai, mặt nước". Điều gì làm cho những người dân xưa nay luôn chất phác, thật thà muốn đi kiện cáo, cái việc vốn xa lạ với cuộc sống nơi vùng sông nước này? Với tiềm năng và lợi thế vùng hồ hứa hẹn mang lại nhiều đổi thay, tuy nhiên, làm sao để người dân lòng hồ hôm nay không phải vất vả để giành lấy lợi ích, giành lấy nguồn sống là câu hỏi rất cần lời giải đáp từ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/135226/tran-tro-sang-bo.htm