Trăn trở trước nhu cầu bức thiết của công nhân, người lao động

Là địa bàn có tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ, nhà ở và các thiết chế xã hội khác dành cho công nhân, người lao động vẫn đang là nỗi trăn trở, đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh phải có những chính sách để đáp ứng nhu cầu an cư, thu hút và giữ chân người lao động lâu dài.

Từ thực tiễn trên, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham góp nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan cũng như kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Trăn trở trước các nhu cầu bức thiết của thực tiễn

Nhiều năm qua, xác định rõ công nghiệp là trụ cột, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách tập trung xây dựng các thiết chế cho người lao động, đặc biệt là quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở, ban hành các nghị quyết, chương trình phát triển nhà ở các giai đoạn. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế vẫn chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Vì lẽ đó, từ nhiều nhiệm kỳ gần đây, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động đã trở thành nội dung được các đại biểu dân cử Quảng Ninh hết sức quan tâm, trong đó, có các ĐBQH tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thăm và tặng quà, động viên thợ lò trực tiếp sản xuất tại Công ty Than Khe Chàm - TKV. Ảnh: T. Nguyên

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thăm và tặng quà, động viên thợ lò trực tiếp sản xuất tại Công ty Than Khe Chàm - TKV. Ảnh: T. Nguyên

Thông qua tiếp xúc cử tri thường kỳ; tiếp xúc trước và sau các Kỳ họp Quốc hội và các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với người lao động trên địa bàn, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận rất nhiều các ý kiến, kiến nghị của cử tri về nhu cầu thiết yếu này. Đồng thời, nắm bắt rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân cơ bản khiến cho mục tiêu phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ việc chưa quan tâm của một số chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng KCN, doanh nghiệp hoạt động trong KCN đến những bất cập của hệ thống thủ tục, quy định, điều kiện ràng buộc về pháp lý trong thực hiện....

Theo đánh giá của các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, thiếu nhà ở, thiếu chỗ an cư là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn lao động của các KCN, KKT rơi vào tình trạng mất ổn định; kéo giảm sức hút lao động đến với địa bàn và khó giữ chân lao động, nhất là lao động trẻ, tay nghề cao… Vì lẽ đó, những tâm tư, kiến nghị, đề xuất của cử tri liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động luôn được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tiếp thu và tổng hợp đầy đủ trong quá trình tham gia góp ý hoàn thiện các Dự án Luật quan trọng có liên quan như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)… mà Quốc hội đang xem xét, bàn thảo.

Tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan

Mang tâm nguyện của cử tri đến nghị trường, tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, tham gia thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị, cần quy định nhà lưu trú công nhân là công trình được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi KCN theo quy định của pháp luật về quản lý KCN, KKT hoặc doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có quyền sử dụng đất để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại KCN, doanh nghiệp đó. Đồng thời, quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú cho công nhân cần bổ sung đối tượng tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có quyền sử dụng đất, có nhu cầu đầu tư nhà lưu trú công nhân thì chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh giao đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân…

Trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động. Trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung: “doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có quyền sử dụng đất có nhu cầu đầu tư nhà lưu trú công nhân” là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân. Thực tế tại Quảng Ninh hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói...) có nhu cầu đầu tư nhà ở lưu trú cho công nhân lao động...

Hay về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, tổng hợp của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy: cử tri đề nghị sửa đổi quy định theo hướng: (1) Đưa người lao động làm việc cho doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thuộc đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội; (2) Giữ nguyên ưu đãi cho doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động ngoài khu công nghiệp, ngoài hình thức thuê nhà, mua nhà hoặc đầu tư xây dựng nhà ở như quy định tại Điều 59 Luật Nhà ở 2014. (3) Có chính sách xây nhà ở cho nhân viên đối với người lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ. Đây cũng giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp và khuyến khích nguồn lực xã hội đầu tư thực hiện chính sách về nhà ở của Nhà nước.

Phong Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tran-tro-truoc-nhu-cau-buc-thiet-cua-cong-nhan-nguoi-lao-dong-i347915/