Trăn trở vì khan hiếm nguồn tạng hiến để cứu người bệnh
Tỷ lệ ghép tạng từ người chết não ở Việt Nam chỉ đạt 0,15 ca trên 1 triệu dân, một con số rất ít. Nguồn tạng hiếm, trong khi số người suy tim, suy gan, suy thận ngày một gia tăng, họ duy trì sự sống lay lắt, khổ sở về sức khỏe, kiệt quệ về tài chính.
Thiếu nghiêm trọng nguồn tạng từ người cho chết não
Bé trai L.T.C. (ngụ tại tỉnh Long An) vừa xuất viện sau 20 ngày ghép thận, trong niềm vui của gia đình và các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.
Bé C. suy thận mạn đã phải nghỉ học nhiều năm qua, lặn lội từ 4h sáng, mỗi tuần 3 lần, cùng cha hoặc mẹ lên tận TP.HCM để chạy thận.
Hơn 2 năm chờ đợi và chịu đựng những đau đớn biến chứng chạy thận, cuối cùng, một người đàn ông chết não đã cho em thận và chấm dứt chuỗi ngày miệt mài đi viện.
“Gia đình vui dữ lắm, mừng dữ lắm. Bởi vì gia đình và bé đã chờ đợi hơn 2 năm hơn rồi. Lúc đầu đăng ký bác sĩ cũng hỏi sao người nhà không cho thận mà phải đăng ký danh sách chờ. Ba mẹ cũng trình bày với bác vì tình hình sức khỏe có vấn đề không được tốt không ghép được. Thực sự cũng muốn cho thận cho con mà không đủ điều kiện”, anh L.V.M, cha bé C chia sẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), khoảng 80 trẻ đang được quản lý trong khu điều trị suy thận mạn và suy thận mạn giai đoạn cuối.
Trong số này, khoảng 40 em sử dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc, 40 em còn lại phải chạy thận nhân tạo.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc bệnh viện, các phương pháp này chỉ là giải pháp tạm thời. Ghép thận mới là phương pháp tốt nhất mang lại chất lượng cuộc sống và giúp bệnh nhi tái hòa nhập xã hội.
Tuy nhiên, quá trình chờ đợi để tìm được nguồn thận phù hợp kéo dài, trung bình các bé ở đây phải chờ từ 6 tháng đến hơn 2 năm, phụ thuộc vào sự tương hợp miễn dịch và nguồn tạng hiến. Hiện tại, nguồn tạng hiến chủ yếu đến từ người thân cùng huyết thống.
Trong 33 ca ghép thận đã thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có đến 30 ca là từ người hiến sống, chỉ 3 ca từ người hiến chết não, chiếm chưa đến 10%. Tỷ lệ này rất thấp so với nhu cầu thực tế của các bệnh nhi.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho rằng, để tăng nguồn tạng hiến, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động và nâng cao nhận thức cộng đồng.
“Thực sự ngoài nguồn tạng từ người cho sống cùng huyết thống thì chúng tôi rất mong chờ người cho chết não có nguồn tạng giúp cho các bệnh nhi có nguồn thận ghép để trở về bình thường. Muốn như vậy thì tính xã hội, việc vận động để nâng cao ý thức người dân thêm nữa, để họ đăng ký hiến tạng, cho đi là ở lại”, TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho hay.
Theo số liệu của Bộ Y tế, nếu như năm 2014 chỉ có 265 người đăng ký hiến tạng thì đến năm 2022 có đến 62.555 người đăng ký hiến.
Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến nay, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.
Lãng phí nguồn tạng lớn
Cả nước hiện có khoảng 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Chính vì không có mô, tạng nên các cơ sở hoạt động ghép tạng, ghép mô kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư và không đúng. Hiện có 28 bệnh viện đủ điều kiện ghép thận, nhưng chỉ một số ít thực hiện ghép gan và tim. Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam còn thấp (11% năm 2024, tăng từ 6% trước đây).
TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng, hiện nay, chúng ta đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn mô và tạng nghiêm trọng. Điều này không chỉ dẫn đến những tiêu cực như buôn bán mô tạng trái phép mà còn gây ra những hệ lụy đau lòng. Nhiều vụ án liên quan đến các đường dây buôn bán tạng đã bị xử lý, với người cầm đầu đôi khi chính là nạn nhân trước đây từng bán tạng của mình.
Một thực trạng khác là việc ghép tạng cho bệnh nhân chưa có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia, dẫn đến thiếu minh bạch và khách quan. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn tạng từ những trường hợp chết não hoặc tai nạn vẫn còn hạn chế.
“Một năm trung bình Việt Nam có khoảng gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông. Chúng ta không ai mong muốn con số đó xảy ra, nhưng khi đã xảy rồi, liệu có bao nhiêu người trong số đó đăng ký hiến tạng. Có nghĩa là chúng ta đang lãng phí nguồn tạng rất khổng lồ, trong khi đó có hàng chục ngàn người không có cơ hội được ghép, không có cơ hội được sống. Còn người ra đi thì cứ ra đi”, TS Nguyễn Hoàng Phúc nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho hay, Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực về kỹ thuật ghép tạng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng, trong khi danh sách bệnh nhân cần thay tạng ngày càng dài.
Để tăng cường hiến tạng, cần truyền thông mạnh mẽ, tạo nhận thức cộng đồng, giảm bớt các rào cản về văn hóa như quan niệm “toàn thây”. Phật giáo và Thiên Chúa giáo đều ủng hộ hiến tạng vì đây là nghĩa cử nhân đạo và tạo phước báu.
Cũng theo PGS Nguyễn Thị Kim Tiến, khi hiến tạng, người hiến sẽ tái sinh hoặc tiếp tục tồn tại qua một hình thái khác, gia đình người hiến được hưởng phước báu lớn. Còn bệnh viện nâng cao kỹ thuật và cứu sống nhiều bệnh nhân và người được ghép gần như hồi sinh, kéo dài sự sống.
“Bây giờ bệnh viện thành lập các tổ tư vấn điều phối ghép tạng, phối hợp chặt chẽ với các khoa có máy thở, khi có ca chẩn đoán chết não thì sẽ được báo và đơn vị tổ tư vấn này sẽ theo dõi và gặp gia đình để vận động hiến tạng, từ đó mới có tạng ghép. Công tác truyền thông cực kỳ quan trọng”, bà Kim Tiến cho hay.
Tạng của người chết ở Việt Nam bị chôn vùi trong lòng đất hoặc thiêu thành tro bụi. Điều này gây ra nhiều sự lãng phí, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử. Do vậy, tháng 5/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tạng và kêu gọi người dân đăng ký hiến tạng, sẻ chia, nhân ái để cứu sống nhiều người hơn.