'Trăn trở' việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường
Chiều 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm.
Mặc dù lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội với cương vị "Tư lệnh" ngành khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã thẳng thắn làm rõ các vấn đề chất vấn của các đại biểu nêu.
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng vẫn "trăn trở" với vấn đề chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu đã và đang là những vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý trong nước và quốc tế quan tâm. Có thể khẳng định, việc chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ mà còn đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, các viện, trường đã tích cực ban hành nhiều quy chế, văn bản liên quan đến chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, như: Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ; quy chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó có nội dung về sở hữu trí tuệ như quy định tỷ lệ phân phối lợi ích thu được do khai thác thương mại tài sản trí tuệ; quy định việc chuyển giao quyền đăng ký, quyền khai thác thương mại tài sản trí tuệ...; quy trình đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn...;
Đại học Huế ban hành Chiến lược Phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025; quy chế quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; quy chế khai thác thương mại các tài sản trí tuệ; quy định về việc giao nộp và quản lý sản phẩm ứng dụng của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng cho rằng, các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Một số kết quả tiêu biểu trong giai đoạn 2011 - 2020 có thể được kể đến như: Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009 - 2019 khoảng 1.300 tỷ đồng. Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh số trung bình khoảng 25 tỷ đồng/năm trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020. Đặc biệt Trường đã thành lập hệ thống doanh nghiệp (BKHolding) để hỗ trợ các nhà khoa học trong trường bắt tay với các doanh nghiệp bên ngoài, rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn. BK-Holdings hoạt động giống như mô hình một công ty mẹ có nhiệm vụ khuyến khích các nhà khoa học tại trường thành lập công ty để chuyển giao tri thức ra thực tiễn.
Công tác thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được đẩy mạnh với sự hưởng ứng và vào cuộc của các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại các địa phương trong cả nước thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, thực tế các viện, trường công lập chưa thực sự chú trọng vào việc thực hiện các quy định để quản lý và khai thác tài sản trí tuệ; nhiều kết quả, sản phẩm sáng tạo chưa được quan tâm đăng ký, bảo hộ để để trở thành hàng hóa có thể mua bán được.
Mặt khác, đa số các sản phẩm của viện, trường phần lớn được giao dịch rải rác tại các trung tâm của trường, chưa có một đơn vị đầu mối quản lý. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống các trung tâm chuyển giao trực thuộc khối viện, trường chưa phát huy được vai trò hỗ trợ, kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn sản xuất; các viện, trường phần nào vẫn còn tâm lý phụ thuộc vào đơn vị và Nhà nước, chưa thực sự chủ động trong việc kết nối với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, định hướng nghiên cứu với thị trường; chưa có sự vào cuộc thực sự mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp trong việc hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm hoặc đặt hàng các viện, trường.
Ngoài ra, cơ chế thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học chưa phát triển mạnh mẽ.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế phù hợp để tăng cường gắn kết giữa viện - trường - doanh nghiệp để hình thành và phát triển lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy việc ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Theo Bộ trưởng, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định về quản lý tài sản công theo hướng cho phép giao tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho cá nhân, tổ chức (không phân biệt công lập hay tư nhân) có khả năng triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhà nước thay vì cơ chế phân chia lợi nhuận trực tiếp chuyển sang cơ chế thu lại phần nhà nước đầu tư ban đầu qua việc thu thuế.