Trăn trở với cây xanh Hà Nội

Bão số 3 đi qua đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản, đặc biệt là hệ thống cây xanh của Thủ đô. Đáng nói là, sự cố trên cũng đã chỉ ra phần nào những bất cập trong công tác quản lý và phát triển cây xanh.

Những thiệt hại không thể đong đếm

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội, trước khi bão số 3 xảy ra, trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây, khối lượng quản lý theo phân cấp của đơn vị là khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây keo, tràm, bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây.

Ngoài ra, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện còn khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại do UBND cấp huyện quản lý.

Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội, hệ thống cây xanh bóng mát tại Hà Nội hiện rất phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật. Trong đó, có những loài được coi là đặc trưng của Hà Nội với lượng cây lớn như: xà cừ khoảng 10.400 cây; phượng vĩ khoảng 16.000 cây; bằng lăng khoảng 17.500; hoa sữa khoảng 14.400; muồng khoảng 12.500; sấu khoảng 26.400; sao đen khoảng 1.800… làm nên đặc trưng cho từng tuyến phố.

Mặt khác, theo thống kê sơ bộ, tại địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cổ thụ có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,5m của cây…

Cắt tỉa cây xanh đô thị trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Cắt tỉa cây xanh đô thị trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Khi bão số 3 đi qua, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến 6 giờ ngày 13/9, trên địa bàn TP có trên 40.000 cây đổ và cành gãy (thiếu 8/30 quận, huyện gồm: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo). Trong đó, số cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do TP quản lý theo phân cấp) là 13.615 cây xanh bị gãy, đổ; quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị là hơn 26.300 cây.

Qua công tác rà soát, phân loại, lực lượng chức năng xác định chỉ có khoảng 3.082 có khả năng trồng lại.

Điều đáng nói, trong hàng chục nghìn cây xanh gãy đổ do mưa bão, nhiều cây có dấu hiệu chưa được trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật, còn ni lông quấn bầu đất, nhiều cây xanh chỉ được trồng rất nông so với mặt đường, hố trồng cây phía dưới đầy trạc thải, vật liệu xây dựng... không bảo đảm cho sự phát triển của cây.

Theo các chuyên gia, những thiệt hại do bão số 3 gây ra với hệ thống cây xanh của Thủ đô là vô cùng lớn. Bởi, trong giai đoạn 2016 - 2020, theo chương trình trồng 1 triệu cây xanh, các đơn vị chức năng TP Hà Nội mới chỉ trồng được 987.187 cây bóng mát, cây lâm nghiệp các loại, 113.155 cây đơn lẻ; hay trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đề ra là trồng mới 500.000 cây xanh đô thị nhưng đến nay mới trồng mới được 101.758 cây xanh… Thế nhưng, bão số 3 đi qua đã cướp đi của Hà Nội hàng vạn cây xanh, thiệt hại có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cần cuộc “cách mạng” trong quản lý cây xanh

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cây xanh đô thị có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, nó không những làm đẹp TP, làm phong phú cuộc sống văn hóa dân cư đô thị mà còn có ý nghĩa kinh tế và tác dụng phòng hộ, điều tiết cải thiện khí hậu.

Thế nhưng, tại nhiều khu đô thị, TP lớn ở Việt Nam cây xanh trồng trên các tuyến đường, hố trồng có kích thước không bảo đảm tiêu chuẩn. Hơn nữa, xung quanh các hố là vật liệu xây dựng, hệ thống giao thông đã được lu lèn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc là phần vật liệu phục vụ công tác hoàn thiện mặt bằng… Đây không phải là môi trường sống lý tưởng cho cây xanh.

Mặt khác, khi đô thị phát triển nhu cầu hệ thống hạ tầng cũng đòi hỏi phát triển theo. Song, khi thực hiện nâng cấp hệ thống này, cũng là lúc hệ rễ cây bị xâm hại nghiêm trọng do vướng vào hệ thống hạ tầng khi thi công. Rễ non sau này mọc ra không có nhiều khả năng phát triển và bám đất, vì vướng vào các công trình ngầm.

“Chính vì vậy, sau khi được trồng, cây xanh chỉ phát triển bộ rễ luẩn quẩn trong không gian chật hẹp của hố trồng, điều này đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cây xanh, tạo sự mất cân bằng giữa phần tán lá và bộ rễ. Do đó, việc cây gãy đổ trong mùa mưa bão là không thể tránh khỏi” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn, cây xanh được ví như cơ thể con người thì bệnh tật là quy luật không thể tránh, sâu mục là hiện tượng khá phổ biến và mang tính quy luật tự nhiên. Song, một nguyên nhân khác đó chính là kỹ thuật cắt tỉa tạo tán và công tác tỉa cành trước mùa mưa bão đang thực hiện chưa đúng quy trình. Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn cho hay, để bảo đảm cây xanh phát triển tốt, vết thương trên cây sau khi cắt tỉa cần được bảo vệ bằng lớp màng ngăn chặn nước mưa và nấm mốc xâm nhập vào cây chứ không chỉ dừng lại ở việc cắt tỉa.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội Nguyễn Đức Hưng cho rằng, để nâng cao chất lượng, quản lý cây xanh đô thị, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế chính sách, bảo đảm việc thực thi được các quy hoạch, kiến trúc và kế hoạch phát triển hệ thống cây xanh đã được phê duyệt; xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện và quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, công an, các đơn vị, tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị; Xây dựng và thực thi các chế tài nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, tổ chức cá nhân không thực hiện theo quy định quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Các đơn vị chức năng cần tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định có liên quan đến cây xanh như Nghị định 64/2010 về quản lý cây xanh đô thị; quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị; Tiêu chuẩn, các định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh đường phố để phục vụ quản lý và xây dựng không gian xanh cho các đô thị Việt Nam.
Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam - PGS.TS Lưu Đức Hải

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tran-tro-voi-cay-xanh-ha-noi.html