Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách
Cứ mỗi lần nghe tin sắp có bão lớn là nhiều người ăn ngủ không yên. Người ở nhà dưới cấp 4, nhà tạm thì lo nhà sập. Người ở nhà trên cấp 4 một tí thì lo gió làm tốc mái, lo cây đổ đè sập nhà, làm đứt đường dây điện chiếu sáng, đứt dây điện thoại, gây tai nạn chết người. Người ở nhà kiên cố, nhà rường thì lo sạt mái ngói. Người có xe ô tô đậu ngoài đường thì lo cây đổ đè hư hỏng.
Không ít người thương xót cho những hàng cây xanh xòe tán làm mát cho đường phố, che nắng cho ngôi nhà, góc sân của mình…!
Những người làm công việc quản lý cây xanh đô thị có nỗi lo lắng, xót xa riêng. Không xót xa sao được khi sau mỗi trận bão cây cối tan hoang. Lại càng buồn hơn bởi cây gãy đổ đa số là những cây đẹp, cây cổ thụ. Là những hàng phượng vỹ gắn với kỷ niệm tuổi học trò; những cây bằng lăng cổ thụ, những hàng long não rêu phong, những cây xà cừ xấp xỉ 100 năm tuổi ở dọc phố xưa lối cũ.
Bị gió đánh bật gốc mới thấy bộ rễ cây vốn đã cạn lại bị xén gần hết, như rễ cây cảnh bị xén khi vào chậu. Đó là ảnh hưởng tiêu cực của công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Là hệ lụy của việc mở rộng lòng đường, thu hẹp vỉa hè và hệ lụy của các công trình thoát nước, công trình điện lưới, cáp điện thoại, hộp hóa và cơi nới nhà áp sát mặt đường phố. Lượng đất không còn đủ để nuôi cây xanh tốt.
Chưa kể rễ cây bị xén thì đen lại và thối dần. Bộ rễ mới còn non tơ thì làm sao giúp cho những cây cổ thụ này đủ sức chống đỡ với sức gió giật cấp cấp 8, cấp 9 và hơn thế nữa. Cội rễ chẳng bền, những cây cổ thụ còn lại không biết còn tồn tại được bao nhiêu năm?
Chưa kể tệ nạn trồng cây gian dối như các cơn bão lớn đã “lật mặt” người trồng.
Đã có không ít kiến nghị và giải pháp nhằm bảo vệ cây xanh đường phố, nhưng lại nảy sinh mâu thuẫn chưa được giải quyết. Có người nói rằng: Muốn đường phố rộng thì phải hy sinh cây xanh; không lẽ đòi được cả hai.
Theo tôi được cả hai thì mới là giỏi. Nếu chỉ được một thì nói làm gì. Muốn có một con đường vừa rộng vừa dài chỉ mất vài ba năm xây dựng. Còn muốn có cây xanh xòe tán phủ bóng mát cho đường phố thì ít nhất cũng phải mất hơn 10 năm bảo quản, chăm sóc.
Cùng một đô thị mà có nhiều chủ quản lý thì còn lắm chuyện rắc rối. Nếu quy về một mối thì khi làm đường chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay ra phương án bảo vệ cây xanh. Hệ thống đường ống, cống rãnh cấp thoát nước cũng sẽ được làm đồng thời để giảm chi phí, để tránh làm tổn hại cây xanh, để tiết kiệm thời gian…
Đó là chuyện quản lý vĩ mô. Khi chưa có cơ chế quản lý đô thị khoa học, hợp lý thì trước mắt cũng phải tính đến nhiều phương án chống bão cho cây xanh đường phố một cách tích cực hơn. Những cây đẹp, cây quý trên đường phố không chỉ có động tác tỉa cành trước mùa mưa bão, mà cần được chống đỡ để phòng hậu họa của gió to bão lớn như những cây sứ cổ thụ bao quanh hồ Thái Dịch, như cây tùng thế đẹp nhất ở Thế Miếu mà chúng ta được mục kích mỗi khi vào thăm Đại Nội.