Trăn trở với đất Gio An

'Đến bây giờ, người dân xã Gio An (huyện Gio Linh) đã có cuộc sống đủ đầy hơn từ việc sản xuất tiêu hữu cơ và trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như khoai từ, rau liệt, cây bơ… Trước khi cày xới lớp đất ba dan màu mỡ để trồng xuống một loại cây trồng có giá trị kinh tế, chính quyền xã Gio An luôn thường trực nỗi toan lo, trăn trở cùng người dân từ quy trình chọn giống, chăm sóc cho đến đầu ra của sản phẩm…', Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu đã nói với tôi như vậy khi dẫn tôi đi thăm mô hình trồng thử nghiệm sâm Bố Chính tại thôn An Nha.

 Lãnh đạo UBND xã Gio An chia sẻ với người dân quy trình chăm sóc cây tiêu trong sản xuất tiêu hữu cơ

Lãnh đạo UBND xã Gio An chia sẻ với người dân quy trình chăm sóc cây tiêu trong sản xuất tiêu hữu cơ

Đi giữa những luống sâm Bố Chính đang nở rộ từng chùm hoa màu hồng phớt trắng rực rỡ trong ánh nắng của buổi sáng mùa hè, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu nói: “Nếu mô hình trồng thử nghiệm sâm Bố Chính thành công, xã Gio An sẽ tiến hành nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Và cây sâm Bố Chính cùng với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác sẽ mang lại cuộc sống ấm no, giàu có cho người dân xã Gio An trong tương lai gần…”. Bằng hiểu biết đến tận tường về xuất xứ, công dụng của loài sâm Bố Chính lần đầu tiên được trồng trên đất Gio An, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết, sâm Bố Chính có tên khoa học là Abelmoschus sagittifolius (thuộc họ cẩm quỳ), mọc nhiều ở các tỉnh như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… Sâm Bố Chính từ lâu được đánh giá là một vị thuốc quý, có dược tính rất cao và được cho là tương đương với nhân sâm Hàn Quốc (chỉ thua dược tính sâm Ngọc Linh). Vì lí do đó mà đất nước được mệnh danh là xứ sở của nhân sâm hiện đang là đối tác nhập khẩu sâm Bố Chính hàng đầu của Việt Nam. Sâm Bố Chính có thể thu hoạch sau 1 năm trồng trở lên (sâm Bố Chính trồng càng lâu năm thì giá trị dược tính càng tăng lên). Thời điểm thu hoạch sâm Bố Chính tốt nhất thường là mùa đông hằng năm. Xuất phát từ giá trị kinh tế mà cây sâm Bố Chính mang lại, từ tháng 2/2019 một nhóm hộ đã tiến hành trồng thử nghiệm 3 ha tại thôn An Nha (xã Gio An). Đến nay, sâm Bố Chính trồng trên đất An Nha đang phát triển tốt (đã ra củ dài từ 10 - 20 cm với đường kính khoảng 2 cm). Vào giai đoạn thu hoạch, sản phẩm từ mô hình này sẽ được liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong vùng để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng... Khi mô hình thành công, nhóm hộ dân sẽ chuyển giao kĩ thuật để nông dân địa phương nhân rộng sản xuất. Mục tiêu là đảm bảo cho người nông dân sau khi trừ chi phí sản xuất lãi khoảng trên 200 triệu đồng/ha/năm...

Ngoài cây sâm Bố Chính đang được trồng thử nghiệm, thời gian qua xã Gio An đã tìm hướng đi phù hợp cho từng loại cây trồng đã khẳng định giá trị kinh tế trong thực tế. Chẳng hạn như cây hồ tiêu, trước đây người trồng hồ tiêu trên địa bàn xã cũng như nhiều vùng, miền khác cứ luôn luẩn quẩn trong điệp khúc “được mùa mất giá…”. Không thể để người dân tự xoay xở, xã đã chủ động tìm doanh nghiệp để liên kết sản xuất tiêu hữu cơ. Năm 2018, có 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn EC834/2007 của châu Âu và tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ được người dân xã Gio An bán cho Công ty Organics More Co.,Ltd để xuất khẩu trong vụ hồ tiêu năm 2018. Bước vào vụ hồ tiêu năm 2019, người dân trong xã tự tin để sản xuất hồ tiêu hữu cơ với quy trình kĩ thuật khắt khe, đòi hỏi người trồng hồ tiêu phải tuân thủ nghiêm ngặt để hạt tiêu Gio An đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Cây khoai từ là loại cây cách đây khoảng chục năm được người dân trong xã trồng để làm lương thực, chủ yếu tự cung, tự cấp. Hiện người dân bắt đầu mở rộng diện tích, tập trung trồng đại trà loại cây này trên diện tích 125 ha (trồng trên địa bàn xã Gio An 60 ha; diện tích còn lại do người dân đi thuê đất ở các địa phương khác để trồng). Cây khoai từ mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ cho người nông dân.

Để chủ động cho khâu tiêu thụ và cân đối giữa nguồn cung - cầu của thị trường đối với sản phẩm khoai từ, xã đã tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường quảng bá nông sản ở các hội chợ thương mại; chủ động liên hệ với các thương lái mà đặc biệt là các đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố như tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…; đẩy mạnh quảng bá nông sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cây rau liệt cũng mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã. Cây rau liệt là đặc sản, sinh trưởng nhờ vào nguồn nước ngầm chảy ra từ hệ thống giếng cổ ở xã Gio An. Người nông dân không sử dụng bất kì một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào nên rau rất sạch. Hiện toàn xã có tổng diện tích trồng rau liệt là 10 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn Hảo Sơn với diện tích 7 ha, còn lại phân bố đều ở các thôn Tân Văn, Long Sơn, An Nha, An Hướng, Gia Bình… Để đưa rau liệt đến với người tiêu dùng, những năm qua xã Gio An đã nỗ lực xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ ổn định.

“Trên mảnh đất Gio An hiện tại đã có nhiều nông dân khá lên, giàu lên từ mảnh vườn của gia đình mình. Như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Luyện ở thôn An Hướng với 5 ha cao su, 2 ha hồ tiêu, mỗi năm thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng; hộ bà Võ Thị Tình ở thôn Tân Văn với mô hình nuôi cá, trồng cao su, sắn, hồ tiêu…thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng; hộ các ông Đoàn Văn Lợi, Trần Đức Khanh ở thôn Hảo Sơn thu hàng trăm triệu đồng từ việc trồng rau liệt. Còn nhiều hộ gia đình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng tiêu, rau liệt, khoai từ, bơ… không thể kể hết. Tuy vậy, sự trăn trở, toan lo của chính quyền xã Gio An hiện tại là hướng đến việc phát triển thêm nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế theo hướng hữu cơ trong tương lai gần…”, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu đã nói với tôi như vậy.

An Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140002