Trăn trở với những lời ru

Với dự án 'Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi…', em VÕ HỒ DẠ MY cùng nhóm giảng viên, sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi tìm kiếm dự án 'Âm nhạc hạnh phúc 2022' do Công ty Acecook Việt Nam tổ chức. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Dạ My về dự án ý nghĩa này và những trăn trở của cô gái Quảng Trị trong việc giữ gìn những bài hát ru.

- Chào Dạ My! Là một cô gái mang dòng máu Kinh - Vân Kiều ở quê hương Quảng Trị, những bài hát ru có ý nghĩa như thế nào đối với em?

- Chào Dạ My! Là một cô gái mang dòng máu Kinh - Vân Kiều ở quê hương Quảng Trị, những bài hát ru có ý nghĩa như thế nào đối với em?

- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nghệ thuật và thể thao ở miền núi rừng phía Tây Quảng Trị, từ bé, những câu hát ru của bà, của mẹ đã đưa em vào giấc ngủ ngon. Không biết từ bao giờ, những lời hát ru đã trở thành dòng suối mát nuôi dưỡng tâm hồn em. Nó cũng quan trọng như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Sau này lớn lên, em lại cất tiếng ầu ơ theo những câu hát ru năm xưa của bà, mẹ để đưa các em của mình vào giấc ngủ.

Em nhận ra, mình đã dành một tình yêu đặc biệt với những làn điệu dân ca của cả người Kinh lẫn người Vân Kiều, Pa Kô. Dù khác nhau ở giai điệu, ca từ nhưng những làn điệu dân ca của cả ba dân tộc gặp nhau ở điểm chung là đều nhẹ nhàng, tình cảm, sưởi ấm trái tim con người.

- Phải chăng đó là động lực thôi thúc em đến với dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi”?

- Đúng như vậy! Từ rất sớm, em đã nhận ra mình có một tình yêu đặc biệt đối với dân ca. Vì thế mà khi Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thành lập nhóm gồm các giảng viên, sinh viên để tham gia cuộc thi tìm kiếm dự án “Âm nhạc hạnh phúc 2022”, em đã tự nguyện đăng ký. Các thành viên trong nhóm cùng nhau bàn bạc và đưa ra 3 ý tưởng có tính khả thi để triển khai gồm: “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi...”, “Miền nhạc - Triển lãm âm nhạc truyền thống Việt Nam”, “Tổ chức không gian sáng tạo và phổ biến âm nhạc dân tộc” để gửi tới ban tổ chức cuộc thi tìm kiếm dự án “Âm nhạc hạnh phúc 2022”. Trong đó, dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi...” được em và các thành viên trong nhóm kỳ vọng nhất.

- Em có thể chia sẻ sâu hơn về dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi…”?

- Đối với một đứa trẻ, niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ là được những câu hát ru dìu vào giấc ngủ say trong vòng tay mẹ. Vì thế, khi khôn lớn, rất nhiều người trong chúng ta thường mong nhớ, muốn tìm về với lời ru của mẹ, của bà. Những điệu hát ru có thể ví như một chiếc gối êm cho chúng ta dựa vào mỗi lúc mỏi mệt. Ngày nay, không hẳn bị mất đi nhưng những câu hát ru đang bị khuất lấp và xa vắng dần giữa bộn bề cuộc sống.

Cho nên, nhóm chúng em đã đặt ra câu hỏi: “Làm cách nào để những người bà, người mẹ tương lai có thể biết hát ru?”. Chúng em nghĩ, mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được lớn lên cùng những điệu hát ru. Đó cũng là lý do thôi thúc nhóm xây dựng dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi...”. Để thực hiện dự án, chúng em đặt ra các mục tiêu gồm: Sưu tầm và thu âm những bài hát ru đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam; sản xuất 1 MV về hát ru; tổ chức cuộc thi “Hát ru” cho sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; phối hợp các bệnh viện phụ sản, các trung tâm dạy tiền thai sản để tổ chức dạy các bài hát ru và cuộc thi cho các bà mẹ mang thai...

 Với dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi…”, em Võ Hồ Dạ My (đứng hàng phía sau, đầu tiên từ trái sang) và các thành viên trong nhóm đã giành giải Nhất cuộc thi tìm kiếm dự án “Âm nhạc hạnh phúc 2022” - Ảnh: T.L

Với dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi…”, em Võ Hồ Dạ My (đứng hàng phía sau, đầu tiên từ trái sang) và các thành viên trong nhóm đã giành giải Nhất cuộc thi tìm kiếm dự án “Âm nhạc hạnh phúc 2022” - Ảnh: T.L

Sau khoảng thời gian làm việc nghiêm túc, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của thạc sĩ Nguyễn Khánh Ngọc và cử nhân Võ Thị Nga, các dự án của chúng em đã hoàn thành. Điều đáng mừng là 2/3 dự án đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm dự án “Âm nhạc hạnh phúc 2022”. Trong đó, dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi...” được lựa chọn trao giải Nhất.

-Dành rất nhiều tâm huyết cho dự án này, cảm xúc của em và các thành viên trong nhóm như thế nào khi nhận được giải Nhất của cuộc thi?

- Em vẫn nhớ như in, đúng 12 giờ, ngày 3/5/2022, em và các thành viên trong nhóm nhận email thông báo từ ban tổ chức về việc dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi...” được chọn trao giải Nhất. Lúc đó, tất cả các thành viên đều vỡ òa hạnh phúc. Lúc này, em đang có mặt tại Lào Cai. Ngay lập tức, em đã thu xếp công việc, hành lý để bắt xe về Hà Nội, kịp tham dự lễ trao giải. Đây có lẽ là kỷ niệm không bao giờ quên đối với em cũng như các thành viên trong nhóm.

- Được biết, với giải Nhất, dự án “Hát ru - Để tiếng ầu ơ còn mãi…” nhận được giải thưởng 100 triệu đồng. Với số tiền này, các bạn đã, đang và sẽ có những hoạt động gì để hiện thực hóa dự án?

- Hiện tại, nhóm chúng em đã có bản kế hoạch dự kiến thực hiện dự án từ tháng 9 đến tháng 10/2022. Nhóm đã liên hệ với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt - Pháp để thực hiện một trong các mục tiêu của dự án là phối hợp các bệnh viện phụ sản, các trung tâm dạy tiền thai sản để tổ chức dạy hát ru và cuộc thi cho phụ nữ mang thai. Nhóm cũng đã bắt đầu bắt tay vào thực hiện sưu tầm các bài hát ru, thiết kế nội dung giảng dạy, thiết kế các ấn phẩm để chuẩn bị cho chương trình.

Ngày 18/6/2022 tới đây, nhóm sẽ phối kết hợp với chùa Chẩn Kỳ (Hà Nội) mở lớp dạy hát ru đầu tiên cho học sinh, sinh viên, các em nhỏ mồ côi do VTV2 kết nối tham gia khóa tu mùa hè tại chùa.

- Về phía cá nhân Dạ My, em cảm thấy như thế nào khi những làn điệu hát ru nói chung, làn điệu dân ca của người Kinh, Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị nói riêng đang bị mai một dần?

- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội, nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với hát ru. Đây là thực trạng chung của cả nước, trong đó có Quảng Trị. Những bộn bề trong cuộc sống khiến người ta quên đi rằng những làn điệu hát ru cũng cần được gìn giữ, phát huy.

Mỗi lần về Quảng Trị, em đều dành thời gian để khảo sát, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. Điều khiến em vui mừng là nhiều người dân trên địa bàn, đặc biệt là các nghệ nhân vẫn nặng lòng với nét đẹp văn hóa, truyền thống, trong đó có các làn điệu hát ru. Mong muốn “giữ hồn” dân tộc vẫn thường trực trong lòng không ít người. Phía chính quyền địa phương, ngành liên quan cũng đã vào cuộc để giữ gìn những nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô. Một trong những minh chứng sinh động là tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, em vẫn còn những trăn trở trong lòng. Em nghĩ, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nét đẹp văn hóa, truyền thống nói chung, những làn điệu dân ca truyền thống nói riêng không mai một.

- Theo em, cần phải làm gì để giữ gìn những làn điệu hát ru Việt Nam, trong đó có Quảng Trị?

- Từ khi bước vào Khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, em đã xác định mình phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng. Mang trong mình tình yêu với các làn điệu hát ru, em luôn trăn trở nghĩ cách để giữ gìn những thanh âm quý giá này. Em nghĩ, việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải huy động các cán bộ văn hóa cơ sở, đoàn viên, hội viên phụ nữ, giáo viên… chung tay gìn giữ, phát huy các làn điệu hát ru.

Tiếp theo, cần sưu tầm các làn điệu hát ru cổ truyền của mỗi dân tộc trên địa bàn; thường xuyên giới thiệu các bài hát ru trên những phương tiện nghe nhìn để Nhân dân thưởng thức, tiếp thu; xây dựng lại các sinh hoạt văn hóa làng, xã xưa…

Không thể chỉ trông chờ vào việc xã hội hóa, cái chúng ta cần là phải có chính sách đầu tư để các cơ quan chuyên môn lưu giữ, phát huy những làn điệu truyền thống. Em nghĩ, nếu Quảng Trị tập trung phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể như những điệu hát, điệu múa của người Vân Kiều, Pa Kô và tổ chức biểu diễn tại các lễ hội, địa điểm du lịch thì đây sẽ là một trong những chiếc chìa khóa để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển.

- Xin cảm ơn em!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167897&title=tran-tro-voi-nhung-loi-ru