Trần Trung Tam - Người con ưu tú của làng Hựu Thạnh

Trần Trung Tam là nhà hoạt động cách mạng kiên trung, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Cả cuộc đời ông là một minh chứng sáng ngời cho tinh thần yêu nước, bất khuất của những người cộng sản Việt Nam. Ông là niềm tự hào của tuổi trẻ và người dân Hựu Thạnh.

Tranh vẽ lại cảnh chính quyền cách mạng đón tù nhân Côn Đảo về đất liền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (trong số các tù nhân được đón về có ông Trần Trung Tam) (Ảnh chụp lại tranh tại Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận)

Tranh vẽ lại cảnh chính quyền cách mạng đón tù nhân Côn Đảo về đất liền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (trong số các tù nhân được đón về có ông Trần Trung Tam) (Ảnh chụp lại tranh tại Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận)

Nhà cách mạng kiên trung

Trần Trung Tam tên thật là Nguyễn Tấn Hoạch, sinh năm 1913 ở làng Hựu Thạnh, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa), nơi giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.

Ông giác ngộ cách mạng từ năm 17 tuổi, tham gia nhiều hoạt động, phong trào do Đảng lãnh đạo. Năm 1936, ông được kết nạp Đảng và là một trong những đảng viên đầu tiên của làng Hựu Thạnh lúc bấy giờ.

Trần Trung Tam là người kiên định lập trường cách mạng, bền bỉ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và có nhiều đóng góp trong công tác phát triển, xây dựng Đảng tại tỉnh lỵ Tân An.

Năm 1938, công tác cơ sở công khai của Đảng gặp khó khăn, Đông Dương Đại hội bị địch giải tán. Khi đó, Trần Trung Tam đang là Bí thư Quận ủy Đức Hòa, được Xứ ủy điều về Tân An dưới vỏ bọc một thầy thuốc mang bí danh thầy lang Hoạch.

Dưới sự hỗ trợ của đồng chí, đồng đội, thầy lang Hoạch đến nhà thuốc Minh Xuân Đường, cùng thầy lang Lê Minh Xuân bắt mạch, hốt thuốc cho người dân trong vùng. Cùng giúp việc cho các ông còn có Hà Tây Giang, Lưu Tấn Xương.

Tại Tân An, thầy lang Hoạch kết nối, xây dựng chi bộ ở thị xã Tân An và trực tiếp làm bí thư chi bộ này. Chi bộ mới thành lập gồm: Trần Trung Tam (thầy thuốc), Hai Nhơn (đánh xe ngựa), Ba Hoằng (thợ bạc), Hai Dẹp (thợ bạc). Ông tiếp tục cùng đồng đội thành lập thêm một số chi bộ tại các làng: Bình Phong Thạnh, Lợi Bình Nhơn, Bình Thành,...

Nhờ vậy, tổ chức Đảng ở tỉnh Tân An phát triển với một hệ thống chặt chẽ. Quần chúng lao động ngày càng ủng hộ cách mạng. Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, tập trung lãnh đạo công tác chuẩn bị Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Khi đó, Trần Trung Tam là Trưởng ban chỉ đạo khởi nghĩa tỉnh lỵ Tân An.

Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, cơ sở Đảng của ta bị tổn thất nặng nề. Địch liên tục càn quét, bắt bớ, nhiều đảng viên bị bắt, tù đày, tra tấn.

Trong lúc đó, Trần Trung Tam vẫn tiếp tục hoạt động, kết nối với các đồng chí còn lại nhằm chuẩn bị củng cố tổ chức Đảng tại
các tỉnh, tiến tới lập lại Xứ ủy nhưng việc không thành.

Năm 1942, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo. Ở đó, dù bị tra tấn tàn bạo, ông vẫn giữ lòng kiên trung với cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được chính quyền cách mạng rước về và lại tiếp tục tham gia hoạt động.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Có thời gian ông được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được cử giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Y tế. Từ năm 1980, ông nghỉ hưu tại TP.HCM nhưng vẫn tham gia công tác nghiên cứu lịch sử Đảng ở Long An. Ông mất ngày 01/7/1998, hưởng thọ 85 tuổi.

Cả cuộc đời kiên định vì sự nghiệp cách mạng, ông Trần Trung Tam được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Kháng chiến, Huy hiệu Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc.

Tuổi trẻ Hựu Thạnh noi gương người đi trước

Tấm gương của nhà cách mạng Trần Trung Tam được tuổi trẻ xã Hựu Thạnh ngày nay tiếp nối bằng nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể. “Hựu Thạnh là quê hương của nhiều nhà cách mạng nổi tiếng, tài ba: Trần Trung Tam, Lê Minh Xuân, Lê Quang Thẩm,... Đó là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo. Để đoàn viên, thanh niên hiểu rõ về truyền thống anh hùng của địa phương, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác giáo dục truyền thống; đồng thời, xây dựng nhiều mô hình, phần việc thiết thực để chăm lo cho gia đình chính sách, góp phần xây dựng địa phương” - Phó Bí thư Đoàn xã Hựu Thạnh - Đỗ Đắc Hiền cho biết.

Theo chị Đỗ Đắc Hiền, các hoạt động giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên được tổ chức thường xuyên trong năm qua với nhiều hoạt động khác nhau như nói chuyện truyền thống trong các buổi sinh hoạt hè; tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt dưới cờ; tổ chức hoạt động về nguồn cho học sinh, đoàn viên, thanh niên; kết nạp Đoàn tại nhà bia liệt sĩ kết hợp ôn lại truyền thống;...

Bên cạnh đó, Đoàn xã Hựu Thạnh còn chú trọng thực hiện các mô hình chăm lo cho gia đình chính sách: Người con hiếu thảo; Người anh đỡ đầu; thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, cựu thanh niên xung phong;...

Đoàn xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa tặng quà cho em Nguyễn Hoàng Phúc Mỹ (học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Quang Thẩm, huyện Đức Hòa) trước thềm năm học mới

Đoàn xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa tặng quà cho em Nguyễn Hoàng Phúc Mỹ (học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Quang Thẩm, huyện Đức Hòa) trước thềm năm học mới

Đến thăm, tặng quà, dụng cụ học tập cho em Nguyễn Hoàng Phúc Mỹ (học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Quang Thẩm) là một trong những hoạt động gần nhất của Đoàn xã Hựu Thạnh, vừa thể hiện sự quan tâm đối với gia đình chính sách, vừa hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Phúc Mỹ là cháu của bà Huỳnh Thị Linh Huỳnh, một gia đình chính sách tại địa phương. Do bạo bệnh nên cả con trai và con dâu của bà đều mất sớm. Hiện tại, bà Huỳnh sống cùng 2 cháu nội là Phúc Mỹ và anh trai của em.

Nhằm thể hiện sự quan tâm đối với gia đình bà Huỳnh, Đoàn xã thường xuyên đến thăm, tặng quà. Riêng đối với bé Phúc Mỹ, Đoàn xã nhận làm “anh đỡ đầu”, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ bé. Nhận được bộ sách mới, Phúc Mỹ không giấu được niềm vui, nói: “Có được bộ sách này, em vui lắm! Vậy là mai mốt nhập học em không còn phải lo gì nữa”.

Chị Đỗ Đắc Hiền cho biết thêm, hầu hết các hoạt động của Đoàn xã đều sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa và hướng đến mục tiêu giáo dục lòng biết ơn, tự hào dân tộc trong đoàn viên, thanh niên địa phương./.

Mộc Châu

(*) Tài liệu tham khảo:

- Đồng chí Trần Trung Tam - Bí thư Tỉnh ủy Long An (Ngô Trung).

- Một số hiểu biết về lịch sử nhà 17 (Đỗ Thanh Bình).

- Thông tin tên đường Trần Trung Tam.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tran-trung-tam-nguoi-con-uu-tu-cua-lang-huu-thanh-a181007.html