Trần Văn Đang, Tổ quốc vinh danh Anh
'Chung một bóng cờ' kết thúc bằng những trang vàng đặc biệt nhằm vinh danh 51 nhân vật tiêu biểu cho 21 năm đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam, trong đó Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Đang là người hy sinh trẻ nhất, là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thanh niên ở thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhiều đồng bào trong và ngoài nước kiến nghị với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên xuất bản một tập sách ghi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam. Ý kiến đó được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoan nghênh.
Tháng 7/1990, Ban chỉ đạo và Ban biên tập công trình “Chung một bóng cờ” về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Linh – nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng làm cố vấn; Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên tập; Nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng làm chủ biên.
Tập sách ra đời đúng dịp kỷ niệm 32 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, được cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh nhận xét: “Tập sách tuy cố gắng song không thể phản ánh tất cả khía cạnh vô cùng sắc sảo, độc đáo, phong phú của một thời kỳ đấu tranh dồn dập, ác liệt. Hàng triệu người đã làm nên lịch sử mà mỗi người xứng đáng được đời sau nhớ ơn; tập sách này chỉ chép lại một trong muôn vàn sự tích thần kỳ ấy”.
“Chung một bóng cờ” kết thúc bằng những trang vàng đặc biệt nhằm vinh danh 51 nhân vật tiêu biểu cho 21 năm đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam, trong đó Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Đang là người hy sinh trẻ nhất, là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thanh niên ở thời đại Hồ Chí Minh.
Trần Văn Đang sinh năm 1942 tại xã Long Phước huyện Song Hồ, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo có tinh thần yêu nước. Do kinh tế gia đình gặp khó khăn, học xong trung học đệ nhất cấp, anh rẽ ngang sang học nghề thợ điện và gia nhập vào đội ngũ công nhân.
Mặc dầu trẻ tuổi, song vốn ghét Mỹ, lại được lớp công nhân đàn anh giáo dục, giúp đỡ, Đang sớm tham gia nhiều cuộc đình công, bãi công, biểu tình, chiếm xưởng, chống đuổi nhà, chống bắt lính do công nhân, lao động Sài Gòn tổ chức. Tháng 3/1964, Đang được điều sang lực lượng Đội Biệt động Sài Gòn.
Với nhiệt huyết cách mạng của một Đảng viên Cộng sản trẻ tuổi, Trần Văn Đang đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng được giao trước khi sa vào tay giặc. Đó là ngày 20/3/1965, với chiếc xe Vespa mang theo 10 kg thuốc nổ, anh chuẩn bị đánh vào cư xá sĩ quan Mỹ ở số 3 đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ) gần sân bay Tân Sơn Nhất, song bị lộ và bị bắt.
Dù bị tra tấn hết sức dã man, Trần Văn Đang vẫn không hề khai báo. Ngược lại, anh còn vạch trần những thủ đoạn đê hèn và tội ác man rợ của địch. Trước tòa án quân sự của địch, anh nhìn thẳng vào mặt quan tòa thét lớn: “Tao và các đồng chí của tao làm điều chính đáng, chính nghĩa. Tao đánh bọn xâm lược và tất cả kẻ nào ngăn chặn việc làm đó sẽ bị tiêu diệt. Chúng bay là tay sai của đế quốc Mỹ, là bọn đánh thuê, là bọn bán nước, gây nợ máu với nhân dân, nhất định phải đền tội”.
Anh từ chối luật sư biện hộ.
Sau đó chúng giam anh hai tháng tại khám tử hình trong nhà lao Chí Hòa.
Trần Văn Đang luôn luôn giữ vững khí tiết của người Cộng sản, đến động viên từng người giữ vững tinh thần đấu tranh không dao động trước sự dụ dỗ, phỉnh nịnh, mua chuộc của kẻ thù. Có một tên mật thám đến gặp riêng anh ngon ngọt: “Em còn trẻ dại, bị Việt Cộng xúi giục, nói đi, ăn năn hối lỗi thì tòa sẽ khoan hồng. Rồi em sẽ đi học tiếp, sẽ đỗ đạt, có mảnh bằng, vợ đẹp, con khôn… Đừng nghe lời Việt Cộng mà thiệt thân… Em còn trẻ”…
Anh thét vào mặt chúng: “Tao chọn làm người chiến sĩ cách mạng, chiến đấu vì chính nghĩa, đánh bọn xâm lược, đấu tranh giành quyền sống cho nhân dân lao động”.
Giữa năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt với kế hoạch Staley-Taylor đầy tham vọng quyết bình định Việt Nam trong vòng 18 tháng cùng với các chiến dịch trực thăng vận, thiết xa vận… đã bị quân và dân miền Nam đánh bại, rồi kế hoạch Johnson, McNamara tiếp theo cũng bị thất bại thảm hại. Đế quốc Mỹ chuyển sang chiến tranh cục bộ, đánh phá ác liệt miền Nam đi đôi với tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ” hòng khuất phục nhân dân ta. Chúng dựng lên chính quyền quân sự đầu tiên với tên gọi Ủy ban Hành pháp ở miền Nam, thi hành một loạt biện pháp độc tài khát máu, trong đó có lệnh cấm mít tinh, biểu tình, tụ tập đông người… hòng khủng bố tinh thần nhân dân Sài Gòn, dọn đường cho chúng đưa quân Mỹ ào ạt vào miền Nam nước ta. Trung tuần tháng 5-1965, chúng dựng trước cửa chợ Bến Thành một pháp trường cát.
Sáng ngày 21/6/1965, lúc 5h52, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa anh ra pháp trường cát xử bắn với ý đồ có thể khủng bố tinh thần đấu tranh của nhân dân Sài Gòn. Nhưng chúng đã lầm to.
Trước đông đảo đồng bào, phóng viên trong và ngoài nước, tập trung tại đường Hàm Nghi và góc hông cạnh chợ Bến Thành, vừa bước xuống xe, Trần Văn Đang đã dõng dạc nói lớn:
- Hỡi đồng bào chợ Bến Thành! Hỡi đồng bào Sài Gòn thân yêu! Tôi là Trần Văn Đang, chiến sĩ giải phóng quân. Tôi đánh Mỹ để giải phóng dân tộc. Đồng bào hãy đoàn kết lại đập tan bè lũ bán nước và cướp nước!
Giặc đẩy anh đến trục cát, anh vẫn hô to: “Đả đảo đế quốc Mỹ! Đế quốc Mỹ cút đi! Đả đảo tập đoàn tay sai bán nước! Bọn gây nợ máu phải đền nợ máu! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất muôn năm! Chúc nhân dân mạnh khỏe, bền vững đấu tranh giành thắng lợi”.
Loạt đoạn nổ, anh vẫn tiếp tục hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Đả đảo đế quốc Mỹ”. Những loạt đạn nổ tiếp, anh ngã xuống. Nhưng cái chết của Anh đã trở thành bất tử.
Ngày hôm sau, báo Chính luận tường thuật về giây phút đó như sau:
“Trên xe bước xuống… chân đi dép và miệng còn phì phèo thuốc lá, Đang không để cho bịt mặt. Đang còn lớn tiếng hô to. “Đả đảo đế quốc Mỹ” và “Ủng hộ Hồ Chủ tịch”.
Để biểu dương khí phách sáng ngời của người thanh niên yêu nước, Đảng viên Cộng sản Trần Văn Đang, ngày 6-1-1978, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký sắc lệnh truy tặng Trần Văn Đang danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Tên anh được đặt cho một con đường và một trường học tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cứ đến ngày 21 tháng 6 hàng năm, đồng đội, bạn bè của Trần Văn Đang lại tập họp lại để cùng nhau nhớ về một thời hào hùng, một thời tuổi trẻ sôi nổi của Trần Văn Đang, tuổi trẻ của chính họ.