Trấn Yên đoàn kết xây dựng quê hương

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, những năm gần đây, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Trấn Yên ngày càng được nâng lên, bộ mặt huyện nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Người dân thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca tích cực mở rộng đường giao thông nông thôn.

Người dân thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca tích cực mở rộng đường giao thông nông thôn.

Gia đình anh Sổng A Mông, thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca trước đây là hộ nghèo, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào làm ruộng và trồng rừng. Năm 2017, anh Mông vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và học hỏi kỹ thuật để trồng tre măng Bát độ thay thế dần diện tích rừng của gia đình. Đến nay, gia đình anh Mông có 2 ha tre măng Bát độ, thu gần 30 triệu đồng/vụ từ bán măng. Anh Mông cho biết: "Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi đã trồng và mở rộng diện tích rừng tre măng. Đây cũng là cây xóa nghèo của gia đình”.

Khuôn Bổ hiện có 84 hộ,100% là đồng bào Mông, nhân dân trong thôn sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ sự vươn lên của mỗi người dân, năm 2021, Khuôn Bổ đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Hiện toàn thôn còn 3 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, trong thôn có khoảng chục hộ giàu, còn lại là hộ khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm, dự kiến cuối năm nay đạt 53 triệu đồng.

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực phát triển kinh tế của mỗi thôn, xã Hồng Ca đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và huyện. Trong đó, phải kể đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm: xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, huyện Trấn Yên đã hỗ trợ xã Hồng Ca triển khai 2 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị của xã là Dự án trồng dâu, nuôi tằm và Dự án trồng mới, chăm sóc tre măng Bát độ.

Qua đó, đã làm thay đổi rõ rệt đời sống, văn hóa tinh thần của người dân trong xã Hồng Ca. Đến nay, xã có 6 thôn NTM kiểu mẫu, phấn đấu cuối năm nay đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm 5,72%, thu nhập bình quân đầu người dự kiến cuối năm 2024 đạt 60 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho vùng đồng bào DTTS, huyện Trấn Yên còn rất quan tâm tới đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào. Huyện đã tổ chức nhiều lớp bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan; các hoạt động truyền dạy chữ viết và văn hóa của người Tày; các câu lạc bộ hát múa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt tại các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, đã góp phần không nhỏ làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

 Theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh, đội văn nghệ thôn Đồng Song, xã Kiên Thành đã được hỗ trợ trang phục, kinh phí tập luyện, hiện đang hoạt động hiệu quả.

Theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh, đội văn nghệ thôn Đồng Song, xã Kiên Thành đã được hỗ trợ trang phục, kinh phí tập luyện, hiện đang hoạt động hiệu quả.

Một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được bảo tồn, như: lễ hội Lồng Tồng của người dân tộc Tày xã Kiên Thành; Lễ hội Cấp sắc của người dân tộc Dao xã Tân Đồng; Lễ hội đền Hóa Cuông được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng, còn gọi Lễ Thượng nguyên; Lễ hội Đình làng Dọc của xã Việt Hồng; Lễ hội Đình Đền xã Quy Mông; Lễ hội Đình Kỳ Can xã Y Can...

Địa phương còn tiến hành rà soát các lễ hội, làn điệu dân ca và dân vũ, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc để có phương án khôi phục, bảo tồn. Các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Mường, Mông, Cao Lan được bảo tồn và phát huy từ trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống.

Chị Mễ Thị Vân, Câu lạc bộ múa, hát Sình ca Cao Lan, xã Hòa Cuông cho biết: "Chúng tôi luôn tìm tòi, sưu tầm các điệu múa, câu hát của người Cao Lan để dạy cho các thành viên. Tôi cũng tích cực tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ hội, ngày hội của thôn hằng năm và các hội nghị của xã, huyện tổ chức”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội DTTS huyện lần thứ III - năm 2019 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong 5 năm qua, huyện Trấn Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách vùng đồng bào DTTS. Các cấp ủy Đảng đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng bào DTTS cũng như nhân dân toàn huyện tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”...

Vì vậy, kinh tế vũng đồng bào DTTS của huyện Trấn Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thương mại. Công tác giảm nghèo bền vững đạt được những kết quả quan trọng, số hộ nghèo giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2021 toàn huyện còn 955 hộ nghèo thì hết năm 2023 còn 416 hộ nghèo.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn và duy trì các tiêu chí NTM, 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 122 thôn đạt NTM kiểu mẫu. Mặt bằng dân trí và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy; hệ thống chính trị trong cộng đồng các dân tộc được tăng cường và củng cố. Tình hình chính trị, trật tự xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững…

Kết quả đạt được là đáng tự hào song ông Nguyễn Thành Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Giai đoạn 2019-2024, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp chưa thực sự đổi mới mạnh mẽ, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện và sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; công tác giảm nghèo có tiến bộ nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; một số hộ nghèo DTTS chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số hủ tục lạc hậu tuy đã được đẩy lùi nhưng tình trạng sinh con thứ ba trở lên còn xảy ra”.

Vì vậy, thời gian tới, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới; xây dựng nền kinh tế của huyện phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, trong đó xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là mặt trận hàng đầu, đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng nông thôn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân... tạo tiền đề vững chắc đưa huyện trở thành địa phương phát triển nhanh và toàn diện, giữ vững thành quả huyện nông thôn mới đầu tiên của vùng Tây Bắc.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/323931/tran-yen-doan-ket-xay-dung-que-huong.aspx