Tràng An: Nơi khơi nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ Ninh Bình

Tràng An- di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, niềm tự hào của du lịch Ninh Bình. Trước khi có một Quần thể danh thắng Tràng An huyền thoại trong mắt du khách thì từ rất lâu đã có một Tràng An diễm lệ, nguyên sơ trong nét phác vẽ của giới văn nghệ Ninh Bình.

Lễ hội Tràng An. Ảnh: Thanh Hải

Lễ hội Tràng An. Ảnh: Thanh Hải

Trong hoạt động văn nghệ, Nhiếp ảnh chính là bộ môn quảng bá tích cực cho Quần thể danh thắng Tràng An ngay từ những ngày đầu. Nhiều tay máy kỳ cựu của nhiếp ảnh như Tuấn Hải, Bùi Duy Tư, Thanh Bình (đã mất), Đồng Tiệp Khắc, Vũ Đức Phương, Thanh Hải, Đào Minh Tiến, Ninh Mạnh Thắng, Ngọc Khánh... đã có nhiều tác phẩm ảnh chân thực, sinh động lột tả được vẻ đẹp nguyên sơ, huyền thoại của phong cảnh thiên nhiên Tràng An.

Chính các tác phẩm nhiếp ảnh đã đóng vai trò là các "sứ giả văn hóa" lan tỏa hình ảnh của Quần thể danh thắng đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Nhiếp ảnh với đặc tính trực quan, sinh động, chân thực là một "kênh" quan trọng thu hút nhiều người đến với Ninh Bình. Có điều rất đáng lưu ý là hình ảnh Quần thể danh thắng Tràng An trong mắt các nhiếp ảnh gia không phải là một thực thể tĩnh tại mà như là một sinh thể.

Di sản Tràng An từ khi còn đang làm hồ sơ tới khi được UNESCO công nhận, cho tới nay luôn tạo nguồn cảm hứng bất tận cho giới nhiếp ảnh. Mỗi tác phẩm ảnh, mỗi góc máy, tại mỗi thời điểm đều có vẻ đẹp riêng không hề lặp lại. Các tay máy Ninh Bình càng đi sâu khám phá vẻ đẹp của Tràng An, càng ngỡ ngàng phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của di sản này. Nhiều tác giả khi sáng tác về Tràng An, tham dự các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ảnh còn đạt được nhiều giải thưởng.

Tác giả Ninh Mạnh Thắng với tác phẩm "Chiều vàng Tam Cốc" đoạt giải Ba tại Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc năm 2013; tác phẩm "Nốt nhạc đồng quê" đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi ảnh Nghệ thuật Quốc tế cộng đồng các quốc gia ASEAN 2010.

Tác phẩm "Lễ rước nước trên sông Hoàng Long" của tác giả Nguyễn Đức Nguyên đoạt giải Nhất tại Cuộc thi triển lãm ảnh nghệ thuật Ninh Bình 2023...

Nhiếp ảnh Ninh Bình không chỉ ghi lại một cách chân thực nét đẹp của di sản mà còn là cầu nối, làm người giới thiệu nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh đến với Ninh Bình. Không phải ngẫu nhiên mà giới nhiếp ảnh đã phong cho Ninh Bình là "thiên đường của Nhiếp ảnh". Nếu Ninh Bình là "thiên đường của Nhiếp ảnh" thì Quần thể danh thắng Tràng An chính là trái tim, linh hồn của thiên đường ấy.

Chia sẻ về điều này, tay máy Đồng Tiệp Khắc tâm sự: Từ nhiều năm trước tôi đã cùng với các đồng nghiệp của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đi thực tế sáng tác tại các điểm di tích của Quần thể danh thắng Tràng An. Nhiều anh em chụp ảnh nghệ thuật đã lang thang mọi ngóc ngách trong vùng danh thắng để tìm góc chụp mới ở nhiều thời điểm khác nhau. Các sản phẩm gửi tham dự các triển lãm khá độc đáo. Vì vậy mà dân trong nghề rỉ tai nhau, người nọ truyền tai người kia, cứ hễ về Ninh Bình lại kéo chúng tôi đi chụp cùng.

Thực ra anh em các địa phương khác họ rất tinh, bởi vì chỉ những tay máy bản địa mới thông thuộc địa bàn, lăn lộn nhiều với các di tích, mới biết chính xác đâu là thời điểm bấm máy đẹp nhất. Vì vậy, cùng với việc sáng tạo ra sản phẩm, mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh chúng tôi còn có vai trò kết nối bạn bè trong giới ảnh nghệ thuật đến với Tràng An, quảng bá tích cực cho di sản này.

Nếu như Tràng An hiện lên lộng lẫy trong mắt giới nhiếp ảnh thì với giới viết lách, cũng có một Tràng An khác lắng sâu, trữ tình và ắp đầy giá trị lịch sử, văn hóa. Quần thể danh thắng Tràng An ngay từ khi còn đang là một dự án đã có sức hút mạnh mẽ đối với giới nghiên cứu, sưu tầm.

Tác giả Nguyễn Cao Tấn là một trong những người viết gắn bó với Tràng An ngay từ những ngày đầu. Khi ấy, nhà nghiên cứu này với kiến thức của một người làm khảo cổ, lại có điều kiện tiếp cận kho tư liệu đồ sộ tại Phòng Di sản của ngành Văn hóa đã có nhiều bài viết sâu sắc, có giá trị khoa học và tư liệu cao, góp phần chứng minh giá trị văn hóa, lịch sử của Quần thể danh thắng Tràng An với giới nghiên cứu, học thuật trong và ngoài nước.

Ngoài ra phải kể đến các nhà nghiên cứu kỳ cựu: Lã Đăng Bật, Trương Đình Tưởng, Nguyễn Văn Trò, Đặng Công Nga, Mai Đức Hạnh... với nhiều tư liệu, bài viết, cuốn sách... đã cung cấp cho bạn đọc, giới nghiên cứu nhiều tư liệu quý giá trị nhiều mặt, to lớn của Quần thể danh thắng Tràng An. Qua tư liệu, bài viết mà các tác giả này đóng góp, đã góp phần khẳng định giá trị, tầm vóc của di sản, quảng bá tích cực cho Quần thể danh thắng Tràng An cả trong lĩnh vực học thuật lẫn trên phương diện truyền thông. Không chỉ có lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm mà nhiều lĩnh vực khác trong văn nghệ cũng đã đồng hành cùng Quần thể danh thắng Tràng An trong suốt hành trình lịch sử của di sản.

Tràng An đã gợi cảm hứng, khơi nguồn cho Thơ, Nhạc, Hội họa, Điêu khắc. Nhiều nhà thơ Ninh Bình đã từng tạc khắc hình bóng di sản này vào trong thơ. Nhiều tập thơ của các tác giả Lâm Xuân Vi, Bình Nguyên, Võ Ngột, Đinh Ngọc Lâm, Vũ Đức Thanh, Trương Minh Phố, Diệu Thoa, Hoàn Nguyễn, Bùi Thị Nhài, Tâm An... với cảm nhận tinh tế của mình đã phác vẽ nên trong tâm hồn độc giả những ấn tượng, cảm nhận khác nhau về Tràng An, về vẻ đẹp tự nhiên, những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của di sản.

Và nếu như nhiếp ảnh giới thiệu Tràng An đến với công chúng thì thơ ca tô điểm, vun bồi tình yêu của độc giả với di sản một cách lâu bền, sâu sắc. Giới mỹ thuật lại đồng hành cùng di sản Tràng An theo một cách riêng.

Họa sỹ, điêu khắc gia Kù Kao Khải không ít lần chia sẻ, trong các tác phẩm của anh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố mỹ thuật, kiến trúc của các di sản. Đặc biệt là ảnh hưởng bởi cách sử dụng các gam màu, lối trang trí, họa tiết, hoa văn tại các điểm di tích. Kù Kao Khải nhấn mạnh: "Giá trị về mỹ thuật của các di sản đóng vai trò khơi gợi cảm hứng, niềm tự hào về quê hương là nguồn mạch cảm xúc giúp anh có thêm động lực để sáng tạo".

Tác giả Lương Trịnh chọn lối tôn vinh di sản theo cách riêng. Với sở trường điêu khắc trên chất liệu đá, Lương Trịnh mở ít nhất 2 triển lãm về điêu khắc tại Ninh Bình và Hà Nội. Cuộc chơi nghệ thuật này, tác giả Lương Trịnh với sáng tạo của mình đã cho người xem thấy hết năng lượng sáng tạo và chất tài hoa, nghệ sỹ của những nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân. Đó là cách mà anh tôn vinh giá trị lịch sử của làng nghề đá Ninh Vân tới công chúng.

Những câu chuyện về Nhiếp ảnh, Thơ, Nghiên cứu- Sưu tầm, Mỹ thuật... chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về cách mà giới văn nghệ Ninh Bình đã đồng hành, gắn bó, tôn vinh di sản Tràng An trong hành trình lịch sử của nó. Ngày nay, tầm vóc và danh tiếng của Quần thể danh thắng Tràng An là điều không phải bàn cãi, nhưng với các văn nghệ sỹ, bằng tấm lòng của họ với quê hương, với năng lực sáng tạo của mình, chắc chắn họ sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa cho hình ảnh của Tràng An, cho sự lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Tràng An tới bè bạn trong nước và quốc tế.

Mai Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trang-an-noi-khoi-nguon-cam-hung-cho-gioi-van-nghe-ninh/d20240322082120285.htm