Tràng An vùng đất 'vàng' phát triển du lịch bền vững

Với những yếu tố địa hình, phong cảnh non nước hữu tình được mẹ thiên nhiên ban tặng, cùng với bề dày văn hóa lịch sử , du lịch Ninh Bình đang phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 Lượng khách đến Ninh Bình tăng nhanh sau khi phục hồi du lịch kể từ sau đại dịch COVID-19. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Lượng khách đến Ninh Bình tăng nhanh sau khi phục hồi du lịch kể từ sau đại dịch COVID-19. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Tinh hoa hội tụ, say lòng du khách

Ninh Bình nằm ở phía Đông Nam của Đồng bằng Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía Nam. Nơi đây được gọi là vùng đất cố đô, là nơi khai sinh của Nhà nước Đại Cồ việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trọn trong khối đá vôi Hoa Lư, được giới hạn về phía Đông là sông Chanh, phía Bắc là sông Hoàng Long, phía Tây Nam là sông Bến Đang. Ở phía Bắc, Đông và Đông Nam của khối đá vôi này là những cánh đồng bằng phẳng trù phú được bồi đắp bởi hệ thống sông Đáy và sông Vân...

Trong quá trình dựng nước và giữ nước đầy cam go, sóng gió nhưng rất oanh liệt và hào hùng của dân tộc Việt Nam, vai trò lịch sử của vùng đất linh thiêng này đã ghi dấu những dấu tích để lại từ thời xa xưa, như thời các vua Hùng có đền thờ “Quý Minh Đại Vương” (đền Trần), thờ Cao Sơn Đại Vương (núi chùa Bái Đính), thời Đinh, Lê, Lý (thế kỷ X) hệ thống núi đá, rừng cây, sông hồ, suối trở thành “quân thành đá”, trở thành “chiến hào kháng chiến” và cũng là “trận đồ bát quái” như Phủ Đột, Phủ Khống, hang Địa Linh, thung Nấu Rượu, thung đền Trần, thung thuốc, thung Lang.

Đặc biệt là hai lần chống quân Nguyên xâm lược, Ninh Bình đã từng là nơi đặt thủ đô kháng chiến của vua, vương nhà Trần. Đã là nơi tế cờ mở đầu cho cuộc đại phá quân Thanh lịch sử trận đầu tiên diệt đồn Gián Khẩu của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (xuân Kỷ Dậu - 1789) (núi chùa Bái Đính). Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hệ thống hang động và sông hồ ở đây đã in đậm dấu ấn và vai trò lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào của người dân Tràng An đất Việt.

Trong suốt tiến trình lịch sử, Ninh Bình đã phát hiện ra rất nhiều “bằng chứng”, các cổ vật được khai quật cho thấy nơi đây đã có sự sinh sống của người Việt cổ hàng ngàn năm. Chính vì thế mà Ninh Bình có tới hơn 1.800 di tích, trong đó 3 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích cấp quốc gia, 289 di tích cấp tỉnh và Khu Quần thể danh thắng Tràng An là một vùng du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Cùng với đó, Ninh Bình còn có nhiều di tích độc đáo, vô giá như: chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm…

Ninh Bình được mẹ thiên nhiên vô cùng ưu ái, ban cho vùng đất này 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình đa dạng với hệ sinh thái phong phú. Nơi đây có Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối khoáng nóng Kênh Gà, biển Cồn Nổi, các hồ Đồng Chương, Yên Thắng hay Vườn chim Thung Nham. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn khiến du khách đến với Ninh Bình đều “yêu từ lần đầu tiên”.

Với bề dày về văn hóa, Ninh Bình còn là đất tổ của nghệ thuật hát Xẩm, hát Chèo cùng nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu như làng gốm Bồ Bát (gốc của làng gốm Bát Tràng ngày nay). Nhiều lễ hội được tổ chức từ hàng trăm năm trước, thể hiện khát vọng, văn hóa đặc trưng của người Việt như Lễ hội Hoa Lư, Bái Đính, Tràng An, chùa Địch Lộng,..

Đến với vùng đất cố đô, ngoài khám phá văn hóa, tìm về cội nguồn dân tộc, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản, được xếp vào hàng “có một không hai” đối với du khách thập phương như thịt dê, cơm cháy, rượu Kim Sơn hay nem Yên Mạc.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho Ninh Bình trở thành một vùng đất “tinh hoa hội tụ”. Trở thành điểm đến hấp dẫn được các trang du lịch hàng đầu tôn vinh.

Mới đây, Ninh Bình đạt giải thưởng Traveller Review Awards 2023, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Ninh Bình cũng được Tạp chí Forbes (Mỹ) giới thiệu là 1 trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất trên thế giới năm 2023. Trước đó, vào năm 2022, Travel + Leisure (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á trong năm 2020. Đây là một niềm tự hào đối với Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch Tam Cốc. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Du lịch Tam Cốc. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình)

Với những điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu ái ban tặng, những năm qua du lịch Ninh Bình đang phát triển nhanh. Tỉnh đã và đang chú trọng đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Để du lịch trở thành thế mạnh, động lực cho tăng trưởng, Ninh Bình đã có nhiều chiến lược, quyết sách, đề án phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 -2025) đã xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong 3 khâu đột phá của tỉnh.

Việc ban hành các chính sách, cơ chế đúng và trúng là yếu tố mang tính then chốt đó, đã tạo cơ sở pháp lý để Ninh Bình khuyến khích và huy động các nguồn lực tham gia phát triển du lịch. Nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch, hình thành nhiều di sản, khu du lịch, khu công nghiệp lớn mang tầm quốc tế. Thời gian qua, có thể nói chính quyền và người dân Ninh Bình đã và đang làm rất tốt các công tác để phát triển du lịch, đưa Ninh Bình trở thành một “điểm sáng” du lịch trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 2015 - 2022, cùng với biến động lượng khách, doanh thu du lịch của Ninh Bình cũng tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2019, đạt 23,6%/năm. Năm 2019 doanh thu đạt trên 3.671 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2015. Sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu du lịch sụt giảm và đạt thấp nhất vào năm 2021 (682 tỷ đồng). Đến năm 2022 có sự phục hồi, đạt 3.207 tỉ đồng. Mặc dù lượng khách năm 2022 mới chỉ bằng 48,57% so với năm 2019 nhưng doanh thu từ ngành Du lịch năm 2022 bằng 87,4% so với năm 2019. Điều này cho thấy khách du lịch đến Ninh Bình nhìn chung có mức chi tiêu cao hơn so với trước đây.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết: “Ngành Du lịch tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về phát triển du lịch; quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa. Tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cũng phải được chú trọng, đẩy mạnh. Bên cạnh việc phát triển, thúc đẩy các hoạt động du lịch, việc quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững cũng là chủ trương của ngành Du lịch, chính quyền các cấp và mỗi người dân Ninh Bình.

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết thêm: Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong thời gian tới, Sở Du lịch Ninh Bình, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng tiếp tục, thường xuyên đổi mới phương thức quản lý, khắc phục những hạn chế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu Di sản Tràng An với bạn bè trong nước và quốc tế nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ninh Bình cũng phấn đấu đến năm 2030 đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; năm 2045, trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Có thể nói, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một hoạt động có tính đa ngành và liên ngành, liên quan đến các vấn đề về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt, với diện tích 12.252ha, trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 05 huyện, thành phố cùng với hơn 40.000 cư dân sinh sống và hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, Di sản Tràng An hiện nay đang chịu sức ép rất lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản.

Gia Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/trang-an-vung-dat-vang-phat-trien-du-lich-ben-vung-post485922.html