Trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó hỏa hoạn cho học sinh
Nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về cháy nổ, biết cách thoát nạn trong các vụ cháy, thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai lồng ghép nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH), góp phần giúp các em có đủ kỹ năng ứng phó khi có hỏa hoạn, sự cố xảy ra.
Đầu năm học 2024-2025, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Liêm Chính (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) tổ chức chương trình trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH cho trên 700 cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Tại chương trình, thầy, cô giáo và các em học sinh được cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra. Trọng tâm là hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ và thoát nạn khi xảy ra cháy tại các công trình công cộng, nhà ở hộ gia đình, nhà chung cư, nơi tập trung đông người… hướng dẫn thực hành kỹ thuật sơ cứu ban đầu cho người bị nạn; nghe giới thiệu các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH hiện có tại đơn vị; biểu diễn kỹ thuật cứu người bị nạn trên nhà cao tầng bằng các phương pháp như: nhảy đệm hơi, sử dụng đai tự cứu, dây đai hạ chậm, cứu người bằng thang chữa cháy và CNCH; thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas; thực hành rải vòi chữa cháy, phun nước tiêu điểm…
Cô giáo Đỗ Thị Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hoạt động trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH có ý nghĩa thiết thực đối với cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Qua đây, không chỉ giúp cán bộ, giáo viên, học sinh được trang bị kiến thức về cách PCCC & CNCH cơ bản mà còn được tiếp cận, hướng dẫn thực hành sử dụng các phương tiện chữa cháy chuyên dụng như bình cứu hỏa mini để xử lý đám cháy. Đồng thời, nắm bắt được kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu người bị nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh hướng dẫn kỹ năng chữa cháy cho học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.
Tại Trường THCS xã Đạo Lý (Lý Nhân), Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã phối hợp với Công an xã tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC & CNCH cho trên 300 cán bộ, giáo viên, học sinh. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của lực lượng công an xã, các em học sinh được làm quen với trang thiết bị chữa cháy; học phương pháp phòng vệ đơn giản, kỹ năng cơ bản để giải cứu bản thân thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra; làm quen với bình chữa cháy; kỹ thuật sơ cấp cứu cho người bị nạn khi gặp tình huống ngừng thở, hóc dị vật, gãy tay, gãy chân… Em Nguyễn Tiến Huy, học sinh lớp 9A chia sẻ: Qua buổi tuyên truyền, em được hướng dẫn những việc ưu tiên cần làm khi có cháy xảy ra, như: gọi lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH; dùng khăn ướt hoặc cát để dập lửa; sơ tán người nhà; ngắt nguồn điện; cách để tránh ngạt thở… Những kiến thức rất hữu ích, dễ nhớ và có thể áp dụng khi gặp trường hợp rủi ro, hỏa hoạn để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Cùng quan điểm, em Nguyễn Hà Linh, lớp 8A cho biết, qua buổi ngoại khóa lần này, em học được cách cầm bình chữa cháy để dập lửa khi xảy ra cháy; biết cách sơ cứu người trước khi lực lượng chức năng đến. Những kiến thức về PCCC & CNCH rất có ích cho bản thân em. Em sẽ tiếp tục tuyên truyền những kiến thức học được đến người thân trong gia đình.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC & CNCH đối với học sinh, thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC & CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới của Bộ Công an, thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch trong công tác PCCC tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó, xác định rõ mục tiêu, phân công nhiệm vụ, giải pháp triển khai tới các đơn vị, địa phương. Cùng với đó, Sở GD & ĐT đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC & CNCH vào chương trình dạy chính khóa, ngoại khóa ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Hình thức tuyên truyền bao gồm: cung cấp tài liệu, tranh vẽ, clip; phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền miệng, hướng dẫn kiến thức, thực hành kỹ năng PCCC & CNCH cho cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn. Đối với học sinh mầm non, hoạt động chủ yếu là thông qua giáo dục trực quan bằng những hình ảnh minh họa để các em nhận biết nguy cơ, cách phòng tránh. Còn đối với giáo dục tiểu học, THCS, THPT được tuyên truyền lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, kết hợp chơi mà học… qua đó giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ, thực hiện. Ngoài ra, chú trọng công tác thực hành, hướng dẫn thông qua hình thức giả định để cán bộ, giáo viên, học sinh nắm chắc những kiến thức cơ bản trong công tác PCCC & CNCH.
Bằng các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, từ năm học 2023 – 2024 đến nay, lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với các nhà trường tổ chức 218 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn kiến thức, kỹ năng trong công tác PCCC & CNCH, thu hút trên 72 nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia. Cũng chính nhờ sự quan tâm, thực hiện tốt việc trang bị kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn trong công tác PCCC&CNCH cho học sinh mà nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh không có trường hợp hỏa hoạn trong trường học xảy ra.
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh và công an các địa phương, công tác PCCC trong các nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về nhận thức, thực hành kỹ năng. Từ đó, giúp cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có thể tự bảo vệ chính mình và cộng đồng, góp phần giảm thiểu nguy cơ cũng như thiệt hại khi cháy nổ xảy ra.