Trắng đêm tại ngôi làng nấu bánh chưng nức tiếng Hà thành

'Về Lỗ Khê, nhớ câu ca trù bên bếp lửa luộc bánh' có lẽ là câu nói đã quá quen thuộc với những ai đã từng biết đến làng bánh chưng nổi tiếng đất Hà thành. Dân làng truyền tai nhau rằng, sở dĩ bánh chưng Lỗ Khê khiến người ta muốn 'ăn nữa, ăn mãi' là nhờ bí quyết riêng, đặc biệt là hương vị đến từ… nguồn nước.

Bí quyết nức tiếng gần xa

Những ngày cuối năm, đường làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập. Thôn Lỗ Khê nổi tiếng là đất tổ ca trù của miền Bắc, hơn chục năm gần đây, ngôi làng này còn nổi tiếng nhờ làm bánh chưng ngon. Không có quy mô rộng như làng bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì), nhưng bánh chưng ở đây lại mang vị ngon không nơi nào có. Ai đã từng được thưởng thức bánh chưng truyền thống Lỗ Khê có lẽ sẽ chẳng thể nào quên được.

Chúng tôi đến Lỗ Khê vào những ngày hương xuân đã đến rất gần. Ngỏ ý muốn tìm hiểu về đặc trưng riêng có của bánh chưng Lỗ Khê, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình bà Phạm Thị Lành (66 tuổi), đã có truyền thống lâu đời làm nghề nấu bánh chưng.

Bà Lành chia sẻ về công việc gói bánh chưng ngày Tết của mình.

Bà Lành chia sẻ về công việc gói bánh chưng ngày Tết của mình.

Bà Lành bảo, bánh chưng Lỗ Khê cũng có bí quyết riêng khiến ngay cả con gái trong làng đi lấy chồng nơi khác muốn làm bánh ngon như Lỗ Khê cũng không thể được. Bà Lành nghe mọi người truyền miệng rằng, có thể do nguồn nước ở Lỗ Khê tinh khiết, ngọt mát nên bánh mới có vị đặc trưng như vậy. Thế nên, cứ mỗi khi Tết đến, gia đình bà Lành gói đến hàng nghìn chiếc bánh.

Cũng theo bà Lành, để bánh chưng ngon thì việc chọn nguyên liệu cần tỉ mỉ. Gạo phải là nếp trắng, nếp cái hoa vàng hạt mẩy, lá dong phải xanh, không quá già. Đỗ xanh làm nhân bánh phải là đỗ hạt tiêu nhỏ, tròn, lòng xanh và vỡ đều. Thịt lợn phải là nạc vai, có thêm chút mỡ cho vị thêm béo ngậy.

“Vì gia đình tôi có truyền thống, nên để gói bánh trong dịp Tết thì trước đó vài tháng tôi đã phải chuẩn bị nguyên liệu. Số lượng gạo làm bánh lên đến hơn chục tấn. Còn lá dong ở dưới xuôi không có nên phải đặt trên vùng cao, phải 2 xe tải lá mới đủ”, bà Lành nói.

Cách ngày gói gần nửa tháng bà đã phải thuê thợ rửa, dọc sống lá rồi cho vào kho để ráo nước. Vừa nói, bà Lành vừa nhanh tay gói một chiếc bánh chưng dài (giống bánh tét – PV). Bà Lành chia sẻ: “Thường một chiếc bánh chưng vuông tôi gói nặng khoảng 2kg, trong đó nhân đỗ và thịt khoảng 3-4 lạng, còn bánh chưng dài thì khoảng 1kg.

Những chiếc bánh chưng được gói vuông vắn.

Những chiếc bánh chưng được gói vuông vắn.

Làng tôi nổi tiếng với loại bánh chưng dài này. Điều đặc biệt mà không nơi nào có là khi gói tôi thường dùng dây vải để cố định bánh, sau khi tạo hình xong, tôi mới dùng dây lạt mềm để buộc rồi tháo dây vải ra. Sở dĩ làm như vậy là để chiếc bánh trông chắc chắn và đẹp mắt hơn”.

Suốt cuộc trò chuyện, bà Lành không lúc nào được ngơi tay bởi người phụ nữ này tiết lộ mỗi dịp Tết gia đình bà phải làm khoảng 6 tấn gạo tương đương 1.000 chiếc bánh chưng. Nếu không nhanh tay thì bà Lành sợ không kịp hàng cho khách. Trung bình một mẻ bánh chưng bà Lành luộc trong khoảng từ 8-12 tiếng.

Cái tâm luôn đặt lên hàng đầu

Cứ thế, bà Lành bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về các công đoạn gói bánh mà bà vẫn thường làm. Bà nói, để có một nồi bánh đạt chuẩn người làm ra nó cần đặt cả tâm huyết và tấm lòng vào từng chiếc bánh. Việc luộc bánh cũng đòi hỏi phải hết sức cẩn thận, bởi nếu không thì mẻ bánh sẽ chín không đều thậm chí là hỏng.

Tiếp lời vợ, ông Mạc Đình Tiền (80 tuổi) nhắc về những kỷ niệm thức trông nồi bánh chưng trong ngày Tết: “Ngày còn nhỏ tôi thường được bố mẹ giao cho việc cùng các anh chị trong nhà thức canh nồi bánh. Khi ấy, bố mẹ thường cho chúng tôi xôi, chè và kẹo để ngồi trông bánh. Giờ nhớ lại những chuyện này thấy đó là kỷ niệm, ký ức đẹp. Bây giờ, trẻ con ít có cơ hội được trải nghiệm cảm giác thức thâu đêm trông bánh như ngày xưa, nhưng các cháu của tôi thì chúng vẫn háo hức được cùng người lớn quây quần bên nồi bánh chưng mỗi khi đến Tết”.

Bà Lành xếp ngay ngắn vào nồi luộc bánh.

Bà Lành xếp ngay ngắn vào nồi luộc bánh.

Ông Tiền bảo, cứ mỗi khi bếp lửa hồng bập bùng cũng là lúc mọi người quây quần bên nhau nghe bà Lành hát ca trù, bởi ngoài khéo tay bà Lành còn là “cây văn nghệ” của làng. Những câu hát chầu văn bên nồi bánh của bà cứ thế ngân vang khiến cho khoảng thời gian nấu bánh như ngắn dần.

“Vào những dịp Tết Nguyên đán, vợ chồng tôi và những người thợ phải phân chia nhau ngủ và thức trông bánh. Thậm chí, có ngày tôi và bà nhà tôi còn chẳng kịp ngả lưng vì công việc tất bật. Dù mệt, vất vả nhưng chúng tôi không hề kêu than, cố gắng làm hết trách nhiệm để mang đến cho khách những mẻ bánh ngon và ưng ý nhất”, ông Tiền cho biết thêm.

Mỗi khi hoàn thành xong một chiếc bánh chưng là bà Lành thấy vui.

Mỗi khi hoàn thành xong một chiếc bánh chưng là bà Lành thấy vui.

Nghề làm bánh chưng truyền thống ở Lỗ Khê có từ khi nào, ngay cả đến các bậc cao niên trong làng cũng không nhớ được, chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì nghề này đã có rồi. Cứ vậy, người đi trước truyền lại cho người đi sau và nghề gói bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, bản sắc riêng của người dân làng Lỗ Khê mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Cho đến nay, bánh chưng làng Lỗ Khê đã bay khắp bốn phương trời, những người con đất Việt đang sống và làm việc tại: Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Đức... có dịp về thăm quê hương là tìm đến Lỗ Khê mua ít bánh mang đi.

Tôi xa quê hương đã lâu, nhưng mỗi dịp Tết Nguyên đán là tôi lại về thăm họ hàng, thấy mọi người truyền tai nhau bánh chưng Lỗ Khê, không giống bánh chưng mua ngoài chợ nên tôi mua ăn thử. Đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua, năm nào tôi cũng đặt bằng được, vừa để thưởng thức và cũng để giới thiệu với bạn bè nơi tôi đang sinh sống về bánh chưng cổ truyền của Việt Nam”, chị Nguyễn Thị Thương chia sẻ.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/trang-dem-tai-ngoi-lang-nau-banh-chung-nuc-tieng-ha-thanh-a358640.html