Trang điểm đến từng hạt bụi

'Trang điểm đến từng hạt bụi'! Đây là một câu thơ hay của cụ Tam Anh Trần Bương, mà mỗi khi nhìn cảnh quê vào tết, lại bỗng nhớ đến câu ấy một cách lạ kỳ!

Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ

Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ

Những hạt bụi quê khi là bồ hóng trên gác bếp, khi là bủn ngoài ngõ nhỏ, khi là mồ hôi đọng trên cổ áo…

Từ giữa tiết thu, hạt bụi trên gác bếp đã chuyển mình qua chùm hoa vạn thọ khô quắt queo, theo tay cha ra vườn rải vào đất xốp, để rồi mươi ngày sau được nhú mầm “hé mắt” chào đời giữa những ngày gió mưa rả rích, se lạnh cuối thu đầu đông. Cứ thế, rò vạn thọ lớn lên, được tách ra trồng từ dọc ngõ vào sân, từ quanh thềm giếng, từ bên chái hiên nhà…

Những hàng vạn thọ từng ngày lớn lên, và những ngày áp tết, ngay chiếc lá cũng thơm lừng, quấn quýt… Mùi thơm ấy không dễ gì có được. Từ chùm hoa giống ám bồ hóng quắt queo trên chái bếp, đến vạt đất ươm mầm, rồi cuộc hành trình qua ba mùa từ cuối thu sang đông để đến khi kịp tết. Tuổi thơ ngóng tết thường không quan tâm đến thời gian, mà chủ yếu được khơi dậy từ những thay đổi của không gian xung quanh, đặc biệt là hoa vạn thọ.

Nhiều khi đang đông, trời bật lên vài ngày nắng, thế là những cây hoa sung sức cũng bật hoa đón nắng. Điều đó tạo ra một sự háo hức lạ kỳ, ngỡ tết đang mấp mé ngoài ngõ, sắp sửa vào sân. Lại tiếp tục mong, tiếp tục hít hà những nụ hoa chưa nở. Có thắc thỏm, có mong mỏi thì giá trị của niềm vui càng dồn nén mãnh liệt. Và, từng ngày, từng ngày, đôi hàng vạn thọ dần trở nên sum suê hoa lá.

Ồ, tết đang về. Mùa xuân đang về! Ngày tất niên, ba mươi tết, có thể hăm chín, sau khi cúng quải xong, làm gì thì làm, nhìn trong nhà nếu chưa có chậu hoa vạn thọ tươi tắn cạnh bàn… là vẫn còn thiếu vắng bóng dáng một cái tết trọn vẹn.

Quanh năm, gì chứ hành ngò ớt tỏi có gì lạ mà phải… rộn chuyện? Đúng là không lạ chút nào trong bữa ăn hàng ngày. Điều đáng nói là những loại rau ấy thường từ chợ mua về, không phải từ vườn nhà mọc lên.

Cho nên chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt. Ngược lại, rau từ vườn nhà nhú lên từng ngày, xanh rì thẳng tắp từng vạt, từng luống, nhìn đã mắt, mát mẻ trong lòng. Những luống rau báo hiệu những thay đổi tinh tế của tiết trời, ngày tháng.

Rau càng lớn, nắng càng ấm dần lên, để rồi một ngày, trong bữa cơm tháng Chạp, chén mắm ngò thơm tuy đơn sơ mà quyến rũ lạ kỳ. Một mùi thơm vừa quen thuộc vừa bồn chồn, không giống với mọi ngày.

Mùi thơm như nồng nàn trong gió, thoảng từ vườn, tan vào nắng, đọng lại trên bát cơm. Không phải cao lương mỹ vị gì mà ngon miệng lạ! Dù có hững hờ cách mấy cũng bỗng nghe rạo rực: khứu giác và vị giác ta đang nếm tết đến gần. Gần quá rồi. Chén mắm ngò cứ thơm lên từng ngày, từng ngày…

Năm nào cũng vậy, mảnh vườn cằn cỗi của mẹ cũng đáp lại công lao của người bằng những vồng khoai kịp tết. Để có những vồng khoai ấy, mẹ chuẩn bị từ mấy tháng trước, khi trời chuyển sang đông, đất ẩm.

Công việc cuốc đất - vun vồng chẳng mấy nhẹ nhàng gì luôn được tôi - một chú học trò tay chân lóng ngóng - đảm nhận! Hì hụi cả ngày chỉ được 5-6 vồng hơn chục thước, phải mất vài ngày mới xong mảnh vườn.

Những ngày này đối với tôi, mảnh vườn sao mà rộng quá! Tuy mệt nhưng khi từng vồng đất được vun lên, khu vườn có một vẻ khang khác, mới mẻ hẳn lên, không còn cỏ dại mọc lia chia cao quá đầu gối. Tôi cứ ngắm đi ngắm lại mãi “công trình” của mình và thấy khoan khoái lắm.

Đến khi trồng khoai, mẹ dứt khoát không cho tôi làm. Khoai từ để nguyên, còn khoai mài, khoai tím giống được xắt cẩn thận, ướp tro bếp cho ráo nhựa, xong mẹ đặt từng lát khoai vào lòng đất xốp, chờ ngày nảy mầm... Sau đó lại tiếp tục chặt tre gai cắm chái, nhiều khi tay bị xước, da bị cào mà vẫn thấy nhen nhóm niềm vui!

Nhưng vui nhất phải nói là tháng dỡ khoai, tức tháng Chạp rộn ràng của mọi người. Mới đầu vì chưa biết, tôi cứ chọn mấy vồng có lá xanh tốt mà đào, mới hay củ chỉ bé tí tẹo. Sau đó tôi vỡ lẽ rằng những vồng dây khoai cằn cỗi, ít lá luôn là những vồng có khả năng thu hoạch lớn.

Những cái tết ở quê thường đến mỗi nhà một cách trực tiếp từ bàn tay người tạo ra, khác với tết ở thành thị thường từ mua sắm mà có.

Ai từng sống ở làng quê mà không nhớ những nong, nia, giần, sàng được “huy động” lên các mái tranh, mái ngói hoặc lên mấy giàn bầu giàn bí trên sân; trong các vật dụng ấy đong đầy mứt gừng, bánh in, cốm nếp, bánh thuẫn, rim dừa... đón nắng về hong.

Nắng miên man trong gió trưa, râm ran trên lá biếc, nắng lặn vào rim mứt ngày xuân cho nồng nàn tháng Chạp. Nắng hong ráo mật đường nơi những bánh cốm vuông vuông, làm kết dính từng hạt bột rang trắng mịn cho chắc hình chắc khối. Khi bẻ ra, hương đường, hương nếp hòa hương nắng nhẹ thơm...

Những ngày mưa phùn hơi dai làm ẩm ướt không gian, lại là những ngày ta cảm nhận rõ hơn về hương nắng quanh mình. Nếu không có mùi ngai ngái của lá mục, mùi ẩm mốc của củ kiệu dưa hành phơi dở ngày mưa, chắc cũng khó lòng cảm nhận hương thơm của nắng từ chiếc bánh tráng nướng vàng.

Khi gặp trời râm phải hong gió, bánh vẫn khô nhưng không giòn, ta nướng bánh chín mà vẫn còn thấy dai dai sường sượng, chẳng đậm đà hương vị chút nào. Khi ấy lại nhớ nắng, nhớ những ngày qua chưa thật đẹp trời, chưa thật đẹp lòng người để niềm vui trọn vẹn.

Những hạt bụi quê, những giọt nắng quê vừa cũ càng gần gũi hằng ngày, lại vừa mới mẻ tinh khôi mỗi khi xuân về tết đến. Phải chăng đây là hồn quê thân thuộc tự bao đời?

HUỲNH VĂN QUỐC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325381/trang-diem-den-tung-hat-bui.html