Tràng Định: Cần khẩn trương khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tràng Định mặc dù chưa có quyết định công bố dịch bệnh tả lợn nhưng đây là là địa bàn có diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phức tạp; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trên địa bàn huyện đang nhiều nhất so với các huyện xuất hiện bệnh dịch. Mặc dù đã triển khai một số giải pháp nhằm khống chế các ổ bệnh DTLCL, nhưng đến thời điểm hiện tại, các ổ bệnh DTLCP trên địa bàn huyện Tràng Định vẫn đang tiếp tục lây lan.

Ổ bệnh DTLCP xuất hiện đầu tiên tại thôn Đại Nam, xã Đại Đồng từ ngày 12/5/2023, sau đó tiếp tục lây cho 5 hộ cùng thôn. Theo chia sẻ của bà Lục Thị Biển – chủ hộ nuôi phát sinh ổ bệnh tại thôn Đại Nam, gia đình đi mua con giống ở chợ về để tăng đàn, nhưng do lợn giống mới mua mang mầm bệnh nên đã lây bệnh cho 50 con của đàn cũ và lây lan cho đàn lợn của một số hộ cùng thôn.

Đến thời điểm 26/6/2023, riêng xã Đại Đồng đã xuất hiện ổ bệnh DTLCP tại 61 hộ của 11 thôn với 256 con lợn, tổng trọng lượng 8.295kg buộc phải tiêu hủy. Từ đó đến hết 11/7/2023, trên địa bàn huyện Tràng Định đã có 193 hộ tại 41 thôn của 10 xã xuất hiện ổ bệnh DTLCP, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 887 con, với tổng trọng lượng hơn 48.509kg.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định cho biết: Để kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch phát sinh mới, từ cuối tháng 5/2023 đến nay, chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn đã triển khai một số biện pháp. Cụ thể, trung tâm chủ động tham mưu UBND huyện và phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã có ổ bệnh huy động phương tiện, vật tư, nhân lực để tổ chức rà soát, lấy mẫu kiểm tra, tổ chức thực hiện tiêu hủy lợn bệnh theo quy định, đồng thời cung ứng khoảng 350 lít hóa chất để thực hiện phun khử trùng chuồng trại có lợn bị bệnh, cũng như phun khử trùng khoanh vùng khu vực lân cận… nhằm bao vây khống chế các ổ bệnh.

Tìm hiểu được biết, từ khi xuất hiện ổ bệnh DTLCP đầu tiên, các phòng chuyên môn và chính quyền xã có ổ bệnh dịch trên địa bàn huyện Tràng Định đã triển khai các biện pháp nhằm khống chế, ngăn chặn các ổ bệnh DTLCP lây lan. Tuy vậy, điều quan ngại nhất là các ổ bệnh DTLCP trên địa bàn đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được khống chế, không những vậy, vào 8/7, ổ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh tại xã Quốc Việt (5 thôn, 12 hộ, tiêu hủy 32 con lợn, trọng lượng gần 2.300kg), và đến chiều 10/7 lại có thêm ổ bệnh tại xã Tân Minh (5 hộ, với 12 con lợn phải tiêu hủy, trọng lượng hơn 910kg).

Trao đổi nhanh với ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, được biết, hiện huyện vẫn chưa ra quyết định công bố dịch bởi qua họp bàn nhận thấy có thể khoanh vùng, ngăn chặn và không chế được các ổ bệnh DTLCP lây lan. Hiện UBND huyện đã ban hành một số văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, thị trấn triển khai các biện pháp nhằm xử lý các ổ bệnh DTLCP. Trong đó trọng tâm thời điểm này là thực hiện giám sát diễn biến của bệnh DTLCP; tuyên truyền các hộ chăn nuôi trong khu vực thôn đã phát sinh ổ bệnh thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đặc biệt là cẩn trọng thực hiện khử trùng trước khi ra, vào khu vực chuồng trại; không thực hiện tái đàn và không vận chuyển lợn ra, vào khu vực phát sinh ổ bệnh…

Mặc dù vậy, theo tình hình thực tế và cũng theo kết quả kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì công tác phòng, chống bệnh DTLCP của huyện Tràng Định còn nhiều hạn chế.

Cán bộ thú y thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định

Cán bộ thú y thực hiện phun khử trùng chuồng nuôi tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Qua kiểm tra về công tác phòng, chống bệnh DTLCP của huyện Tràng Định, thì bệnh DTLCP trên địa bàn huyện đang có chiều hướng lây lan nhanh. Nguyên nhân là công tác chống dịch còn chưa được quyết liệt; việc huy động lực lượng hỗ trợ hộ chăn nuôi trong công tác tiêu hủy lợn bị bệnh và thực hiện bước chống dịch vẫn hạn chế; việc phun tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh hạn chế việc phát tán và lây lan chưa thực hiện có hiệu quả;…

Từ thực tiễn đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đề nghị UBND huyện Tràng Định tập trung chỉ đạo để sớm khống chế được các ổ bệnh DTLCP. Trong đó, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đang có các ổ bệnh DTLCP cần huy động các lực lượng tham gia công tác chống dịch DTLCP; đặc biệt, cần thành lập đoàn kiểm tra cấp huyện về công tác phòng, chống DTLCP; phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền các xã, thị trấn phải triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm các ổ bệnh dịch, cũng như khoanh vùng, khống chế, kiểm soát bệnh dịch. Nếu như ổ bệnh tiếp tục lây lan nhanh và ra diện rộng thì UBND huyện Tràng Định vào thời điểm này cần chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn bố trí, tổ chức lực lượng giám sát dịch bệnh ngay từ các thôn, cao hơn là thành lập chốt kiểm soát lưu động ở những vùng bị bệnh dịch uy hiếp, vùng đệm. Từ đó phát hiện sớm các ổ bệnh để có giải pháp xử lý, bao vây ổ bệnh dịch kịp thời.

Từ 12/5 đến hết ngày 11/7/2023, trên cả 10 xã của huyện Tràng Định vẫn liên tiếp phát sinh ổ bệnh mới. Điều này cho thấy, diễn biến DTLCP trên địa bàn huyện Tràng Định đang phức tạp, nếu không nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp để nâng cao khả năng phòng, chống và xử lý nhanh chóng, kịp thời các ổ bệnh DTLCP thì nguy cơ các ổ bệnh bùng phát thành dịch là rất lớn.

LƯU VŨ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/596410-trang-dinh-can-khan-truong-khong-che-benh-dich-ta-lon-chau-phi.html