Tràng Định: Nỗ lực tuyên truyền, vận động giảm sinh con thứ ba

Nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, thời gian qua, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện Tràng Định đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó, công tác tuyên truyền được xác định là giải pháp trọng tâm, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Cán bộ chuyên trách dân số xã Đào Viên, huyện Tràng Định tuyên truyền, phát tờ rơi về DS-KHHGĐ cho người dân

Cán bộ chuyên trách dân số xã Đào Viên, huyện Tràng Định tuyên truyền, phát tờ rơi về DS-KHHGĐ cho người dân

Tràng Định là huyện biên giới của tỉnh gồm 22 xã, thị trấn với trên 15.100 hộ, 64.500 nhân khẩu. Từ năm 2020 đến nay, trong khi một số huyện như: Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình… có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên thường xuyên biến động ở mức cao (khoảng 20%) thì Tràng Định là 1 trong 3 huyện luôn duy trì tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở mức dưới 10%, năm 2023 là 7,6% (giảm 1,7% so với năm 2022) và là huyện có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên thấp nhất toàn tỉnh.

Chị Trần Thị Nhâm, cán bộ chuyên trách dân số xã Đào Viên cho biết: Để hạn chế sinh con thứ ba trở lên, chúng tôi chú trọng tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ đến các đối tượng như hộ nghèo, hộ sinh con một bề; vận động người dân chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai để không “lỡ kế hoạch”. Qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã không có trường hợp sinh con thứ ba trở lên.

Không chỉ xã Đào Viên, từ năm 2023 đến nay, một số xã như: Đoàn Kết, Đào Viên, Cao Minh, Chí Minh, Khánh Long, Tân Yên… cũng không có trường hợp sinh con thứ ba trở lên.

Để có được kết quả trên, Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp giảm sinh con thứ ba trở lên trên toàn huyện. Ông Ngô Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện cho biết: Xác định hệ lụy của việc gia tăng tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện đưa các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền như: phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, hội viên nêu gương, không sinh con thứ ba trở lên; chỉ đạo đội ngũ làm công tác dân số đẩy mạnh tiếp thị xã hội các biện pháp tránh thai hiện đại, tích cực tuyên truyền đến người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa về giảm sinh con thứ ba trở lên; duy trì các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số… Qua đó nhằm từng bước thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về giảm sinh con thứ ba trở lên.

Theo đó, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế ở các thôn trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, lồng ghép qua các buổi khám, tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế, lồng ghép tư vấn tại các buổi họp thôn;... Từ năm 2023 đến nay, đội ngũ làm công tác dân số toàn huyện tuyên truyền được gần 450 cuộc cho trên 18.000 lượt người nghe; đến thăm trực tiếp 4.800 gia đình để tuyên truyền, vận động sinh đủ 2 con; phát trên 15.000 tờ rơi các loại; cấp phát gần 30.000 phương tiện tránh thai như bao cao su, thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm tránh thai… cho người dân; tổ chức nói chuyện chuyên đề và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các xã có mức sinh cao, xã khu vực III được 15 buổi cho hơn 770 người; duy trì sinh hoạt 22 câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba, giúp nhau làm kinh tế giỏi”.

Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp trên đã góp phần thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trên địa bàn huyện. Hiện nay, nhiều gia đình dù sinh con một bề là gái nhưng đã xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, lựa chọn dừng lại ở hai con để nuôi và dạy cho tốt. Chị Nông Thị Nga, người dân thôn Đại Nam, xã Đại Đồng chia sẻ: Dù sinh hai con là gái nhưng vợ chồng tôi nhận thấy trai, gái không quan trọng, quan trọng là các con được sống và học tập trong điều kiện như thế nào. Vì vậy, vợ chồng tôi đã quyết định không sinh thêm con, thay vào đó dồn lực vào phát triển kinh tế gia đình và chăm sóc các con thật tốt.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện Tràng Định sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách về DS-KHHGĐ để giảm sinh con thứ ba trở lên cũng như các chỉ tiêu khác như: giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tầm soát, chẩn đoán điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh… để nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/trang-dinh-no-luc-tuyen-truyen-van-dong-giam-sinh-con-thu-ba-5011518.html