Trang đời mới cho những trẻ kém may mắn: Trao đi yêu thương, nhận lại hạnh phúc

Người chăm sóc luôn cảm nhận được tình cảm từ những đứa trẻ mà họ trực tiếp ẵm bồng, nuôi dạy mỗi ngày

Chiều cuối tuần, chúng tôi tìm đến Cơ sở bảo trợ xã hội Mai Ân (thường gọi là Mái ấm Mai Ân, thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp) ở hẻm 523A Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM. Hơn 19 giờ, sau cánh cổng mái ấm này là những căn phòng sáng trưng ánh đèn, tiếng trẻ ê a học bài.

Chở che những phận đời bất hạnh

Thấy có khách đến thăm, các em nhỏ rất vui mừng, đứng dậy lễ phép khoanh tay chào. Em nào cũng muốn được chúng tôi hỏi thăm, chụp ảnh. Trước những câu hỏi của người lớn, các em đều trả lời nhỏ nhẹ, mở đầu câu nói lúc nào cũng bằng tiếng "dạ".

Nhìn các bé vui cười hồn nhiên, ít ai biết rằng trước khi đặt chân đến mái ấm, các em đều chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Có em bị chính mẹ ruột vứt bỏ, em thì chỉ trong một ngày đã trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em khi đến với mái ấm đã cận kề với cái chết…

T.H cùng 4 anh trai vào sống ở mái ấm từ năm 2016. Ba mẹ các em bị chết đuối trong một lần đi đánh cá. 5 đứa trẻ đáng thương được đón về Mái ấm Mai Ân trong vòng tay yêu thương của các nữ tu. Hiện tại, anh lớn nhất của H. đã có công việc ổn định và đưa các em ra ngoài sống. Riêng H. còn quá nhỏ nên được gửi lại mái ấm để các nữ tu chăm sóc. Những dịp lễ - Tết, các anh của H. lại về mái ấm thăm em, thăm các nữ tu. Từ lâu, nơi đây đã trở thành gia đình, là chốn quay về.

Nữ tu Dương Thị Anh Thảo, Giám đốc Mái ấm Mai Ân, dẫn chúng tôi sang thăm phòng của trẻ sơ sinh. Tại đây có 3 nữ tu đang túc trực để trông nom các bé. Dừng lại bên nôi một bé trai tầm hơn 1 tháng tuổi, nữ tu Dương Thị Anh Thảo kể: "Cháu này mới vào mái ấm hơn 1 tuần nay. Buổi trưa hôm đó, có một phụ nữ đến mái ấm xin gạo. Khi tôi mang gạo ra thì không thấy cô ấy đâu nữa, chỉ thấy trong sân có một giỏ xách. Tôi mở ra thì thấy cháu bé này…".

Giờ học bài buổi tối tại Mái ấm Mai Ân

Giờ học bài buổi tối tại Mái ấm Mai Ân

Những tấm lòng vàng

Nữ tu Trần Thị Đào đã có hơn 5 năm gắn bó với Mái ấm Mai Ân. Cô nói thật hạnh phúc khi được mang trên mình sứ mệnh chăm sóc, yêu thương, bù đắp tình cảm cho những đứa trẻ kém may mắn. "Các bé thương chúng tôi lắm, có chuyện buồn vui gì cũng tâm sự. Vào những dịp đặc biệt, các bé còn viết thư cho chúng tôi. Trong những lá thư ấy, các bé bày tỏ tình thương dành cho chúng tôi, rồi xin lỗi vì những lần không nghe lời…" - nữ tu Trần Thị Đào kể, ánh mắt chan chứa yêu thương.

Mái ấm Mai Ân được thành lập từ năm 2014. Suốt 10 năm qua, mái ấm đã chở che, nuôi dưỡng rất nhiều phận đời bất hạnh.

Hiện mái ấm đang nuôi dưỡng 32 trẻ, trong đó có 16 trẻ dưới 4 tuổi và 16 trẻ trên 5 tuổi. Các em đều được đi học như bạn bè cùng trang lứa. 12 nữ tu thay phiên nhau chăm lo cho các bé.

"Chúng tôi tự nguyện đi tu và đến với mái ấm cũng vậy. Để đến đây, chúng tôi phải xung phong, được Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp lựa chọn, cử đến mái ấm làm việc nhưng quan trọng hơn, trong mỗi người phải đầy nhiệt huyết, có khát khao được chăm sóc, yêu thương những mảnh đời kém may mắn.

Dù vậy, chúng tôi vẫn là những con người và có những giới hạn của riêng mình. Trẻ em rất hiếu động, nhiều khi không nghe lời nên sẽ có lúc chúng tôi không tránh khỏi những áp lực" - nữ tu Dương Thị Anh Thảo nói.

Để tránh những cảm xúc tiêu cực, các nữ tu luôn dành thời gian để tĩnh tâm, soi xét lại bản thân; soi xét lại mối quan hệ giữa mình với những người xung quanh. Họ cũng nhắc nhở nhau trau dồi kiến thức chăm sóc, nuôi dạy trẻ, nhất là các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế.

"Có lúc trẻ khóc cả đêm, không chịu ngủ. Lúc đó, tôi rất "giận" bé nhưng không biết phải làm sao. Lúc đó, một tay bế bé, một tay tôi tự đánh vào chân mình để "xả cơn giận" - nữ tu Dương Thị Anh Thảo tâm sự.

Kể về trường hợp bé P.N.T.T, nữ tu Dương Thị Anh Thảo cho biết T. được người dân phát hiện khi bị bỏ tại một nhà thờ trên địa bàn phường 16, quận Gò Vấp. Khi đó, dây rốn vẫn chưa đứt. Vì bé quá yếu, có thể không qua khỏi, nên bác sĩ khuyên nên đưa bé về. Chưa kể, viện phí phải đóng là 40 triệu đồng.

Xót xa cho hoàn cảnh của P.N.T.T, bằng tình yêu thương, nữ tu Dương Thị Anh Thảo đã đóng viện phí và cầu xin bác sĩ tiếp tục cứu chữa. "Còn nước còn tát. Cơ hội sống dù mong manh nhưng tôi vẫn quyết giành lại cho bé. Và rồi 2 tháng sau, bác sĩ thông báo "phép mầu" đã xuất hiện. Bé T. hồi phục và phát triển như một đứa trẻ bình thường. Nhìn bé lớn lên khỏe mạnh mỗi ngày, tôi thật sự hạnh phúc" - nữ tu Dương Thị Anh Thảo xúc động kể lại.

Vào dịp cuối tuần, anh Nguyễn Thiên Hải thường đưa các em nhỏ tại Mái ấm Ánh Sáng tham gia các hoạt động vận động ngoài trời. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nơi đầy ắp tiếng cười

Hơn 11 giờ trưa, căn nhà cuối hẻm 80 Trần Quang Diệu, phường 14, quận 3, TP HCM rộn ràng tiếng cười đùa của hơn 20 đứa trẻ. Đây là Mái ấm Ánh Sáng (thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP HCM) - ngôi nhà của 23 trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Mái ấm được thành lập với mục đích ban đầu là hỗ trợ chỗ ăn, ở cho trẻ lang thang mưu sinh tại khu vực quận 3. Sau này, đối tượng hỗ trợ của mái ấm được mở rộng hơn, hỗ trợ cả những trẻ kém may mắn. Tại đây, các em được chăm sóc chu đáo, được đi học đến khi tốt nghiệp, tìm được công việc ổn định.

Trong 30 năm hoạt động của Mái ấm Ánh Sáng, anh Nguyễn Thiên Hải - phụ trách mái ấm - đã có 27 năm gắn bó với nơi này.

"Tôi là người từ vùng quê nghèo lên TP HCM học tập rồi làm việc. Có thể vì vậy mà đồng cảm với những trẻ sống lang thang, xa nhà, xa quê hương, không có cha mẹ bên cạnh.

Điều duy nhất có thể khiến tôi gắn bó lâu dài với mái ấm này chỉ là tình yêu thương. Nếu tôi không có tình cảm với các bé và các bé không dành tình cảm cho tôi, có lẽ tôi đã không gắn bó với nơi này lâu đến như vậy" - anh Hải chia sẻ.

Niềm vui của anh Hải là cứ trưa 30 Tết, các em đã trưởng thành từ mái ấm tề tựu về, quây quần bên mâm cơm tất niên. Có người còn đưa cả vợ con về, xem đây như gia đình của mình. Bởi tại mái nhà chung này, các em được bao bọc, dạy dỗ bằng tình yêu thương để trưởng thành và cống hiến cho đời.

Như N.A.T (17 tuổi) vào sống tại Mái ấm Ánh Sáng từ năm 12 tuổi. Hiện T. như là anh cả của các bé ở đây. Buổi sáng, T. sửa soạn quần áo cho các em đi học; buổi trưa thì phụ dọn cơm cho các em ăn; đến tối, phụ cho các em tắm rửa, đi ngủ.

"Lúc trước, em vào đây được các anh lớn chăm sóc như thế nào thì bây giờ em chăm sóc lại các em nhỏ hơn như vậy. Tụi em ở đây xem nhau như anh em ruột, chú Hải như ba mình.

Ở đây tụi em được chăm lo đầy đủ, luôn có chú Hải và các bạn giúp đỡ, động viên nhau. Các anh chị sinh viên cũng thường đến đây giao lưu, chơi cùng tụi em. Cuối tuần nào chú Hải cũng đưa tụi em đi đá bóng, bơi lội, tham gia các hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh niên... Nói chung, ngày nào ở đây cũng rộn tiếng cười" - T. tâm sự.

Bài và ảnh: LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trang-doi-moi-cho-nhung-tre-kem-may-man-trao-di-yeu-thuong-nhan-lai-hanh-phuc-196240914190201867.htm