Trang Foreign Affair Asia: Việt Nam nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng IUU
Trang Foreign Affair Asia ngày 9/7 đã đăng tải bài viết nhận định Việt Nam đang rất nỗ lực ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (gọi tắt là IUU) để giành được cơ hội lớn hơn trong các thỏa thuận xuất khẩu thủy sản trong tương lai.
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn bài viết trên cho biết đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Về biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) đến năm 2025. Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực chống IUU từ cấp địa phương tới trung ương và hợp tác quốc tế. Việt Nam nhấn mạnh việc hợp tác với Ủy ban châu Âu (EC) đóng vai trò trọng yếu để gỡ bỏ thẻ vàng IUU. Giống như bất kỳ quốc gia nào khác liên quan đến quản lý tài nguyên đại dương, Việt Nam sẽ làm tốt việc tăng cường ủy quyền quản lý thủy sản phòng ngừa và các nỗ lực quản lý cơ sở, cũng như giám sát và thực thi thích hợp như một phần của chiến lược kiểm soát đánh bắt cá của IUU. Việt Nam cũng giải quyết khung pháp lý và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhằm theo dõi, truy xuất nguồn gốc hải sản và tăng cường thực thi các quy định pháp luật về biển.
Theo bài báo, ở cấp độ thấp hơn, 28 tỉnh duyên hải đã thành lập Ủy ban chống khai thác IUU để giám sát và kiểm tra các hoạt động đánh bắt cá. Các tàu cá ra vào cảng biển bắt buộc phải nộp báo cáo về hàng hóa, nguồn gốc của sản phẩm và nhật ký tàu. Để quản lý hải sản đánh bắt, Việt Nam bắt đầu thiết lập hạn ngạch trong vùng lãnh hải của mình. Điều này giúp quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên hải sản và phát triển bền vững. Đồng thời, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng khuyến nghị ngư dân địa phương tuân thủ các quy định của pháp luật theo cảnh báo thẻ vàng IUU và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tàu cá theo luật.
Tác giả nhấn mạnh với những nỗ lực ngăn chặn nạn đánh bắt cá vi phạm IUU, Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia trong và ngoài khu vực trong thực hiện các biện pháp này. Việt Nam đã cử một số đoàn công tác làm việc với các quốc gia và các quốc đảo Thái Bình Dương để trao đổi thông tin và thúc đẩy hợp tác nghề cá. Điều này đã giúp các tàu cá Việt Nam tuân thủ quy định đánh bắt cá tại vùng biển của các quốc gia này, qua đó giảm thiểu số tàu cá liên quan tới hoạt động đánh bắt cá trái phép.
Bài báo cho biết Việt Nam cũng ký các bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác song phương trong lĩnh vực nghề cá và có các cuộc họp thường niên với Philippines, Brunei, Campuchia và Thái Lan. Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng với Australia, Trung Quốc, Philippines, cơ chế hợp tác với lực lượng chấp pháp biển Malaysia (8/2019) và đàm phán với Thái Lan, Campuchia, Brunei, Indonesia, Papua New Guinea và Palau.
Bài viết cũng đề cập đến hai kế hoạch mới trong nỗ lực ngăn ngừa IUU của Việt Nam là Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Kế hoạch 5 năm với các mục tiêu để kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả các hoạt động khai thác IUU và việc tàu cá tìm cách cập cảng và sử dụng các cảng của Việt Nam để trung chuyển hải sản.
Theo tác giả, những động thái này diễn ra trong bối cảnh vai trò nổi bật của Việt Nam trong năm 2020 với tư cách Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các mối quan hệ giữa Việt Nam và EC được nâng cấp khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được ký kết.
Trước đó, hồi tháng 10/2017, EC đã rút thẻ vàng IUU đối với Việt Nam do những hạn chế của Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá vi phạm IUU. Tuy nhiên, sau chuyến thị sát lần thứ 2 tại Việt Nam từ ngày 5 - 14/11/2019, đoàn thanh tra của EC do bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững của EC, làm trưởng đoàn, đã công nhận những tiến bộ gần đây của Việt Nam trong ngăn chặn vấn nạn IUU. Trong công thư gửi Tổng cục Thủy sản ngày 19/12/2019, đoàn thanh tra của EC ghi nhận sự phối hợp tốt, tính minh bạch và trung thực trong cung cấp và trao đổi thông tin trong thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam. Đoàn khẳng định Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ so với lần thị sát đầu tiên vào tháng 5/2018 và đang đi đúng hướng trong việc áp dụng Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn.
Bài báo nhận định với những nỗ lực hiệu quả của mình, Việt Nam có thể sớm nhận được thẻ xanh từ EC và xuất khẩu thủy sản của quốc gia Đông Nam Á này tới EU và Mỹ sẽ sớm được nối lại.