Trang mạng Modern Diplomacy đánh giá cao vai trò Chủ tịch của Việt Nam

Bài viết trên Modern Diplomacy cho rằng Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc đánh giá toàn diện các cơ chế của khối, đồng thời xem xét các tài liệu liên quan đến kế hoạch chi tiết của Cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trang mạng Modern Diplomacy chuyên phân tích và bình luận các vấn đề quốc tế ngày 10/11 đăng bài viết đánh giá tổng quan sự thể hiện của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ý nghĩa của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với khu vực trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.

Theo bài viết, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN khi tổ chức này đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến hòa bình và an ninh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cả nhu cầu vạch ra tương lai để phát triển khu vực như một cộng đồng ASEAN.

Trong 11 tháng qua, ASEAN đã làm việc tích cực nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với các đối tác đối thoại, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như phối hợp các cuộc họp giữa ASEAN và Nhật Bản, hầu hết đều ở hình thức trực tuyến.

Đáng chú ý, chương trình nghị sự của ASEAN trong năm 2020 được đề ra dưới sự chủ trì của Việt Nam và có những thách thức liên quan đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế, cũng như xây dựng các giao thức chung trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và chia sẻ thông tin liên quan đến các biện pháp đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên thực tế, trong cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN, nhiều vấn đề từng được thảo luận trong quá khứ đã được nêu trở lại và đạt được đồng thuận chung. Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 9/2020 nhấn mạnh cần củng cố tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2020 và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các hình thức đa phương mới ở khu vực.

Bài viết cho rằng Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc đánh giá toàn diện các cơ chế của khối, đồng thời xem xét các tài liệu liên quan đến kế hoạch chi tiết của Cộng đồng ASEAN.

Khía cạnh quan trọng nhất được Việt Nam nhấn mạnh là phát triển nỗ lực tập thể chống lại đại dịch COVID-19 và thành lập các nhóm phối hợp để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. ASEAN đã nhìn nhận các thách thức hậu COVID-19, từ đó cân nhắc thực hiện khuôn khổ phục hồi toàn diện cũng như một kế hoạch thực hiện có thời hạn.

Điều này nhấn mạnh nhu cầu hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine thông qua các mạng lưới chuỗi cung ứng để ngày càng nhiều người dân Đông Nam Á có thể được bảo vệ khỏi đại dịch này trong tương lai.

Nội dung mà Việt Nam tập trung xem xét là làm cách nào để tạo thuận lợi thương mại và loại bỏ các biện pháp phi thuế quan không cần thiết nhằm phục hồi nguồn cung, cũng như ứng phó với các thách thức mới như an ninh lương thực, ổn định tài chính và các vấn đề liên quan đến năng lượng một cách gắn kết.

Một trong những cuộc họp sớm nhất mà Việt Nam tiến hành là trong khuôn khổ Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) tổ chức tại Lào, ghi nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình COVID-19, đồng thời nêu rõ đoàn kết và thống nhất trong ASEAN là cần thiết để ngăn chặn và đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch. Việt Nam cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của đại dịch và tầm quan trọng của việc tạo đồng sự thuận trong các vấn đề này.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã triển khai tốt nhu cầu hợp tác với các đối tác đối thoại ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan.

Theo báo viết, ngay cả trước các cuộc họp của ACC vào tháng 1/2020, các vấn đề về ổn định và thịnh vượng cũng như giải quyết các thách thức đang nổi lên ở Biển Đông đã được đưa ra thảo luận.

Dù một trong những khó khăn lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong năm qua là tiến hành các hội nghị trực tuyến và nâng cao sự hiểu biết giữa các quốc gia thành viên ASEAN, song tại các cuộc họp, Việt Nam đã giải quyết rất khéo léo các khía cạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đánh giá triển vọng kinh tế khu vực trong bối cảnh cách mạng 4.0.

Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và bày tỏ sự tin tưởng rằng nhiều quốc gia ngoài khu vực sẽ tham gia TAC.

Bài viết nêu rõ các sáng kiến chính mà Việt Nam đã thực hiện gồm hợp tác hiệu quả hơn về vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, an ninh công cộng và phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN.

Nhận thức được nhu cầu về kiến trúc tài chính tốt hơn ở Đông Nam Á, Hà Nội đã đề xuất đối thoại giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng nhấn mạnh cần kiến tạo một nền tài chính tốt hơn để có thể mang lại sự ổn định tài chính của khu vực.

Bài viết nhấn mạnh dù phải tiến hành các hội nghị dưới hình thức trực tuyến, Việt Nam vẫn có thể thông qua hơn 40 văn kiện trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN tháng 9 vừa qua. Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động cho Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Một trong những điểm nổi bật là thảo luận vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp cấp bộ trưởng.

Bài viết nêu rõ Việt Nam dự kiến sẽ tiên phong vạch ra các lợi ích của TAC, tiến hành các công việc chuẩn bị liên quan đến việc nâng cấp quan hệ đối tác với các quốc gia châu Âu như Pháp và Italy, đồng thời đưa Cuba và Columbia trở thành nước tham gia TAC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/trang-mang-modern-diplomacy-danh-gia-cao-vai-tro-chu-tich-cua-viet-nam/676412.vnp