Trắng… miền sương muối
Mất trắng! Nhiều nhà nông trên cao nguyên Lang Biang xót xa thốt lên, khi tôi hỏi về thiệt hại do sương muối gây ra đối với vườn sản xuất, kế sinh nhai của gia đình họ. Sương muối màu trắng tuyết, không mặn như muối, nhưng khiến nhiều vườn cây ngả màu khô rụng và nhiều nông hộ xốn xang.
Những ngày qua, rong ruổi qua nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, không khí trầm buồn đang bao phủ lên vườn canh tác cà-phê, cây ăn trái, rau màu của nhà nông nơi đây. Trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là cây cà-phê.
Trên những đồi cao, phóng tầm mắt nhìn những rẫy cà-phê, có lẽ chưa kịp hồi phục dưỡng chất sau mùa thu hái, đang chuyển màu khô úa. Màu nâu cháy đang “dệt” bức tranh buồn giữa đại ngàn. “Vụ này mất trắng. Hơn 2,4 ha cà-phê của gia đình mình bị ảnh hưởng sương muối, lá đang “cháy” dần, khó có thể phục hồi”, ông Ha Jang, thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais ngậm ngùi.
Ngang qua những vườn cà-phê ở thôn Đưng K’Si mùa này, khó để gặp được những nông phu hằng ngày gắn bó với loài cây đã giúp họ ổn định cuộc sống. Sương muối không mặn, nhưng đã gây xót xa, tê buốt cho những nhà vườn dưới chân Bidoup - Núi Bà. Trưởng thôn Đưng K’Si, ông A Dên, nghẹn lời: “Thôn mình có 71 hộ trồng cà-phê bị ảnh hưởng do sương muối, trên diện tích gần 40 ha. Vụ này nhiều hộ coi như mất trắng. Không những vụ này, nếu phải cưa hạ, tái canh vườn, thì ít nhất vài vụ nữa mới có thu”.
Sương muối liên tục xuất hiện trong các ngày 5 và 6-2, chủ yếu trên địa bàn các xã Đạ Chais, Đạ Nhim và Đạ Sar, huyện Lạc Dương, khiến bước chân nông phu trĩu nặng khi thăm vườn. Sáng sớm, giá tuyết neo đậu trắng vườn cây, khi nắng lên, lá cây chuyển sang trạng thái cháy xém, khiến hàng trăm hộ nông dân lo lắng, xót xa, khi nguồn thu nhập chính của gia đình đang héo úa. “Cuộc sống gia đình mình chủ yếu trông chờ cả vào cây cà-phê. Vụ vừa rồi vườn mình thu được hơn năm tấn tươi. Giờ vườn bị sương muối, cháy lá nghiêm trọng, không biết sao nữa…”, anh K’Bri, thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, trầm tư.
Thống kê của xã Đạ Chais, trên địa bàn có hơn 198 ha cây trồng của 287 hộ, bị ảnh hưởng sương muối (cà-phê hơn 191 ha, cây ăn quả 1,8 ha, ngô và rau màu gần 6 ha). Trong đó, vườn cà-phê bị thiệt hại trên 70% là hơn 186 ha. Thôn Long Lanh có số diện tích và số hộ bị thiệt hại lớn nhất huyện, với tổng diện tích bị ảnh hưởng sương muối hơn 119 ha, của 158 hộ dân.
Nắng lên, những vườn cà-phê của nhà nông ở xã Đạ Sar thêm màu sạm cháy. Dẫn chúng tôi băng qua nhiều nhà vườn, nhưng khó gặp nông dân để hỏi thăm mùa này, Chủ tịch Hội nông dân xã Đạ Sar, bà Liêng Jrang K’Sáu, cho biết: “Tình trạng sương muối đã từng xảy ra tại địa phương năm 2015. Năm nay, so với xã Đạ Nhim và Đạ Chais, tại xã Đạ Sar có hơn 10 ha cây trồng của 80 hộ dân bị ảnh hưởng do sương muối. Hiện xã đang phối hợp để hướng dẫn bà con khắc phục thiệt hại”.
Sau khi nắm bắt thông tin, lãnh đạo huyện Lạc Dương đã triển khai ngay các biện pháp khắc phục đến từng địa phương và ngành chức năng trong huyện, thành lập ba tổ công tác trực tiếp xuống hiện trường hỗ trợ khắc phục và thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất phương án hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, huy động các ban ngành, đoàn thể xã triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất, công tác chăm sóc cây trồng, cơ cấu lại mùa vụ…
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài, địa phương đang khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân để sớm khôi phục sản xuất trên diện tích bị thiệt hại, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc phục hồi; những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng phục hồi, hướng dẫn nhà nông vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ mới. “Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và các xã cùng tham gia với người dân tiến hành cắt tỉa, chăm sóc cây trồng sau đợt sương muối; chia sẻ, động viên bà con nông dân vượt qua khó khăn”, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, năm 2015, sương muối cũng đã gây hại khoảng 600 ha cà-phê; 20 ha rau, hoa và dâu tây tại các xã Đạ Nhim, Đạ Chais, Đạ Sar, Đưng K’Nớh, xã Lát và thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Sương muối chủ yếu gây hại nặng tại các vườn cà-phê thiếu cây che bóng, chắn gió; vườn cà-phê ở vùng trũng, thấp. Thời điểm đó, chi cục cũng đã đề xuất các biện pháp kỹ thuật cụ thể để phục hồi sản xuất.
Ngày 10-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đợt sương muối xuất hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương, ngày 5 và 6-2 vừa qua, gây ảnh hưởng hơn 468 ha cà-phê, rau màu và cây ăn quả của 801 hộ dân, ước tổng thiệt hại gần 50 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cà-phê bị ảnh hưởng hơn 434 ha, tỷ lệ bị hư hại trên 70% là 375,5 ha.
Cùng ngày, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng và cơ quan chức năng huyện Lạc Dương tiếp tục kiểm tra thực tế để có phương án xử lý, khắc phục. Giữa vườn cà-phê lá đang cháy dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, thông tin: Sở đã có báo cáo UBND tỉnh để có phương án chỉ đạo xử lý. Đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật để giúp người dân khôi phục sản xuất. Sở sẽ bố trí kinh phí từ chương trình chuyển đổi giống cây trồng, chương trình tái canh cải tạo giống cà-phê kế hoạch năm 2020 và từ các nguồn kinh phí khác, để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại có điều kiện chăm sóc và tiến hành trồng mới diện tích bị thiệt hại ngay niên vụ 2020.
“Về giải pháp lâu dài, rà soát diện tích không phù hợp với cây cà-phê để vận động bà con chuyển đổi cây trồng hiệu quả; kết hợp các dự án nông nghiệp đang triển khai để hỗ trợ nông dân trồng xen cây ăn quả trong vườn cà-phê, tăng thêm thu nhập. Sử dụng công nghệ cao trong cảnh báo thời tiết và trong năm nay, sẽ bố trí kinh phí từ chương trình nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ huyện Lạc Dương lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để có cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, từ đó khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh từ sớm, giảm thiệt hại”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, nói.