Trang mới trong quan hệ Việt Nam với Australia và New Zealand

Chuyến đi '3 trong 1' đã thành công hết sức tốt đẹp, đưa mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước New Zealand và Australia lên tầm cao mới.

Đêm qua, 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Sân bay quốc tế Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức New Zealand từ ngày 11 đến 14/3/2018; thăm chính thức Australia và dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN- Australia tại Sydney từ ngày 14 đến 18/3/2018. Chuyến đi “3 trong 1” đã thành công hết sức tốt đẹp, đưa mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước New Zealand và Australia lên tầm cao mới, và đặc biệt là nâng cao uy tín và vai trò quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong 4 nhà Lãnh đạo ASEAN được mời phát biểu chính tại Phiên họp hẹp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong 4 nhà Lãnh đạo ASEAN được mời phát biểu chính tại Phiên họp hẹp

Với sự coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, cả New Zealand và Australia đã dành ghi thức lễ đón cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ với 19 loạt đại bác và các ghi thức trang trọng dành cho khách quý, trong đó có ghi thức theo phong tục của người Maori-New Zealand. Các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Australia đều rất thành công, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tin cậy lẫn nhau. Thủ tướng cũng đã có các cuộc hội kiến với Toàn quyền New Zealand và Australia, lãnh đạo Quốc hội của hai nước.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, đánh giá " Thành công của chuyến thăm thể hiện ở chỗ các bên hài lòng ở mức cao nhất về các phương diện. Chúng ta đã nâng cấp quan hệ với hai nước. Đặc biệt với Australia nâng cấp lên Đối tác chiến lược và đưa nội hàm cụ thể, xác định các cơ chế trao đổi, hợp tác, tham vấn thường niên ở cả cấp cao và cấp chuyên viên. Với New Zealand chúng ta cũng tăng cường về nội hàm của đối tác toàn diện và cũng xác định lộ trình cho đối tác chiến lược cho thời gian tới".

Nhấn mạnh sự coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern mong muốn sớm thiết lập Đối tác chiến lược với Việt Nam "Chúng tôi đặt ưu tiên hàng đầu với đối tác Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng và chiến lược. Đặc biệt là trong các hiệp định về chiến lược ngoại giao giữa hai nước cũng như các hiệp định đa phương, cả các hiệp định đã ký kết và thương thảo, trong đó có CPTPP, các hiệp định giữa ASEAN với New Zealand. Tôi hy vọng theo đà này sẽ thực hiện được nhiều mục tiêu mới, nhất là thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác song phương đã ký kết về thương mại và giáo dục".

Còn Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thì dùng từ “tuyệt vời” để đánh giá mối quan hệ hai nước trong 45 năm qua và cho rằng hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước "Ngày hôm nay là một ngày lịch sử. Trở thành đối tác chiến lược, Australia và Việt Nam đã cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực an ninh, cởi mở và thịnh vượng. Hai bên đã có sự thảo luận về sự hợp tác ngày càng sâu rộng, bao trùm trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta vừa chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp, sáng chế, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nghề. Đây là những lĩnh vực thế mạnh trong quan hệ đối tác của chúng ta và chúng ta sẽ thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực này, giống như chúng ta thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư và hợp tác khác".

Bắt tay ngay vào triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược, Việt Nam và Australia nhất trí thiết lập các cơ chế tiếp xúc ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, đồng thời duy trì các cơ chế hợp tác song phương hiện có.

Trong cả hai chuyến thăm, những hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là thăm, đối thoại với các sinh viên, giảng viên các trường Đại học, cụ thể là Đại học Công nghệ Auckland và tiếp đó là thăm Trường Đại học Waikato của New Zealand, thăm Đại học Quốc gia Australia. Các trí thức người Việt tại hai nước đánh giá cao hoạt động này, coi đó là sự thể hiện coi trọng và mong muốn các trí thức đóng góp vào mối quan hệ song phương cũng như góp phần xây dựng đất nước.

Với việc coi hợp tác giáo dục là một trong những trụ cột trong mối quan hệ hiện nay cũng như Đối tác Chiến lược trong tương lai, Việt Nam và New Zealand nhất trí tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại New Zealand lên 30% vào năm 2020 so với con số khoảng 3.000 sinh viên hiện nay, thông qua khuyến khích trao đổi sinh viên và chương trình chung giữa các trường đại học và các hợp tác khác ở hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Australia.

Còn với Australia, hiện có tới 30.000 sinh viên Việt Nam theo học tại đây và hai bên nhất trí coi giáo dục đào tạo là một nền tảng vững chắc của Đối tác Chiến lược. Australia cam kết tăng cường số lượng học bổng, hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo cán bộ Trung ương và địa phương, đào tạo nghề, nhất trí thúc đẩy liên kết giữa các trường Đại học, cơ sở đào tạo, tiến tới liên kết về chương trình đào tạo, công nhận bằng cấp.

Các thỏa thuận song phương của Việt Nam với mỗi nước cũng đều hướng tới tăng số học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam sang Australia và New Zealand và thu hút nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam sang các nước này. Bên cạnh đó, cả New Zealand và Australia đang có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy sinh viên hai nước sang Việt Nam học tập, nghiên cứu. Trong đó, Australia cũng đưa ra chương trình Colombo mới để đưa thêm sinh viên Australia sang các nước ASEAN đặc biệt là Việt Nam phấn đấu năm 2018 sẽ có 1.500 sinh viên Australia.

Trong cả hai chuyến thăm chính thức, hai bên đều đã ký kết hợp tác cụ thể trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như dạy nghề. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tháp tùng Thủ tướng trong hai chuyến thăm, nói về lý do thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo dạy nghề với New Zealand và Australia.

"Australia là một trong 10 nước có giáo dục nghề nghiệp tốt nhất hiện nay. Giáo dục nghề nghiệp của họ được đặt ra ngay từ khi phân luồng. 64% số sinh viên được phân luồng học nghề nghiệp. Năm ngoái, riêng Australia, 55% những người có học nghề thì có thăng tiến. Tôi cho rằng thông qua những nước này chúng ta có kinh nghiệm từ việc phân luồng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên bước ngay vào học nghề. Australia và New Zealand có bộ giáo trình và chương trình chuẩn, nếu chúng ta đưa được giáo dục nghề nghiệp này và được bạn công nhận chuẩn hóa thì bằng cấp đó có thể hoạt động ở nhiều nước trong khu vực chứ không riêng nước ta"-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Với sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Dạy nghề Australia và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tháng 4 này các bộ phận chuyên môn sẽ sang Việt Nam có hoạt động cụ thể phối hợp với các trung tâm dạy nghề tại Việt Nam. Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, theo thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Australia, thì công dân nước này đi du lịch của nước kia có thể thực hiện theo hình thức lao động kết hợp kỳ nghỉ, vừa du lịch vừa làm việc.

Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, với thế mạnh của New Zealand và Australia về nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, hai nước cũng đã thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, người tháp tùng Thủ tướng trong hai chuyến thăm, nêu cơ hội hợp tác.

"Riêng lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác với Australia và New Zealand tập trung khai thác thế mạnh hợp tác này ở ba trụ cột. Thứ nhất là đào tạo nhân lực. Mỗi năm du học sinh Việt Nam rất lớn hiện khoảng 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh, trong đó có phần rất lớn học về nông nghiệp. Thứ hai là hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Australia và New Zealand có thế mạnh lớn về tiềm năng phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, trực tiếp là nông nghiệp hữu cơ. Và thứ ba là thúc đẩy thương mại nông sản hai chiều giữa hai bên, vì đa số những nhóm nông sản của nước bạn và của chúng hai là hai nhóm năng suất bổ trợ"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Cả Australia và New Zealand đều cho biết sẽ tạo điều kiện cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam đủ điều kiện tiếp cận các thị trường này, trong đó có các mặt hàng như vú sữa, bưởi, nhãn, chôm chôm, thanh long. Australia sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhập khẩu, trước mắt là với tôm tươi nguyên con, trái thanh long của Việt Nam và tiếp tục mở rộng sang các loại quả khác như nhãn tươi, chôm chôm, vú sữa... Đây là cơ hội lớn để nâng kim ngạch thương mại hai chiều vượt xa con số 6,5 tỉ USD của năm 2017. Với thị trường New Zealand, hai bên nhất trí thúc đẩy nhiều biện pháp xúc tiến thương mại, trong đó có tạo điều kiện cho hàng nông thủy sản của Việt Nam vào New Zealand, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7 tỷ -2 tỷ USD vào năm 2020.

Về hợp tác phát triển, các đối tác Australia và New Zealand đều đánh giá cao sự hợp tác với Việt Nam trong sử dụng nguồn viện trợ ODA. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Australia đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam, đặc biệt với dự án cầu Cao Lãnh sẽ được hoàn tất và khánh thành trong năm 2018 nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng New Zealand đã công bố 2 dự án ODA mới, bao gồm chương trình hợp tác 3 năm trị giá 1,5 triệu USD New Zealand hỗ trợ nông dân Việt Nam hiện đại hóa sản xuất, sản xuất thực phẩm an toàn và nâng cao thu nhập; và dự án thí điểm về năng lượng tái tạo trị giá 0,5 triệu USD New Zealand hỗ trợ Cục Điều tiết Điện Việt Nam xây dựng thị trường điện bán buôn, giúp tăng cường hiệu quả và sử dụng năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá, chuyến đi lần này của Thủ tướng đã giúp mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, nông nghiệp, khoa học công nghệ, hàng không… mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho cả các địa phương, các địa phương và các ngành. Chúng ta đã ký kết 22 thỏa thuận hợp tác Australia, 12 thỏa thuận hợp tác với New Zealand.

Và trong hai chuyến thăm chính thức này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các hoạt động con thoi về các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp tục thể hiện là sứ giả của Việt Nam, kêu gọi doanh nghiệp New Zealand và Australia đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng đã dự hai diễn đàn doanh nghiệp là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand thu hút hơn 300 doanh nghiệp hai nước và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Australia thu hút gần 500 doanh nghiệp hai nước, có nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với nhóm doanh nghiệp về tài chính, ngân hàng; hàng chục cuộc tiếp các nhà đầu tư lớn của Australia và New Zealand. Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư về cơ hội đầu tư ở Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư.

Các doanh nghiệp đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời cho biết điều này mở ra cơ hội lớn trong hợp tác, trong đó có những lĩnh vực tiềm năng là giáo dục đào tạo, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, hàng không… Tại diễn đàn Việt Nam – Australia có gần 100 đại biểu và doanh nghiệp không có chỗ ngồi nhưng vẫn tham dự đến hết chương trình. Kêu gọi các nhà đầu tư đến với Việt Nam, Thủ tướng khuyên các nhà đầu tư hãy nhanh chân đến Việt Nam, nhanh tay chọn lấy cho mình cơ hội kinh doanh đang rộng mở, bởi nếu không, cơ hội đó sẽ không chờ đợi ai vì sẽ được doanh nghiệp khác lấy đi. Thể hiện sự hưởng ứng, cả hội trường đã vỗ tay hưởng ứng lời kêu gọi này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt kiều tại Australia, bày tỏ sự vui mừng và hãnh diện khi cho rằng, với việc nâng cấp lên Đối tác chiến lược với Australia, điều đó thể hiện lòng tin của Australia với Việt Nam, thể hiện uy tín, vai trò của Việt Nam trên thế giới. Đây cũng là cơ hội cho hơn 300 nghìn người Việt sinh sống tại Australia trong thúc đẩy lao động, học tập, sinh sống và đầu tư; là cầu nối quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư hai nước.

Cũng trong hai chuyến thăm, Thủ tướng cũng đã tham dự một số hoạt động khác như thăm Đại sứ quán và gặp gỡ bà con kiều bào tại hai nước; chứng kiến lễ khai trương Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Australia…

Ngoài những thành công về thương mại và đầu tư, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cả Australia và New Zealand đều trao đổi sâu rộng với Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN, EAS, APEC…; nhất trí phối hợp triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia.

Trong chuyến đi này, cụm từ CPTPP, từ viết tắt của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được nhắc tới nhiều lần, kể cả trong các cuộc hội đàm, hội kiến; các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; các cuộc đối thoại với các sinh viên của các trường đại học ở cả New Zealand và Australia. Và các bạn, các đối tác đều đánh giá cao vai trò mang tính dẫn dắt của Việt Nam, với quyết tâm cao cùng các nước để đi đến thỏa thuận và ký kết CPTPP. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng: "Nhờ vào vai trò của Việt Nam mà trong đó phải nói có vai trò cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc duy trì đàm phán về CPTPP, đặc biệt là nhân dịp hội nghị APEC tại Đà Nẵng vừa rồi. Nhờ đà đó mới đưa đến việc sớm ký kết Hiệp định. Mà Hiệp định có lợi cho tất cả các nước nên họ đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Họ đánh giá cao vai trò của Việt Nam nữa là vì là thành viên có tiềm lực kinh tế tương đối yếu so với các nước khác, nhưng quyết tâm rất mạnh, góp phần quan trọng vào sức sống của CPTPP. Và với sức sống đó thì các nước đều hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều nước tham gia".

Với việc Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Thủ tướng Australia Malclm Turnbull đánh giá, chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Australia là đóng góp tích cực và ý nghĩa cho Hội nghị và quan hệ ASEAN – Australia.

Tại Thành phố Sydney, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia với chủ đề “Tăng cường An ninh và Thịnh vượng khu vực”, Hội nghị là diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo ASEAN – Australia trao đổi về định hướng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên được thiết lập từ năm 2014, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Australia đối với khu vực cũng như trong quan hệ với ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Australia, Thủ tướng nêu ra các định hướng quan trọng cho quan hệ đối tác chiến lược ASEAN- Australia, với hai ưu tiên lớn là tăng cường hợp tác kinh tế và đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực. Trong đó về kinh tế, hai bên cần duy trì đà liên kết kinh tế và mở cửa để cùng phát triển thịnh vượng, trước hết là triển khai hiệu quả Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Australia và New Zealand, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), chú trọng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của các nền kinh tế ASEAN và Australia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về hòa bình, an ninh, Thủ tướng cho rằng ASEAN và Australia, với tư cách là những đối tác có vai trò quan trọng ở khu vực, cần đẩy mạnh hợp tác, tăng cường lòng tin, nỗ lực xây dựng một trật tự khu vực rộng mở, minh bạch và thu nạp, đảm bảo mọi hành xử của các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chung của nhau. Các cơ chế hợp tác do ASEAN đóng vai trò chủ đạo là những diễn đàn quan trọng để hai bên cùng phát huy các nỗ lực này.

Là 1 trong 4 nhà lãnh đạo ASEAN được mời phát biểu chính tại phiên họp hẹp về chủ đề hợp tác biển của Hội nghị, Thủ tướng đã chỉ ra thực trạng các vùng biển ở khu vực, trong đó có Biển Đông, đang phải đối mặt với nhiều bất ổn đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không, do đó cần phải lấy thượng tôn pháp luật làm nền tảng để xây dựng lòng tin, đồng thời áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong hợp tác biển. Sự tham gia chủ động và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị được cả Australia và các nước ASEAN ghi nhận, đánh giá cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Australia đã tham dự nhiều hoạt động khác như tiếp xúc với các cựu sinh viên Australia đã tham gia Chương trình Học bổng Colombo mới tại các nước Đông Nam Á, chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ ASEAN – Australia về Hợp tác chống khủng bố quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp bên lề, trao đổi các nội dung hợp tác song phương với Thủ tướng các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Cố vấn cao cấp của Myanmar. Thủ tướng Singapore chúc mừng thành công của Hiệp định CPTPP đã được ký kết vừa qua tại Chile, trong đó Việt Nam đã đóng vai trò dẫn dắt của nước chủ nhà trong thúc đẩy đàm phán CPTPP bên lề APEC 2017. /.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/trang-moi-trong-quan-he-viet-nam-voi-australia-va-new-zealand-741322.vov