Trang phục trên phim Việt tôn vinh văn hóa dân tộc

Góp một phần tạo nên sự quan tâm nhiều hơn về văn hóa lịch sử và trang phục truyền thống (cổ phục) của giới trẻ gần đây là các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, trong đó có phim điện ảnh đã đầu tư nghiên cứu lịch sử để tái hiện cổ phục trên tinh thần tôn vinh bản sắc dân tộc.

Cảnh trong phim Cám

Cảnh trong phim Cám

Đẹp và thuần Việt

Năm ngoái, vừa ra rạp, phim Cám - lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám, đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tích cực từ công chúng và giới chuyên môn, khi những bộ trang phục tứ thân (gồm 4 thân áo, hai tà trước và hai tà sau), ngũ thân (áo năm thân), giao lĩnh (áo có cổ áo giao nhau), viên lĩnh (áo có viền cổ tròn), đối khâm (vạt áo đối nhau, dùng làm áo khoác bên ngoài)… được thiết kế đẹp mắt và mang đậm bản sắc văn hóa dân gian xuất hiện trên màn ảnh. Đặc biệt bộ trang phục Thái tử phi trong cảnh rước dâu cho thấy rõ nét vẻ đẹp và sự tinh tế của cổ phục Việt. Các trang phục trong phim Cám đều được may bằng chất liệu vải tự nhiên như lụa, đũi, lanh...mà người Việt xưa sử dụng.

Trước đó, phim Người vợ cuối cùng cũng thành công khi đem đến cho khán giả cái nhìn toàn cảnh về trang phục của cả ba miền Bắc, Trung, Nam dưới thời phong kiến nhà Nguyễn. Trên phim, trang phục quan lại, tầng lớp thượng lưu, dân thường…được tái hiện chân thực, toát lên phong thái, địa vị của từng nhân vật và cả tài năng, sự sáng tạo của thợ dệt may thời xưa.

Bộ phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu (sắp công chiếu) - phần tiếp theo của Người vợ cuối cùng, vừa công bố trailer đã nhận được những lời khen tích cực về mặt trang phục. Trang phục trong phim Thám tử Kiên cũng mang nét văn hóa truyền thống của cả ba miền, như tóc búi bánh lái, tóc vấn, áo ngũ thân tay chẽn hoặc tay thụng, chuỗi hạt đeo cổ, kiềng cổ....

Có nhiều yếu tố làm nên một bộ phim cổ trang lịch sử, dã sử hay đề tài xưa thành công, trong đó là sự đầu tư về phục trang. Trở lại những năm trước, phim Việt từng nhận nhiều tranh cãi và chỉ trích từ khán giả và giới chuyên môn khi thiếu nghiên cứu về trang phục xưa. Năm 2015, Mỹ nhân bị dư luận chê có trang phục không thuần Việt, ngay từ khi tung trailer giới thiệu phim. Năm 2020, phim Quỳnh Hoa nhất dạ vừa ra mắt teaser trailer cũng bị cộng đồng mạng chất vấn về trang phục của nhân vật chính là Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng thủ vai). Năm 2023, khán giả phản ứng quyết liệt với những trang phục được xem là truyền thống nhưng có nhiều điểm không giống với trang phục Việt trong phim Đất rừng phương Nam. Một loạt phim lịch sử, dã sử như: Huyền sử vua Đinh, Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt... đều bị “sạn” trong phục dựng bối cảnh và trang phục.

Trên thực tế, khi làm phim cổ trang, không ít nhà sản xuất hay đạo diễn cho rằng, trang phục phải đẹp mới thu hút khán giả. Tuy nhiên, chỉ đẹp thôi chưa đủ, khi trang phục trong phim thiếu sự chính xác về lịch sử (thời điểm, bối cảnh diễn ra câu chuyện phim) có thể khiến khán giả, nhất là giới trẻ hiểu lầm về di sản văn hóa Việt.

Cảnh trong phim Người vợ cuối cùng

Cảnh trong phim Người vợ cuối cùng

Nghề chơi cũng lắm công phu

Việc tái hiện trang phục truyền thống (cổ phục) trong sản xuất phim thời nay không phải là dễ dàng. Dù đầu tư kinh phí lớn không quá khó khăn, song ê kíp sản xuất phim phải đối mặt với thách thức trong việc nghiên cứu tài liệu lịch sử, tìm kiếm chất liệu vải, may đo trang phục. Ở phiên bản Tấm Cám - Chuyện chưa kể (2016), trang phục khai thác nét đẹp xưa nhưng lối thể hiện theo hướng hiện đại. Khi làm Cám (2024), đạo diễn Trần Hữu Tấn từng chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra những bộ trang phục không chỉ đẹp mắt mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử. Mỗi chi tiết, từ chất liệu vải cho đến kỹ thuật dệt, may, thêu thùa, đều được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo gần với thực tế nhất có thể”.

Theo đó, ê kíp sản xuất phim Cám đã dành thời gian dài để nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu lịch sử, tranh ảnh cổ, tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Làng Sình... và hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia văn hóa, lịch sử Việt Nam như nhà nghiên cứu Phan Thanh Nam (nghệ danh Họa sĩ Ấm Chè)... Với kiến thức sâu rộng về cổ phục Việt, các nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho ê kíp làm phim về việc tái hiện trang phục giai đoạn cuối Lê Trung hưng - đầu thời Nguyễn vừa đẹp mắt, vừa có tính xác thực lịch sử cao.

Là phim do Nhà nước đặt hàng, Hồng Hà nữ sĩ kể về những thăng trầm trong cuộc đời của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm với bối cảnh thời vua Lê chúa Trịnh. Thời này, hiện không còn nhiều tư liệu để tham khảo. Ê kíp làm phim đã tham khảo những hình ảnh lưu trữ về trang phục đặc trưng của thời Hậu Lê, như áo giao lĩnh, áo viên lĩnh... Nhờ vậy, phần phục trang của phim được khen là vừa đẹp trang nhã vừa giữ tinh thần truyền thống và toát lên cốt cách của nhân vật.

Cảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ

Cảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ

Hai phim Người vợ cuối cùng, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đều lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, chỉ mượn bối cảnh thời phong kiến để vẽ nên câu chuyện về tình yêu và thân phận khổ đau của người phụ nữ. Đạo diễn Victor Vũ và Ghi Fam - Giám đốc Mỹ thuật đã nghiên cứu rất kỹ về phục trang dựa trên bối cảnh thời Nguyễn, không chỉ thể hiện đẳng cấp xã hội mà còn mang bản sắc văn hóa Việt. Tuy nhiên, họ không rập khuôn mà với Người vợ cuối cùng, có 80% dựa trên thực tế lịch sử và 20% là sự sáng tạo, hư cấu mới lạ để mang đến vẻ đẹp điện ảnh cho những bộ trang phục trong phim. Thám tử Kiên có gần 1.000 bộ phục trang, tất cả đều là may thủ công. Ghi Fam là người phụ trách từ công đoạn mua vải đến tự nhuộm và xử lý màu… Trong chương trình Tóc xanh vạt áo mới đây, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ rằng: “Cổ phục của Việt Nam rất đẹp, thể hiện rõ văn hóa của người Việt qua từng thời kỳ. Khi làm phim tôi rất quan tâm đến yếu tố này”.

Tương tự, ê kíp sản xuất phim Cám đã khéo léo kết hợp yếu tố truyền thống và sử dụng các kỹ thuật may hiện đại để tạo ra những bộ trang phục vừa mang đậm bản sắc dân tộc, khi vẫn giữ được tinh thần và hơi thở của xã hội xưa trong lịch sử, vừa phù hợp với thẩm mỹ của khán giả đương đại.

Cảnh trong phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu

Cảnh trong phim Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu

Theo nhà phê bình điện ảnh Đặng Thanh, gần đây có những lời khen lẫn chỉ trích về trang phục truyền thống (cổ phục) cho thấy khán giả quan tâm và đánh giá nghiêm túc đối với các yếu tố văn hóa được thể hiện trong phim Việt. Sự thành công của Người vợ cuối cùng hay Cám trong tái hiện được những bộ trang phục đậm đà bản sắc Việt mang đến cho khán giả trẻ cơ hội tiếp cận với văn hóa và lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn. Phim Người vợ cuối cùng có doanh thu hơn 100 tỷ đồng trên toàn cầu, ngoài công chiếu tại Việt Nam, còn được chiếu tại Mỹ, Australia và Canada; Cám có tổng doanh thu 117 tỷ đồng chiếu rạp và các nền tảng. Tuy không lập kỷ lục về doanh thu “khủng”, song hai phim này đã hài hòa được giữa tính nghệ thuật (góp phần tôn vinh văn hóa, thuần Việt) và “ăn khách” - điều mà phim điện ảnh Việt nói chung đang phấn đấu hướng đến.

Đan Khanh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trang-phuc-tren-phim-viet-ton-vinh-van-hoa-dan-toc-317311.html