Trang phục trong phim lịch sử: Sáng tạo thế nào cho đúng?

Các bộ trang phục không chỉ đơn thuần là quần áo mà còn là tổng hòa của các yếu tố: kiểu dáng, chất liệu, hoa văn, màu sắc… phản ánh xã hội, tôn ti trật tự, tập tục văn hóa của thời đại đó. Tuy nhiên, làm phim lịch sử không phải việc dễ dàng.

Trong những năm gần đây, sự quan tâm đến điện ảnh lịch sử Việt Nam đang trở lại mạnh mẽ. Nhưng để làm một bộ phim lịch sử chỉn chu, ngoài kịch bản, diễn xuất, thì yếu tố phục trang đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Trang phục không chỉ là bối cảnh thị giác mà còn là một phần linh hồn của câu chuyện. Chính vì thế, khi BHD công bố dự án điện ảnh huyền sử "Hộ Linh Tráng Sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh", đơn vị này đã làm một việc chưa từng có tiền lệ: tổ chức hẳn một hội thảo khoa học chuyên đề về trang phục cổ phục thời Đinh tại Ninh Bình – mảnh đất cố đô xưa.

Từ sử liệu đến sáng tạo nghệ thuật

Phim "Hộ Linh Tráng Sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh" lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian về lăng mộ Đinh Tiên Hoàng – vị vua đầu tiên đặt nền móng cho nước Việt độc lập sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Khác với nhiều dự án phim trước đây vốn ít chú trọng nghiên cứu phục trang bài bản, lần này đoàn phim chủ động mời các nhà sử học, chuyên gia cổ phục, nghệ nhân trẻ cùng ngồi lại. Mục tiêu: xây dựng một hình ảnh phục trang vừa thấm đẫm tinh thần lịch sử, vừa đáp ứng yêu cầu nghệ thuật.

Tại hội thảo, năm nhóm nghiên cứu trẻ, đại diện cho những cái tên quen thuộc như Đại Việt Cổ Phong, Kinh Bắc Legacy, Great Vietnam, Chiêu Minh Các và họa sĩ Phan Thanh Nam, đã mang đến nhiều bản phục dựng công phu: từ giáp trụ binh sĩ, lễ phục quý tộc, đến trang phục dân gian thường nhật.

Các bộ trang phục không chỉ đơn thuần là quần áo mà còn là tổng hòa của các yếu tố: kiểu dáng, chất liệu, hoa văn, màu sắc… phản ánh xã hội, tôn ti trật tự, tập tục văn hóa của thời đại đó. Tuy nhiên, làm phim lịch sử không phải việc dễ dàng. Càng đi sâu vào chi tiết, càng phát sinh nhiều thách thức: thiếu tài liệu nguyên bản, mất mát hiện vật khảo cổ, chồng chéo nguồn tư liệu…

Khi sáng tạo va chạm với lịch sử

Phần thảo luận tại hội thảo diễn ra sôi nổi, thậm chí có lúc "nóng" hơn dự kiến. Các nhà sử học kỳ cựu như PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia – thẳng thắn nhận xét: "Trang phục trình bày tuy sáng tạo, đẹp mắt nhưng vẫn còn thiếu sự chính xác về chất liệu, kỹ thuật may mặc, đặc biệt là cách thể hiện hoa văn".

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia

PGS.TS Nguyễn Phương Chi – nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Lịch sử – cũng nhấn mạnh: "Đừng chỉ chú trọng vào thẩm mỹ thị giác. Trang phục lịch sử phải đạt được tính chân xác, phù hợp với bối cảnh xã hội, khí hậu, kỹ thuật dệt may của từng thời kỳ. Từ đôi dép cho đến vạt áo, đều phải có cơ sở khảo chứng".

Không khí hội thảo càng thêm căng thẳng khi nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ cho rằng nhiều thiết kế hiện nay chịu ảnh hưởng nặng từ trí tưởng tượng hiện đại, xa rời yếu tố sử liệu chuẩn xác.

Tuy nhiên, chính những phản biện quyết liệt đó đã mở ra những cuộc đối thoại thực chất. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Có một khoảng cách tự nhiên giữa những người làm học thuật và những người làm nghệ thuật. Nhưng chúng ta cần lấp đầy khoảng cách đó bằng sự đối thoại, chia sẻ. Phim ảnh cần sáng tạo, nhưng sáng tạo phải trên nền tri thức lịch sử".

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Ông cũng bày tỏ hy vọng sẽ có một "hệ sinh thái" kết nối các nhà nghiên cứu, nhà làm phim, nghệ sĩ trẻ, để mỗi bộ phim lịch sử không chỉ là sáng tạo đơn lẻ, mà là sự kế thừa, tích lũy tri thức lâu dài.

Điện ảnh cần tự do nhưng không buông lỏng

Ở góc độ điện ảnh, bà Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) – nhấn mạnh: "Điện ảnh không phải tư liệu ghi chép lịch sử. Phim cổ trang có quyền sáng tạo, nhưng phải giữ được hồn cốt, tinh thần dân tộc. Không chỉ khán giả Việt Nam, mà khán giả quốc tế cũng cần nhìn thấy tính xác thực văn hóa Việt qua từng thước phim".

Bà cũng khuyến nghị nhà làm phim nên tận dụng đa dạng nguồn lực: từ kho tư liệu sử học đến công nghệ hiện đại như AI để hỗ trợ phục dựng phục trang, cảnh vật.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – nhận xét: "Chưa có phim nào tổ chức một hội thảo chuyên sâu về trang phục như "Hộ Linh Tráng Sĩ". Đây là bước tiến dũng cảm. Những thách thức mà các bạn trẻ đối diện hôm nay chính là phép thử cho một thế hệ làm điện ảnh lịch sử có chiều sâu".

Thế hệ trẻ: Khát khao nhìn thấy lịch sử sống động

Một điểm nhấn xúc động cuối hội thảo là phần chia sẻ của các bạn trẻ yêu cổ phục, đại diện nhóm Bách Hoa Bộ Hành. Giao Cùn – gương mặt trẻ nổi bật từ phong trào yêu cổ phục – phát biểu: "Những người trẻ chúng cháu cũng thường đọc những câu chuyện lịch sử nhưng chúng cháu cũng chỉ thấy được những dòng chữ, vì bản thân chúng cháu không đủ dữ liệu để tưởng tượng ra toàn cảnh, khung cảnh thời điểm đó. Vì vậy, thay mặt cho thế hệ trẻ, chúng cháu rất mong muốn có những tác phẩm liên quan đến lịch sử, dù ở bất kỳ thời đại nào. Ta cần tạo ra một nền tảng mới để mọi người có hình ảnh để tượng tượng và đánh sâu vào tâm tưởng của các bạn trẻ để không quên. Chúng ta đang ở trong thế giới phẳng và mở cửa. Ở trong thời đại phát triển nhanh như bây giờ, nếu chúng ta không khẳng định được văn hóa, hình ảnh của cha ông mình thì các bạn trẻ sẽ dễ dàng bị thu hút bởi nhiều các thứ khác và chúng ta sẽ mất đi một khoảng thời gian oai hùng như vậy".

Chia sẻ này đã nhận được sự đồng tình lớn từ hội trường. Tất cả đều thấy rõ một thực tế: thế hệ trẻ đang khát khao được kết nối với lịch sử bằng những hình ảnh chân thực, cảm xúc, gần gũi hơn là những dòng chữ khô khan.

Kết thúc hội thảo, đoàn phim "Hộ Linh Tráng Sĩ - Bí ẩn mộ Vua Đinh" cam kết sẽ tiếp tục học hỏi, lắng nghe, chỉnh sửa phục trang trên tinh thần cầu thị, kết hợp tri thức chuẩn xác và sự sáng tạo nghệ thuật. Bộ phim dự kiến quay vào tháng 11–12/2025 và ra mắt cuối quý II/2026.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/trang-phuc-trong-phim-lich-su-sang-tao-the-nao-cho-dung-post1191768.vov