Trang sử qua từng hiện vật
Đã 71 năm trôi qua, nhưng âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' vẫn vang vọng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Hiện nay, thông qua các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá về chiến thắng Điện Biên tại Bảo tàng tỉnh đã tái hiện một cách chân thực những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, giúp thế hệ hôm nay thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử dân tộc.

Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu ý nghĩa hiện vật cho cán bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tại triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, Bảo tàng tỉnh đón rất nhiều đoàn khách, học sinh, người dân đến tham quan. Riêng tháng 4/2025, Bảo tàng tỉnh đã đón gần 3.000 lượt khách tới tham quan, nghiên cứu về các hiện vật lịch sử, trong đó có những hiện vật, tư liệu liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Anh Nguyễn Quang Huy, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã bày tỏ sự xúc động khi được tận mắt chứng kiến các hiện vật: “Tôi ấn tượng sâu sắc nhất là hình ảnh chiếc xe đạp thồ mộc mạc, giản dị được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, qua phần giới thiệu của thuyết minh viên, tôi được biết, những chiếc xe này đã góp phần đưa hơn 25.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, nó giúp tôi hình dung về một thời kỳ gian khổ mà hào hùng của dân tộc”.
Chiếc xe đạp thồ chỉ là một trong số gần 200 hiện vật lịch sử liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ. Trong đó còn rất nhiều hiện vật tiêu biểu như: Khẩu súng K54 của ông Bế Chu Lang, cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; tài liệu địch vận 1954; nhật ký của bộ đội tham gia chiến dịch; sách, báo viết về chiến thắng Điện Biên Phủ…
Đặc biệt là những hiện vật liên quan đến sự đóng góp của người dân Lạng Sơn trong chiến dịch Điện Biên Phủ như: chiếc nồi đồng của ông Tô Quang Hòa ở Tẩu Lìn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc dùng nấu cơm tiếp tế cho cán bộ hoạt động bí mật; mũ nan của ông Đinh Viết Dĩ, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc đan cho du kích dùng trong chiến đấu những năm 1950; cưa, búa (của ông Vi Kiến Xương và Tô Vương Nguyên ở Bản Ranh, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc dùng để sửa chữa vũ khí cho bộ đội, 1947-1950)… Những hiện vật này là minh chứng sinh động cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là yếu tố then chốt làm nên chiến thắng lịch sử.
Để phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quý giá này, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử nói chung và chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và đưa vào bảo quản. Cùng đó, bảo tàng đã số hóa tư liệu hình ảnh đưa lên trang tin điện tử; lựa chọn những hiện vật tiêu biểu trưng bày trong không gian mang chủ đề “Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” tại tầng 2 nhà trưng bày nhằm giới thiệu đến du khách tham quan. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố.
Hằng năm, các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị đã phối hợp với bảo tàng tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức các hoạt động bổ ích và ý nghĩa như: trưng bày lưu động tại các huyện, thành phố; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử...
Việc tham quan những hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh không chỉ là một hoạt động tìm hiểu lịch sử đơn thuần mà còn là một hành trình bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho mỗi người.