Trắng tay sau 24 lần 'đột nhập' vào Anh

Nguyễn Trung Kiên, SN 1979, trú xã Bảo Ninh, TP Ðồng Hới (Quảng Bình) là người lập kỷ lục số lần nhập cảnh lậu vào Anh bằng con đường khổ hạnh nhất. Trở về, Kiên không còn gì ngoài bệnh tật, nợ nần, vợ bỏ và đang phải đối mặt với án tù về tội 'Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài'.

Trong ngôi nhà rách nát, ở một con hẻm của xã Bảo Ninh, Kiên tiếp chúng tôi trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà. Kiên nói: “Em giờ chẳng còn gì ngoài sự hối hận muộn màng. Hi vọng câu chuyện của em có thể cảnh tỉnh cho nhiều người còn mang ảo vọng xuất ngoại để làm giàu. Đi Anh tỷ lệ thành công cực thấp, giàu có xa hoa lại càng thấp. Em đây 24 lần đột nhập vào Anh thì 23 lần bị bắt. Lần thứ 24 thành công thì lại đối mặt với bệnh tật do môi trường trồng cỏ (cần sa) gây ra”.

Năm 2007, Kiên qua Tiệp Khắc (cũ) bằng con đường xuất khẩu lao động. Cũng thời điểm đó, Tiệp Khắc khủng hoảng kinh tế, công việc không có, Kiên nghe theo bạn bè rủ rê tìm đường vào Anh trồng cỏ, hi vọng nhanh chóng đổi đời. Không có tiền, Kiên chọn con đường rẻ nhất, khổ hạnh nhất để đột nhập vào Anh. Khi thì Kiên nằm xếp lớp với những người khác trong thùng container. Khi thì đu dưới gầm xe, hay rạch bạt chui vào nằm lẫn trong các thùng hàng hóa. Nói là rẻ nhất, nhưng mỗi lần như thế Kiên phải trả cho bọn buôn người 5.000 USD nhưng đều bất thành.

Căn nhà của Kiên đang rao bán. Ảnh: H.N

Căn nhà của Kiên đang rao bán. Ảnh: H.N

Lần thứ 24, Kiên đi cùng nhóm 3 người đến từ Nghệ An. Họ trèo lên một chiếc xe cũ nát chứa đầy đồ sửa nhà, thùng sơn. “Lúc đó em mệt quá, vừa lên xe là ngủ thiếp đi. Với lại trong ý nghĩ cũng buông xuôi, kệ nếu bị bắt thì lại trở về Pháp chờ cơ hội khác. Không ngờ xe chạy qua Anh, máy quét dò không phát hiện thân nhiệt vì dụng cụ và các thùng sơn che chắn.

Kiên qua Anh vào ngày 2/9/2008, ngay lập tức liên hệ với người quen để hành nghề trồng cỏ, vì đây là công việc cho thu nhập cao, nhanh giàu có, nhanh trả khoản nợ ở quê nhà. Làm được 2 mùa thì Kiên đổ bệnh do tiếp xúc hóa chất chăm sóc cần sa, phổi nhiễm khuẩn.

Năm 2010, khi không đủ sức khỏe để trồng cỏ, Kiên bỏ qua làm nail. Từ quê nhà, vợ Kiên cũng tìm đường qua Anh nhưng không cho Kiên biết. Đến khi liên lạc, gặp nhau, Kiên lại huấn luyện kỹ thuật trồng cần sa cho vợ. Đến tháng 1/2011, Kiên bị bắt, tháng 7 cùng năm bị trục xuất về nước, từ đó vợ bỏ Kiên đi theo người khác.

Ðối diện án tù...

Về nước, Kiên theo thuyền ngư dân đi đánh cá, hoặc ai thuê gì làm nấy. Nhưng các khoản nợ lại tiếp tục tăng lãi. Tháng 6/2018, trong một cuộc nhậu, Trần Ngọc Châu (50 tuổi, ở phường Hải Thành, Đồng Hới) nói với Kiên: “Ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch có một nhóm người mua tàu cá vượt biên sang Úc thành công, chú có đi thì cùng anh mua tàu rồi tìm người cùng đi”. Nghe vậy Kiên đồng ý ngay và cùng ông Châu gặp chủ tàu cá QB 91269 TS là Phạm Thế Nhân ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới). Nhân đồng ý bán tàu và cùng đi theo.

“Sau 24 lần vào Anh, cuối cùng em không có tài sản gì ngoài số nợ rất lớn và người vợ bỏ đi không nói một lời. Cuộc sống đi Anh thật sự không phải là màu hồng, những người đi chui rất nhiều và tỷ lệ thất bại rất cao”, Nguyễn Trung Kiên (SN 1979, ở Quảng Bình)

Theo lời Kiên, cả nhóm đã lôi kéo được 17 người, bao gồm Kiên, Châu, Nhân, mỗi suất đi đóng 150 triệu đồng, tiền mua tàu cá 1,7 tỷ đồng, công suất gần 1.000 mã lực.

Đúng 19 giờ ngày 29/7/2018, Châu chỉ đạo cả nhóm lên tàu, Nhân cầm lái rời âu thuyền Thọ Quang. Với lợi thế thuyền trưởng, Nhân ngụy trang lách khỏi trạm biên phòng Mân Quang thành công, bắt đầu chuyến hành trình vượt biển sang Úc.

Ngày 26/8/2019, sau gần một tháng lênh đênh trên biển, lúc 4 giờ 30 phút con tàu của Kiên cách đất liền Úc 100m. Cả nhóm thả thuyền thúng chở 2 lượt người vào bờ, sau đó Châu ra lệnh đánh đắm tàu để phi tang bằng chứng.

Tuy nhiên, khi tìm đường vào sâu trong nội địa Úc, cả nhóm mới phát hiện họ đã cập vào một vùng đầm lầy mênh mông, dày đặc cá sấu. Những con cá sấu khổng lồ đói ăn, “thấy mồi” lao tõm xuống nước chờ sẵn. Mất mấy ngày quanh quẩn tìm lối ra khỏi đầm lầy cá sấu, nhóm của Kiên bế tắc. Nếu lội vượt đầm lầy thì không ai còn sống sót, đành nộp mình cho biên phòng Úc. “Cả nhóm bị bắt giam tại một trại ở đảo Christmas. Một người phụ nữ là vợ hờ của Châu đã khai ra chúng em không phải dân khổ cực mà thuộc thành phần khủng bố nên bị trục xuất về Việt Nam vào đầu năm 2019” - Kiên kể.

Sau khi về nước, Kiên, Châu, Nhân bị khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, Châu đang bị tạm giam, Kiên bị giam 4 tháng, nay được tại ngoại. Viện KSND tỉnh Quảng Bình đã ra cáo trạng, truy tố Kiên và 2 đồng phạm trên ra trước tòa để xét xử sơ thẩm.

Kiên ở nhà nội trợ. Ảnh: H.N

Kiên ở nhà nội trợ. Ảnh: H.N

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/trang-tay-sau-24-lan-dot-nhap-vao-anh-1483355.tpo