Trang trại chăn nuôi căng mình ứng phó nắng nóng, mất điện
Tình trạng nắng nóng, mất điện luân phiên kéo dài làm tăng chi phí phát sinh trong khi giá sản phẩm chăn nuôi vẫn ở mức thấp khiến chủ các trang trại nháo nhào, gồng mình gánh lỗ.
Nắng nóng gay gắt cùng với tình trạng mất điện luân phiên kéo dài làm chi phí phát sinh tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi vẫn ở mức thấp khiến chủ các trang trại nháo nhào.
Vất vả, tốn kém
Mỗi lần nghe thông báo mất điện, ông Đào Hữu Luân ở thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) lại thở dài lo lắng. Nhưng được thông báo trước vẫn may mắn hơn những lần cắt điện đột xuất. Theo ông Luân, chưa năm nào tình trạng cắt điện luân phiên lại kéo dài như năm nay. Chỉ cần mất điện 30 phút, toàn bộ đàn gà có thể bị thiệt hại, chất lượng trứng giảm sút, mọi công sức coi như “đổ sông, đổ biển”. Để giảm thiệt hại, ông phải mua thêm một máy phát điện công suất 70 KW/h để dự phòng máy móc trục trặc.
“Mất điện kéo dài như những ngày vừa qua người chăn nuôi như chúng tôi là khổ nhất. Nếu quạt thông gió ngừng hoạt động, không khí không thể lưu thông cộng với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ chuồng nuôi tăng nhanh khiến gà bị ngạt, sốc nhiệt và chết nhanh”, ông Luân nói.
Trang trại 35.000 con gà mái đẻ là cơ nghiệp của cả gia đình ông Luân. Để bảo đảm chuồng trại luôn ổn định từ 28-30 độ C trở xuống thì phải dùng quạt tạo gió lưu thông và hệ thống phun nước làm mát… Trang trại nuôi theo mô hình khép kín nên mất điện thì ngay lập tức phải dùng máy phát. Bởi vậy từ sáng đến đêm, gia đình ông luôn quanh quẩn bên chuồng gà không dám rời mắt.
Với những trang trại nuôi lợn tình hình cũng không khá hơn. Để bảo đảm nguồn phát điện ổn định cho trang trại 1.000 con, mới đây anh Nguyễn Đức Thao ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) phải mua bổ sung thêm 2 máy phát điện với công suất lớn. Theo anh Thao, không có điện, hệ thống làm mát, tắm cho đàn vật nuôi không thể hoạt động, cũng không cấp được nước uống. Nghiêm trọng hơn, mất điện, quạt thông gió không hoạt động, nếu không phát hiện, can thiệp kịp thời, đàn lợn sẽ chết ngạt nhanh chóng. Do vậy những ngày bị cắt điện, anh Thao và 3 lao động khác phải luôn túc trực bên máy phát điện, sẵn sàng nổ máy.
"Ở khu vực này, mỗi tuần cắt điện luân phiên từ 2-3 buổi, bình quân từ 6-8 tiếng/ngày, có ngày mất liền 12 giờ. Những hôm như vậy, gia đình tôi chạy hết khoảng 1,3 triệu đồng tiền dầu. Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền dầu đã hơn chục triệu đồng. Cả tiền điện và dầu thì lên đến hơn 70 triệu đồng/tháng. Chăn nuôi thì thua lỗ mà chi phí phát sinh ngày càng nhiều”, anh Thao ngán ngẩm nói.
Gồng mình gánh lỗ
Tại làng nghề kinh doanh ấp nở trứng gia cầm ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) tình hình càng thêm khó khăn khi mất điện kéo dài. Từ đầu năm tới nay, hoạt động kinh doanh của nhiều trang trại, cơ sở kinh doanh ấp nở trứng gia cầm bị trì trệ do giá con giống luôn ở mức thấp.
Anh Lê Công Tùng ở thôn Hạ Bì 1 nuôi 8.000 con gà giống sinh sản và có 4 máy ấp nở trứng gia cầm. Dù đã thêm máy phát điện dự phòng nhưng nhiều khi máy phát điện cũng quá tải do chạy trong thời gian dài. Mới đây, anh Tùng phải đầu tư 50 triệu đồng để mua thêm một máy phát điện công suất 40 KW/h. Không chỉ nhà anh Tùng, ở đây hộ nào cũng phải đầu tư thêm máy phát điện với công suất lớn.
Theo anh Tùng, những ngày mất điện, các hộ chăn nuôi như gia đình anh phải chạy máy phát điện công suất lớn. 2 chiếc máy phát thay nhau chạy để giảm tải. Mỗi giờ, máy phát ngốn khoảng 500.000 đồng tiền dầu. Những ngày mất điện, anh phải chi từ 4 - 5 triệu đồng để vận hành máy phát. Trong khi đó, giá gà giống bán ra chỉ 4.000 đồng/con. Tính tổng các chi phí phát sinh, anh Tùng đang phải bù lỗ 3.000 đồng/con. Việc cắt điện luân phiên kéo dài khiến chi phí phát sinh của các trang trại tăng khoảng 10%. Anh Tùng đã phải tạm dừng cả 4 máy ấp nở để cắt lỗ.
Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi gà, lợn ở nhiều tỉnh, thành phố đã xảy ra sự cố đáng tiếc khi mất điện gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi. Ở Hải Dương, do chủ động nguồn điện dự phòng nên chưa ghi nhận trang trại nào bị thiệt hại nặng do mất điện luân phiên. Dù vậy, việc thường xuyên sử dụng máy phát điện khi mất điện làm tăng chi phí sản xuất khiến chủ các trang trại chăn nuôi đang phải gồng mình gánh lỗ.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, để tránh thiệt hại, các hộ chăn nuôi cần kiểm tra ngay hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm cho các hệ thống đó vận hành tốt. Với những trang trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín 100%, cần chuẩn bị hệ thống máy phát điện có công suất phù hợp. Thường xuyên kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không bảo đảm vận hành. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp kỹ thuật chữa say nắng, cảm nóng khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do nắng nóng. Mặt khác, người chăn nuôi cần liên tục cập nhật thông tin về lịch cắt điện để có phương án chuẩn bị tốt nhất.