Trang trại chăn nuôi lợn: Những vấn đề đặt ra
Phát triển chăn nuôi lợn, nhất là chăn nuôi quy mô lớn trang trại, gia trại là phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay. Tuy nhiên thực tế hiện nay phát triển chăn nuôi lại không đi liền với việc bảo vệ môi trường đang là thách thức ở nhiều vùng nông thôn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cộng đồng.
Ô nhiễm từ các trang trại chăn nuôi lợn
Nhiều năm nay người dân thôn Tông Bốc, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) luôn phải hứng chịu cảnh mất vệ sinh từ chất thải chăn nuôi của các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trong thôn xả ra. Theo một số hộ dân, thời tiết nắng mùi hôi thối từ chất thải bốc lên nồng nặc; mưa xuống, nước mưa cùng với nước thải chảy tràn kênh mương, rãnh nước 2 bên đường rất mất vệ sinh.
Ông La Văn Oai, Trưởng thôn Tông Bốc cho biết, toàn thôn có 42 hộ chăn nuôi, trong đó lớn nhất là trang trại của ông Nguyễn Văn Minh với quy mô trên 300 con/lứa bao gồm cả lợn nái và lợn thịt. Theo ông Oai, ngay trang trại của ông Nguyễn Văn Minh, chăn nuôi quy mô lớn nhưng chỉ một lượng nhỏ chất thải được xử lý qua hệ thống bioga còn lại được xả thẳng xuống kênh mương nội đồng của thôn. Chất thải chăn nuôi không được xử lý xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm, mất vệ sinh gây bức xúc trong cộng đồng, không ít lần ông Oai phải đứng ra làm hòa giải xích mích trong nhân dân cũng chỉ vì chuyện xả chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường sống của bà con.
Người dân thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) cũng đang lo ngại về việc 1 hộ dân trong thôn mở rộng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Chị HTV (người xin được giấu tên) cho rằng, trang trại mới đi vào hoạt động thời gian ngắn nhưng mùi hôi của chất thải chăn nuôi đã nồng nặc, rất khó chịu, lâu dài chất thải dồn lại không được xử lý triệt để ô nhiễm môi trường sẽ khó tránh khỏi.
Cùng trên địa bàn huyện Sơn Dương, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến dù đã được cấp chứng nhận trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP về thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc gia nhưng đã bộc lộ những hạn chế về quy trình xử lý chất thải. Ông Cường cho biết, 10 năm trước hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình tương đối đồng bộ với hệ thống xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên sau thời gian hoạt động hiện nay hệ thống xử lý đã bị xuống cấp. Để hoạt động sản xuất của gia đình không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ông Cường di dời chuồng trại ra ngoài khu vực dân cư, đồng thời xây dựng lại hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo đúng quy định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn các trang trại chăn nuôi lợn đang áp dụng các quy trình chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước để làm mát, vệ sinh chuồng trại, chất thải lỏng trong chăn nuôi lợn xả thẳng ra môi trường hoặc qua hệ thống hầm khí sinh học, một số ít cơ sở có hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả ra môi trường. Mặc dù các hầm khí sinh học được xây dựng theo đúng quy chuẩn tuy nhiên hệ thống này chỉ phát huy hiệu quả đối với các cơ sở chăn nuôi dưới 100 con lợn/lứa; đối với chăn nuôi từ 100 con lợn/lứa trở lên đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lớn đang gây quá tải cho hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng nước thải ra môi trường không đảm bảo đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, nguồn chất thải chăn nuôi chưa được xử lý xả ra môi trường không những gây ô nhiễm mà còn làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Thực tế, một trong những nguyên nhân làm phát sinh, lây lan dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm từ chất thải chăn nuôi chưa được xử lý.
Biện pháp khắc phục ô nhiễm
Ngày 12-4 vừa qua, BCH Đảng bộ tỉnh họp cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất huyện, thành phố giai đoạn 2021-2030, trong đó có vấn đề về quy hoạch đất cho các dự án chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán kỹ lưỡng việc dành đất để mở rộng các dự án chăn nuôi. Chỉ cấp phép xây dựng trang trại chăn nuôi cho dự án chăn nuôi quy mô lớn với hạ tầng đầy đủ, hệ thống xử lý chất thải hiện đại tránh những hệ lụy sau này. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra kỹ các trang trại đã và đang xây dựng nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải kiên quyết đình chỉ.
Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi đã nhìn thấy rõ, đây là một trong những vật cản thực hiện tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Giải quyết những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chính quyền các địa phương cần rà soát lại tất cả các trang trại chăn nuôi hiện có để bảo đảm phát triển theo đúng quy hoạch và khắc phục ngay những thiếu sót, nhất là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Các huyện, thành phố cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu đặt ra như: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh... Mặt khác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm, để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục...
Theo đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hàng năm ngành đều triển khai các hoạt động: Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng; cấp phát thuốc, hướng dẫn chủ các trang trại thực hiện các biện pháp thu gom chất thải chăn nuôi để xử lý, đảm bảo môi trường chăn nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Đồng chí Ma Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa) khẳng định, xã sẽ kiểm tra lại toàn bộ các trang trại, gia trại trên địa bàn; đối với các trang trại gây ô nhiễm xã sẽ yêu cầu khẩn trương khắc phục, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân.
Gìn giữ môi trường sống, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, các chủ trang trại, gia trại cần nêu cao ý thức trách nhiệm, đầu tư cải tạo lại hệ thống chuồng trại chăn nuôi, xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường.