Trang trọng, nghĩa tình lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM
Văn nghệ sĩ TP HCM là lực lượng nòng cốt góp phần hiệu quả vào sự nghiệp phát triển chung của Thành phố, đất nước
Sáng 17-12, Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM đã diễn ra thật long trọng tại Trung tâm Hội nghị TP HCM. Đông đảo các văn nghệ sĩ thuộc 9 Hội chuyên ngành của TP đã hội ngộ trong niềm vui, ôn lại chặng đường hình thành và phát triển của Liên hiệp.
Đến tham dự có lãnh đạo TP gồm: ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương…
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM - đã phát biểu, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn đội ngũ văn nghệ sĩ: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".
Với truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm công dân cao, văn nghệ sĩ TP HCM luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật, góp phần hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Các văn nghệ sĩ TP đã ôn lại chặng đường 60 năm vẻ vang của Liên hiệp. Tiền thân là Hội Văn nghệ Giải phóng Đặc khu Sài Gòn - Gia Định - được thành lập vào đầu tháng 12 năm 1963. Sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Hội tổ chức Đại hội lần thứ II và được Ủy ban nhân dân TP HCM ra Quyết định tiếp nhận vào ngày 26-8-1976 với tên gọi Hội Văn nghệ Giải phóng TP HCM.
"Lúc này, Hội đã quy tụ nhiều văn nghệ sĩ từ các nguồn khác nhau gồm các văn nghệ sĩ từ Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định cho đến một số văn nghệ sĩ có tư tưởng yêu nước sống trong vùng tạm chiếm, cùng một số văn nghệ sĩ từ tập kết miền Bắc trở về và những văn nghệ sĩ thế hệ đầu tiên này đã tạo thành "xương sống" cho các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật" - Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh.
Trong buổi lễ, văn nghệ sĩ đã xúc động xem lại phóng sự hơn 23 phút mà Hội Điện ảnh TP HCM đã thực hiện, nhắc lại những tác giả, nghệ sĩ, đạo diễn đã dấn thân quên mình cho ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ TP.
Về văn học có các nhà văn, nhà thơ: Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Khải, Lê Văn Thảo, hay Bảo Định Giang, Trần Bạch Đằng, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Lý Văn Sâm, Vũ Hạnh, Lưu Trùng Dương, Trang Thế Hy, Hoài Vũ, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Sơn Nam…
Lĩnh vực âm nhạc có: nhạc sĩ Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Xuân Hồng, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Thương, Ca Lê Thuần, Tôn Thất Lập, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn, Phan Thanh Nam, Văn Thành Nho, Trần Mạnh Hùng, Đinh Trung Cẩn, Vũ Thành, Vũ Hoàng, Võ Đăng Tín, Đặng Văn Bông, Khánh Vinh, Trương Tuyết Mai, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Văn Hiên…
Sân khấu có các nghệ sĩ: tác giả Trần Hữu Trang, Trương Bỉnh Tòng, Phạm Ngọc Truyền, Nguyễn Văn Bạch, đạo diễn NSND Ngô Y Linh, soạn giả Phi Hùng, tác Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Ngô Hồng Khanh, Lê Thu Hạnh, Lê Chí Trung, NSND Kim Cương, NSƯT Thanh Nga, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu…
Lĩnh vực điện ảnh có: NSND đạo diễn Hồng Sến, An Sơn - Thép Hồng, Mai Lộc, Khương Mễ, Phạm Khắc, Dương Minh Đẩu, Huy Thành, Xuân Phượng, Đoàn Quốc, Lê Văn Duy, Trà Giang, Lâm Tới, Minh Đức,…
Lĩnh vực mỹ thuật có: họa sĩ Diệp Minh Châu, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Thanh Châu, Thái Hà, Nguyễn Cao Thương, Hoàng Trầm, Quách Phong, Cổ Tấn Long Châu, Lê Thị Kim Bạch, Đặng Ái Việt; điêu khắc gia Nguyễn Hải, Phạm Mười, Phan Thị Gia Hương, Đinh Rú,…
Lĩnh vực kiến trúc có: kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Quang Nhạc, Trần Đình Quyền, Khương Văn Mười, Nguyễn Văn Tất,…
Lĩnh vực nhiếp ảnh có: nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, Lâm Hồng Long, Nguyễn Mạnh Đan, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Hữu Cấy, Lê Minh Trường, Nguyễn Đặng, Đoàn Công Tính, Dương Thanh Phong, Trần Phú Hạnh, Minh Lộc, Nguyễn Á, …
Nghệ thuật múa có: NSND Thái Ly, Đặng Hùng, Vũ Việt Cường, Trần Kim Quy, Trần Hoàng Hải, Lê Kim Tiến, Tô Nguyệt Nga, Nguyễn Thị Phi Yến, Hoàng Phi Long, Nguyễn Bá Thái, Lê Ngọc Cường, Ngô Đặng Cường, Đặng Hùng, Hà Thế Dũng, Đoàn Vương Linh…
Đến nay, Liên hiệp có 24 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 90 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước. Đặc biệt, có 4 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân; 1 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (đạo diễn Phạm Khắc).
Sau Đại hội lần thứ III vào ngày 10-1-1985, Hội được đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP HCM. Từ Đại hội lần thứ V năm 2001 đến nay, Hội được đổi tên là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP HCM.
Hiện nay, Liên hiệp có hơn 5.400 hội viên sinh hoạt trong 9 Hội thành viên là: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nhiếp ảnh, Hội Múa và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - đã phát biểu, văn nghệ sĩ TP HCM quyết tâm phấn đấu xây dựng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thành phố thật sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh.
Chủ động xây dựng các kế hoạch, giải pháp nhằm không ngừng tạo điều kiện, phát huy năng lực sáng tạo của hội viên thông qua các hoạt động đầu tư sáng tác, quảng bá tác phẩm, các hoạt động về nguồn, tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế, hoạt động xét trao giải thưởng và nhất là việc phát động, vận động văn nghệ sĩ tiếp tục đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
"Vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần sớm được khắc phục. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt văn nghệ sĩ trẻ, công tác chăm lo các văn nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho văn học, nghệ thuật cũng cần được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động mang tính đồng bộ sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ Thành phố trong thời gian tới, hướng đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, thể hiện sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ cho ngày lễ trọng đại này bên cạnh các kế hoạch hoạt động thường niên của các Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP mang tên Bác Hồ kính yêu" - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.