Trăng trong những tình khúc

Không biết tự bao giờ, trăng đã hiện diện trong những tình khúc. Những bản tình ca Việt với ánh trăng khuya có những ca từ đẹp, thơ mộng đã rót vào tai người nghe qua những giai điệu, khi mượt mà, khi sâu lắng, neo lại những rung động khó phai trong lòng khán thính giả yêu âm nhạc nhiều thế hệ.

Trăng trong những ca khúc viết về quê hương, đất nước

Nhạc phẩm “Huyền diệu” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã có những ca từ diễn tả những nét đẹp của đêm trăng rằm, xua những tối tăm đã qua. Đảng đã đem lại những điều tốt đẹp, tươi sáng cho đất nước, cho nhân dân. Đêm dưới ánh trăng cũng đã trở thành những đêm huyền diệu: “Ôi! Đẹp trăng rằm tối tăm đã qua/ Ôi! Trăng gần và cả sao xa/ Lung linh mặt đất đêm huyền diệu/ Cát bụi đường trăng hóa ngọc ngà…”.

Ở “Bức họa đồng quê”, nhạc sĩ Văn Phụng đã đưa không khí tươi vui của những ngày thu hoạch thành quả lao động ở ngày mùa vào, để người nghe rộn ràng cùng niềm vui ấy: “Vầng trăng nhô lên cao, soi sáng khắp lối xóm/ Ai nấy vui làm với muôn ngàn câu hò”.

Nhạc sĩ Đan Thọ đã mang tới cảm nhận về ánh trăng trải trên những tàu lá dừa ở một xóm nhỏ. Người dân quê chan hòa tình cảm với người ở tiền tuyến về giải phóng quê hương trong nhạc phẩm “Tình quê hương”: “Em mời anh dừng lại, đêm trăng ướt lá dừa/ Bên nồi khoai mới luộc/ Ngát thơm vườn ngâu thưa/ Em hẹn em sẽ kể: Tình quê hương đơn sơ”.

Dưới một góc nhìn gần gũi, quê hương là đêm trăng sáng, với hoa cau rụng trắng ngoài thềm. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã phổ nên những giai điệu nhẹ nhàng cho những lời thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, thành nhạc phẩm: “Quê hương”: “Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che/ Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm”.

Nhạc phẩm “Tình đồng chí”, lời thơ: nhà thơ Chính Hữu, nhạc: nhạc sĩ Minh Quốc, đã có những hình ảnh thật thơ mộng của ánh trăng treo đầu súng. Những chiến sĩ đến từ những miền quê nghèo, giữa rừng hoang giá lạnh, vẫn chia sẻ cùng nhau hơi ấm khi đêm về: “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Nằm kề bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”.

Nhạc sĩ Hoàng Vân đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trên đường kháng chiến, với hình ảnh: vầng trăng rực sáng treo trên đầu võng trong ca khúc “Người chiến sĩ ấy”: “Ơi! Hỡi vầng trăng rực sáng/ Treo đầu võng trên Đồng Tháp Mười/ Đồng bao nhiêu nước thương anh biết mấy/ Lớp lớp đời sau nguyện nhớ suốt đời”.

Một nhạc phẩm rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang, phổ từ ý thơ của nhà thơ Phan Vũ, “Em ơi! Hà Nội phố”, cũng đã có hình ảnh của mảnh trăng mùa đông: “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/ Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông”.

Và còn bao tình khúc khác nữa viết về quê hương, đất nước, có ánh trăng trải rộng.

Trăng trong những ca khúc viết về tình yêu

Đất nước liền một dải, người con trai gởi đến người con gái chiếc nón bài thơ của quê hương. Chiếc nón ấy, lợp bao yêu thương vào đây, có cả hình ảnh của những dòng sông, cả vầng trăng và cả bầu trời xanh thơ mộng. Nhạc phẩm: “Gửi em chiếc nón bài thơ” của tác giả Lê Việt Hòa đã có những ca từ: “Anh gửi tặng nón bài thơ quê mẹ/ Gửi cho em dòng sông cửa bể/ Cả vầng trăng và cả trời xanh…”.

Chiếc cầu đã từng là nơi hò hẹn của những chàng trai, cô gái. Đã có những nét đẹp không thiếu sự ấm áp của tình yêu, trong những đêm trăng sáng ở chiếc cầu. Ca khúc “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sĩ Văn An đã có những lời ca đẹp: “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo/ Nhịp cầu nối những bờ vui”.

Thêm một tình khúc nữa, “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Nghe lời ca dưới ánh trăng đêm nay, tác giả lại nhớ về người thương ngày trước: “Lời ai ca, dưới ánh trăng này? Rừng đước mênh mông, đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai!”. Tác giả nhớ đến ánh trăng Gành Hào thuở thanh xuân, nay xa thời gian ấy, lại tiếc vầng trăng năm cũ: “Bạc Liêu ơi! Có nhớ chăng người? Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương. Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng”.

Một nhạc sĩ rất nổi tiếng người Bình Thuận, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, đã viết nên ca khúc được đông đảo khán thính giả yêu thích: Ca khúc “Hàn Mặc Tử”. Ánh trăng trong nhạc phẩm gợi một chuyện tình buồn. Để: “Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ/ Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”. (Trích hai dòng từ bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết!” của nhà thơ Hàn Mặc Tử).

Ca khúc “Đêm La Gi” (nhạc: nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, lời thơ: Võ Thị Khánh Lan) có ánh trăng chiếu rọi. Vẻ thơ mộng của bãi biển La Gi thân thương những đêm trăng, gợi trong lòng người con của quê hương nỗi nhớ về một người yêu giờ xa lắm. “Đêm La Gi có trăng vàng phơi trên bãi/ Đêm La Gi có con sóng ngóng chờ ai”.

Cùng rất nhiều tình khúc khác, có vầng trăng khuya soi sáng.

Trăng đã có mặt ở rất nhiều khúc tình ca. Có những lãng mạn, thơ mộng, tràn đầy yêu thương. Có cả nơi chiến trường. Có mảnh trăng những ngày đông giá rét… Trăng đi vào nhạc, gợi những rung cảm tận đáy lòng con người. Và có lẽ, trăng vẫn sẽ còn trở lại trong những tình khúc mới, với bao ca từ đẹp, cùng bao giai điệu, với nhiều cung bậc cảm xúc đẫm thương yêu.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/trang-trong-nhung-tinh-khuc-99892.html