Tránh 'bẫy' trên không gian mạng

Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục ghi nhận các nạn nhân dính vào bẫy 'việc nhẹ, lương cao' của bọn lừa đảo, với số tiền bị mất rất lớn. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau vụ việc 437 công dân Việt Nam mắc bẫy “việc nhẹ, lương cao”, bị giam giữ, cưỡng bức phải tham gia các vụ lừa đảo trực tuyến, được lực lượng chức năng Philippines giải cứu khỏi cơ sở đánh bạc gần Thủ đô Manila, ngày 4/5/2023, thời gian qua, Công an các địa phương liên tiếp xử lý các vụ việc người dân bị các nhóm lừa đảo đưa vào ma trận kinh doanh online để chiếm đoạt tiền. Bọn tội phạm tạo cho nạn nhân tài khoản xã hội, hướng dẫn họ thực hiện các thao tác “giúp hệ thống cửa hàng tăng doanh số bán hàng” để hưởng số tiền hoa hồng hậu hĩnh. Sau khi nạn nhân chuyển tiền đầu tư vào tài khoản do chúng lập ra, các “đối tác” nhanh chóng xóa mọi liên lạc và họ mới biết mình đã bị lừa...

Những chiêu trò lừa đảo trên không mới, mà đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng nhiều nạn nhân vẫn dễ dàng “mắc bẫy” với số tiền bị lừa lên đến hàng tỉ đồng. Nhập từ khóa "việc nhẹ, lương cao" trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,3 giây đã cho ra tới 13,3 triệu kết quả, mới thấy rằng, sự quan tâm đối với vấn đề này rất lớn. Đồng thời, cũng có tới hàng trăm nghìn kết quả cho từ khóa “lừa đảo việc làm” nhằm cảnh báo tới người dân về những cạm bẫy trong tuyển dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tội phạm lừa đảo trên mạng vẫn “thành công” khi đánh trúng tâm lý thích nhàn hạ nhưng mong cầu thu nhập cao và lợi dụng lòng tham hoặc sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận biết, phòng ngừa, tránh xa các cạm bẫy được giăng ra hết sức tinh vi nhưng cũng không ít người “dính bẫy” bởi tâm lý chủ quan: “lừa đảo ở đâu chứ sao lừa nổi mình”.

Đối tượng lừa đảo thường nhắm vào nhóm người trẻ, những người có thời gian, có nhu cầu về việc làm, thu nhập thêm mà không phải qua xét duyệt, thi tuyển, đòi hỏi chuyên môn. Thế nên, các chiêu trò: Tuyển dụng gấp lao động phổ thông với mức lương cao; sàn giao dịch áo bất động sản, chứng khoán, tiền số; chào mời đầu tư, gia tăng doanh số bán hàng trên mạng lưới ảo để hướng hoa hồng... vẫn còn đất dung thân.

Chuyên gia an ninh khuyến cáo, các đối tượng lừa đảo dùng nhiều hình thức lừa đảo rất đa dạng mà cơ quan chức năng không thể cảnh báo hết. Các nạn nhân mắc bẫy lừa đảo qua mạng cũng vô vọng trong việc truy tìm các đối tượng lừa đảo bởi tên tuổi, địa chỉ liên lạc, tài khoản giao dịch, hội nhóm lập ra trên mạng xã hội đều là ảo. Sau mỗi phi vụ, bọn tội phạm xóa bỏ toàn bộ dấu vết tin nhắn, giao diện, dữ liệu giao dịch...

Trước tình trạng mua bán dữ liệu tràn lan, cộng với sự nở rộ của các loại hình mạng xã hội, mức độ tiếp cận của những đối tượng lừa đảo với người dùng càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là mỗi người dân phải tự bảo vệ mình trước những cám dỗ trên mạng xã hội. Người dân cần xác minh, kiểm chứng tính chính xác các thông tin như trúng thưởng, việc làm, cảnh giác trước các lời mời, quảng cáo tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng trên các trang mạng xã hội.

Chỉ khi người sử dụng mạng xã hội trang bị cho mình một bộ lọc thông tin tốt, thì sẽ không còn các nạn nhân của các chiêu trò “việc nhẹ lương cao”, để không tự biến mình thành "con mồi" cho tội phạm lừa đảo. Đồng thời, người dân hãy chủ động tố giác đến các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.

Dư luận mong rằng, các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội có trách nhiệm hơn với người dùng, bảo vệ môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tranh-bay-tren-khong-gian-mang-post464912.html