Tránh bệnh 'diễn' trong đánh giá năng lực giáo viên

Cuộc tranh luận giữa một giáo viên với phụ huynh học sinh về tiết học dự giờ tại một trường mầm non trên địa bàn thành phố Đông Hà hôm đó thu hút nhiều người quan tâm.

 Học sinh trường mầm non tham gia một hoạt động chào mừng Giáng sinh. Ảnh: HN

Học sinh trường mầm non tham gia một hoạt động chào mừng Giáng sinh. Ảnh: HN

Phụ huynh nọ khá gay gắt khi cho rằng giáo viên không đối xử công bằng với con mình khi vào tiết dự giờ, một số học sinh trong đó có con chị được di chuyển sang lớp khác. Mặc dù trước đó, giáo viên chủ nhiệm lớp gửi thông báo cho phụ huynh chuẩn bị trang phục gọn gàng để các cháu có tiết dự giờ vào ngày hôm sau. Trong suốt thời gian chuẩn bị cho tiết dự giờ này, con chị vẫn được “ôn luyện” cùng các bạn và rất phấn khởi trước sản phẩm vẽ tranh của mình do cô giáo hướng dẫn. Giáo viên giải thích rằng, việc đưa một số học sinh sang lớp khác trong tiết dự giờ là do có sự cố xảy ra trước giờ học khiến học sinh không chịu hợp tác, vì thế giáo viên mới cho các em tạm lánh mặt để ổn định tâm lí chứ không có chuyện đối xử không công bằng.

Sau câu chuyện trên, phụ huynh này đã chuyển cho con sang một trường tư thục ở khá xa nhà. Mặc dù trường xa, bạn mới sẽ khó khăn cho con khi hòa nhập nhưng phụ huynh này suy nghĩ rằng, ở đó con mình sẽ được đối xử công bằng hơn. Cũng có thể lí do chuyển trường cho con của phụ huynh nọ chưa thuyết phục lắm và hơi vội vàng bởi lẽ việc con không có mặt trong một tiết học chưa thể khẳng định được rằng do giáo viên đối xử không công bằng. Cũng có thể, lí do mà giáo viên đưa ra là đúng. Con gái tôi cũng đã rơi vào trường hợp như vậy, vào trước tiết học dự giờ, cháu trèo ngã và khóc, không chịu ngồi học cùng các bạn. Dỗ mãi không nín trong khi giờ học đã bắt đầu nên cô giáo đành phải gửi tạm sang lớp khác. Tuy nhiên, câu chuyện này đề cập đến một thực tế lâu nay vẫn xảy ra, đó là có sự tuyển chọn học sinh tham dự học tập trong các tiết dự thi giáo viên dạy giỏi. Một số giáo viên mầm non tâm sự rất thật rằng, với một lớp học từ 25-30 cháu thì cũng có vài cháu không chịu hợp tác với giáo viên nên việc đưa các cháu sang lớp khác trong giờ giảng bài của cô là có thật. Nhưng giáo viên cho rằng đó là tình thế bắt buộc, vì để được đánh giá giáo viên dạy giỏi hay không phụ thuộc nhiều vào các tiết dự giờ đó nên mong phụ huynh thông cảm. Những tiết học để giáo viên thi dạy giỏi được đầu tư rất công phu và đó chính là điều kiện để đánh giá năng lực của giáo viên nên ai cũng muốn diễn ra trôi tròn.

Không chỉ bậc mầm non, cách đây không lâu, thông tin nhiều phụ huynh một trường tiểu học trên địa bàn quận Ngô Quyền (Hải Phòng) phàn nàn về việc con em học lực kém nên phải tạm nghỉ ở nhà để cô giáo thi giáo viên dạy giỏi đồng loạt xuất hiện trên báo. Sau đó Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) kết luận việc học sinh kém không được đến lớp vì hội thi giáo viên dạy giỏi tại quận Ngô Quyền không có cơ sở nhưng dư luận vẫn chưa hết băn khoăn về kết luận này.

Vào đầu tháng 3/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn gửi các trường học trên địa bàn thành phố về việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các môn văn hóa cấp thành phố năm học 2018-2019. Theo đó ngành GD-ĐT thành phố Hà Nội nghiêm cấm các nhà trường tuyển chọn học sinh tham dự học tập trong các tiết dự thi giáo viên dạy giỏi; không được dàn xếp, dạy trước... với học sinh của lớp được phân công tiết dự thi; không được yêu cầu học sinh chuẩn bị quá mức bình thường.

Với những gì diễn ra thì câu chuyện “dàn xếp” lớp để giáo viên thi dạy giỏi không phải không có cơ sở. Cũng giống như các cuộc thi học sinh giỏi, giáo viên thi dạy giỏi cũng phải “luyện” hàng tháng trời, chịu rất nhiều áp lực. Đương nhiên, những tiết dạy đó cũng được nhà trường hỗ trợ tối đa, hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên của mình cả đạo cụ, lẫn cách ăn nói, ngôn ngữ cơ thể sao cho màn “diễn” suôn sẻ nhất. Tất nhiên, khi giáo viên áp lực thì học sinh cũng chịu không ít áp lực, phải cùng “luyện” với cô. Việc rèn luyện kiến thức thì không bao giờ thừa, tuy nhiên nếu rơi vào trường hợp “dàn dựng” thì rất hình thức. Để đánh giá năng lực của một giáo viên phải là một quá trình. Thực tế, một vài tiết dạy tốt không phản ánh hết được khả năng của giáo viên. Vì vậy, nên chăng thay cho một vài tiết giảng, cần đánh giá giáo viên qua cả quá trình hay ngoài giảng dạy cần những biện pháp đánh giá khác thiết thực hơn. Một giờ học được luyện trước mà tốt thì đó không phải là một tiết dạy xuất sắc, ngược lại, một giờ học bình thường như bao giờ học khác mà ở đó, giáo viên và học sinh tương tác tốt với nhau, giáo viên thể hiện được trình độ chuyên môn, khả năng giảng dạy còn học sinh thì hăng say phát biểu, đó mới là tiết học thực chất. Riêng với độ tuổi mầm non, không nên đòi hỏi ở các em một sự chỉnh chu tuyệt đối và sự hợp tác hoàn hảo với giáo viên.

Việc ngành GD-ĐT Hà Nội cấm tuyển chọn học sinh tham dự học tập trong các tiết dự thi giáo viên dạy giỏi, cấm dàn xếp tiết học một cách hoàn hảo... là một việc làm ý nghĩa, cần được nhân rộng ở các địa phương khác để tránh bệnh “diễn” trong đánh giá năng lực giáo viên. Nhưng có chữa được bệnh “diễn” hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi lẽ, thành tích của giáo viên là thành tích của nhà trường. Nếu các trường học vẫn dàn dựng, các giáo viên vẫn dành thời gian “luyện thi” hàng tháng trời thì cơ chế nào để cấm. Cách thiết thực, hiệu quả nhất vẫn là đánh giá giáo viên cả một quá trình và đưa ra các tiêu chí phù hợp hơn để đánh giá.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145334