Tranh cãi chuyện thu phí học trực tuyến giữa dịch COVID-19
Học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh COVID-19, trong khi các trường tư vẫn phải duy trì trả lương cho giáo viên và dạy trực tuyến.
Nhiều ngày qua, câu chuyện phụ huynh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) được yêu cầu thu thêm tiền để phục vụ việc học trực tuyến trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang gây tranh cãi.
Theo đó, mức thu mà ban đại diện phụ huynh thông báo là 1 triệu đồng/học sinh/tháng. Một số đồng tình vì cho rằng đây là sự chia sẻ khó khăn với nhà trường nhưng một số cũng phản đối kịch liệt vì nói chưa hề được thảo luận hay thông báo gì trước đó.
Không chỉ Trường Lương Thế Vinh, đây cũng là vấn đề của nhiều trường tư trên địa bàn Hà Nội: Thu hay không thu chi phí dạy học trực tuyến?
Ông Nguyễn Kiến Thiết, phát ngôn Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, nói trường đang gặp rất nhiều khó khăn do học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh. Trong khi học phí của học sinh không thu (những tháng nghỉ vì dịch), trường vẫn phải duy trì trả lương cho giáo viên cũng như tổ chức dạy trực tuyến.
Về khoản phí 1 triệu đồng/học sinh/tháng, ông Thiết giải thích đây là ý tưởng của ban đại diện phụ huynh chứ không phải yêu cầu của nhà trường.
“Khi trường nói gặp khó khăn, có thể ban đại diện phụ huynh muốn chia sẻ, trường đã có thư cám ơn thiện chí này. Hiện số tiền đã thu vẫn do ban đại diện phụ huynh cầm chứ trường chưa nhận đồng nào” - ông Thiết nói.
Vị này nhắc đến Công văn 769 ngày 13-3 vừa qua của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong đó yêu cầu các trường không được thu bất cứ một khoản tiền nào đối với phụ huynh học sinh trong quá trình học online, kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh ủng hộ dưới bất kỳ hình thức nào.
Ông cho rằng với trường công lập thì không có vấn đề gì nhưng các trường ngoài công lập thì đang gặp khó vì công văn trên. Với việc tự thu tự chi, các trường cần phải có tài chính để duy trì hoạt động dạy học trực tuyến một cách hiệu quả.
Trả lời về việc thu phí dạy học trực tuyến, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT, cho rằng đối với trường công lập thì thực hiện theo Nghị định 86/2015 và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Theo đó, không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh. Các đơn vị chỉ thực hiện thu học phí đối với tháng đi học bù, đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu chín tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm.
Riêng với hệ thống trường ngoài công lập, việc thu học phí thực hiện theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh. Việc hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ do phòng dịch bệnh là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa.
Do đó, việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm. Việc thỏa thuận phải thông báo công khai ngay từ đầu.
Được thu nhưng không vượt học phí một năm
Sau Văn bản 769 được cho là “bó chân” các trường tư, ngày 17-3, Sở GD&ĐT tiếp tục có Văn bản 809 về dạy học trực tuyến trong lúc dịch COVID-19, trong đó đề cập tới vấn đề thu phí.
Cụ thể, đối với trường ngoài công lập, sở yêu cầu căn cứ vào điều kiện của mình, nhà trường có thể tiến hành dạy học online cho học sinh. Việc dạy học online phải được nhà trường xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định.
Quá trình tổ chức dạy học online của nhà trường phải đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm, chất lượng. Sau khi học sinh trở lại trường, cần tiếp tục rà soát, dạy bổ sung kiến thức cho học sinh, đảm bảo học sinh được học đầy đủ chương trình, nội dung, kiến thức theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, sở yêu cầu các trường cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được nhà trường thông báo.