Tranh cãi dai dẳng tắc đường do ô tô hay xe máy?

Nhiều người cho rằng, ô tô con là thủ phạm gây tắc đường vì chiếm diện tích lớn trong lưu thông trong khi chở quá ít người. Tuy nhiên, luồng ý kiến còn lại cho rằng, xe máy mới là nguyên nhân khiến giao thông hỗn loạn.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế và môi trường. Trong các cuộc tranh luận xoay quanh nguyên nhân gây tắc đường, hai "đối tượng" thường xuyên bị chỉ trích là ô tô và xe máy.

Dòng ô tô xe máy đan kín vào nhau tại một giao lộ ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Dòng ô tô xe máy đan kín vào nhau tại một giao lộ ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Tranh cãi ô tô hay xe máy gây tắc đường

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc gia tăng nhanh chóng của phương tiện, đặc biệt là ô tô cá nhân trong khi hạ tầng không theo kịp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ùn tắc.

Theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội (nay là Sở Xây dựng), đến năm 2024, thành phố có khoảng 8 triệu phương tiện cá nhân, trong đó 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Mỗi năm, Hà Nội có thêm hàng chục nghìn ô tô đăng ký mới, trong khi mặt đường không được mở rộng tương ứng. Hệ quả là các tuyến phố vốn đã chật hẹp lại càng thêm quá tải, nhất là vào giờ cao điểm.

Một trong những lập luận phổ biến chống lại ô tô là loại phương tiện này chiếm diện tích quá lớn so với lượng người chuyên chở. Một chiếc ô tô cá nhân chiếm khoảng 10-12m2 mặt đường, thông thường chỉ chở từ 1–2 người. Trong khi đó, một chiếc xe máy có diện tích nhỏ hơn rất nhiều (khoảng 2m2) nhưng với số người chuyên chở gần tương đương.

Ô tô "dàn hàng ngang" đi sát vỉa hè khiến người đi xe máy buộc phải len lỏi, điền vào chỗ trống. Ảnh: Thạch Thảo

Ô tô "dàn hàng ngang" đi sát vỉa hè khiến người đi xe máy buộc phải len lỏi, điền vào chỗ trống. Ảnh: Thạch Thảo

Ngoài ra, ô tô có xu hướng “kìm hãm” dòng chảy giao thông khi không thể linh hoạt chuyển hướng như xe máy. Trong các tình huống ùn tắc, ô tô không thể thoát ra nhanh chóng, tạo nên những điểm kẹt cứng khiến tình hình càng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ô tô là thủ phạm. Ở phía ngược lại, không ít người cho rằng xe máy mới chính là nguyên nhân gốc rễ của ùn tắc giao thông đô thị.

Với khoảng 75 triệu xe máy đang lưu hành tại Việt Nam, số lượng gấp nhiều lần ô tô, lại thường xuyên vi phạm luật giao thông như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, tạt đầu, luồn lách hay leo vỉa hè... xe máy là nguyên nhân khiến hệ thống giao thông trở nên hỗn loạn và thiếu hiệu quả. Do đó, xe máy chắc chắn không vô can với tắc đường.

Nhiều người đi xe máy thường xuyên chạy ẩu, không tuân thủ luật giao thông, gây mất trật tự và an toàn trên đường phố. Ảnh: Nguyễn Huế

Nhiều người đi xe máy thường xuyên chạy ẩu, không tuân thủ luật giao thông, gây mất trật tự và an toàn trên đường phố. Ảnh: Nguyễn Huế

Thủ phạm thật sự có phải do phương tiện?

Thay vì đổ lỗi cho ô tô hay xe máy, một số chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng và tổ chức giao thông chưa khoa học, đồng bộ mới là nguyên nhân cốt lõi của ùn tắc.

Tại các đô thị lớn, việc xây dựng chung cư, trung tâm thương mại san sát nhau mà không kèm theo quy hoạch bãi đỗ xe hợp lý khiến phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô buộc phải dừng, đỗ tràn lan trên đường, khiến lòng đường càng bị bó hẹp. Hầu hết các tuyến đường không có dải phân cách rõ ràng cho hai loại phương tiện là ô tô và xe máy, dẫn đến trình trạng "giành đường" của nhau.

Thêm vào đó, hệ thống giao thông công cộng như tàu điện trên cao, xe buýt... chưa đủ hấp dẫn và thuận tiện để người dân từ bỏ xe cá nhân. Do vậy, tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt, tàu điện hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Điều này dẫn đến việc người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân, vô tình gia tăng áp lực lên đường phố mỗi ngày.

Ô tô hay xe máy mới là nguyên nhân gây tắc đường? Ảnh: Hoàng Hà

Ô tô hay xe máy mới là nguyên nhân gây tắc đường? Ảnh: Hoàng Hà

Theo các chuyên gia về giao thông, bài toán ùn tắc không thể giải quyết nếu chỉ chăm chăm hạn chế một loại phương tiện nào đó. Thực tế, ở các nước phát triển, xe ô tô vẫn được sử dụng rộng rãi, nhưng không gây tắc đường nhờ hệ thống hạ tầng đồng bộ, ý thức người tham gia giao thông tốt và hệ thống giao thông công cộng phát triển.

Tại Việt Nam, nếu xe máy bị hạn chế mà không có phương tiện thay thế hiệu quả, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển. Ngược lại, nếu khuyến khích quá mức ô tô cá nhân mà không có quy hoạch đô thị hợp lý, ùn tắc sẽ tiếp tục trầm trọng hơn. Chưa kể tới áp lực rất lớn về chỗ đậu xe đạt tiêu chuẩn, vốn rất bức thiết tại các thành phố hiện nay.

"Thay vì tranh cãi ô tô hay xe máy là nguyên nhân, điều cần làm là nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện: nâng cấp hạ tầng, tổ chức lại luồng giao thông, xây dựng hệ thống vận tải công cộng hiệu quả và đặc biệt là nâng cao ý thức người tham gia giao thông", một chuyên gia chia sẻ.

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-cai-dai-dang-tac-duong-do-o-to-hay-xe-may-2392265.html