Tranh cãi gay gắt xoay quanh việc 'bộ hanbok Kim So Hyun mặc là trang phục Trung Quốc'
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc khẳng định rằng bộ hanbok mà diễn viên Kim So Hyun mặc trong phim 'River Where The Moon Rises' (Sông đón trăng lên) vốn là trang phục của Trung Quốc. Cư dân mạng Hàn tất nhiên không chấp nhận ý kiến đó, gây ra tranh cãi căng thẳng.
Khi diễn viên Kim So Hyun của Hàn Quốc đăng lên mạng xã hội bức ảnh cô mặc bộ hanbok tại trường quay phim River Where The Moon Rises (Sông đón trăng lên), có lẽ cô không hình dung ra rằng một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa cư dân mạng Hàn và Trung sắp bắt đầu.
Bên dưới bức ảnh của Kim, nhiều cư dân mạng Trung Quốc bình luận rằng bộ trang phục truyền thống mà cô đang mặc thật ra là trang phục Trung Quốc, gọi là hanfu. Họ cũng nói rằng Hàn Quốc đã cố tình lấy trang phục của Trung Quốc, tự nhận là của mình rồi gọi đó là hanbok.
Cư dân mạng Trung Quốc viết những bình luận mỉa mai, chẳng hạn như: “Cô thậm chí copy cũng không đúng. Cô nương à, phần cổ áo bên phải nên ở dưới cổ áo bên trái, cô có biết không?”.
Thậm chí, họ cũng tìm lại bức ảnh trước đó mà Kim đăng, cũng mặc trang phục trong phim, và viết: “Tại sao phụ kiện trông giống của thời nhà Minh vậy?”…
Đây là vụ việc mới nhất trong những tranh cãi kéo dài giữa cư dân mạng Hàn và Trung. Trước đó, Park Hye Min, một YouTuber và chuyên gia trang điểm nổi tiếng người Hàn, còn được gọi là Pony, đã bị “ném đá” khi cô đăng video mình mặc hanbok để “trang điểm theo kiểu truyền thống Hàn Quốc”. Khi ấy, cư dân mạng Weibo của Trung Quốc đã chỉ trích Pony vì mặc “trang phục Trung Quốc” và đeo cả trâm cài tóc của Trung Quốc (zan), được mua từ Taobao (nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc).
Khi đó, cư dân mạng xứ Trung yêu cầu Pony phải công khai giải thích về sự lựa chọn phụ kiện của mình. Nhưng theo trang Global Times, YouTuber người Hàn này chưa có phản hồi, chỉ khóa bình luận trên trang Weibo của cô.
Trong khi đó, cư dân mạng Hàn Quốc vẫn giữ vững lập trường, nói rằng hanbok là của Hàn Quốc, khác với hanfu của Trung Quốc. Trên Twitter, họ dùng hashtag #hanfu_isnot_hanbok (hanfu không phải là hanbok) để chỉ ra những điểm khác biệt trong thiết kế giữa hai loại trang phục này, đồng thời “mắng ngược” cư dân mạng Trung Quốc.
Thậm chí, đài SBS của Hàn cũng từng vào cuộc về vấn đề này, nói rằng cư dân mạng Trung Quốc nhằm vào những người nổi tiếng của Hàn chỉ vì cảm thấy “bị đe dọa” trước sự nổi trội của K-Pop và phim Hàn, theo như Koreaboo đưa tin.
Hiện tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, bởi vì nói cho cùng, những tranh cãi trên mạng xã hội vì có sự tham gia của rất đông người nên thường kéo dài, bất chấp việc có lời giải thích hợp lý nào hay không.
Thục Hân
(Theo nhiều nguồn tin)