Tranh cãi gay gắt xung quanh việc tách Luật Giao thông đường bộ

i tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc tách Luật Giao thông đường bộ thì sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí và giải quyết 2 vấn đề bức xúc là hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lại không đồng tình việc này.

Hôm nay (11/11), Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT).

Đại biểu Quốc hội nói không đồng tình

Thảo luận về nội dung trên, đề cập đến việc chuyển đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) sang Bộ Công an quản lý, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đến thời điểm này, chúng ta phải thực hiện xã hội dân sự, việc gì xã hội làm được thì giao cho xã hội.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Sinh nêu ý kiến: “Thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang làm tốt. Nếu chỉ vì có hiện tượng GPLX giả mà phải chuyển sang công an, thì liệu có tốt hơn không? Đến tiền còn làm giả được, thì có chuyển việc in tiền sang cho công an làm? Vậy chứng minh thư làm giả như Bộ trưởng Công an đã nói, thì chuyển cho ai làm?”.

Đại biểu Sinh cũng đặt câu hỏi, việc đang xã hội hóa hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch GPLX, giờ chuyển lĩnh vực này sang Bộ Công an quản lý, thì hàng nghìn nhân sự ngành giao thông đang làm công việc này chuyển sang có làm ngành công an tăng biên chế không?

“Chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho Bộ Công an, vậy cấp bằng tàu hỏa, máy bay, thì Bộ Công an có làm không?”, đại biểu nhấn mạnh.

Cho ý kiến về sự cần thiết tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) cho rằng, tách các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ để đưa vào Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là không hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình).

Theo đại biểu Tuấn, xét về mặt lý luận “giao thông đường bộ” được tạo thành bởi 4 thành phần gồm: kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Nếu rút một trong bốn thành tố đưa sang luật khác để điều chỉnh sẽ dẫn tới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ còn là công trình giao thông; còn quy tắc giao thông đường bộ chỉ là quy tắc chung, không có đối tượng áp dụng. Vì vậy, quy tắc giao thông là thành tố không thể tách rời khỏi khái niệm giao thông đường bộ và là một trong bốn yếu tố đảm bảo mục đích trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lý do thứ hai, đại biểu Tuấn đưa ra là vì không đảm bảo tính thống nhất của pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo về kỹ thuật lập pháp. Việc tách quy tắc trật tự, an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ sẽ dẫn đến hệ lụy, đó là hệ thống đường bộ chỉ còn là công trình giao thông đường bộ.

Về mặt quản lý nhà nước, công trình giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng. Với logic này, nếu tách thành hai luật sẽ có 3 Luật liên quan đến giao thông có thể phải tách là Luật Hàng không dân dụng, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đường sắt.

"Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nếu tách thì Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia hiện giao Bộ GTVT là cơ quan thường trực sẽ giao đơn vị nào quản lý và việc phân vai giữa hai bộ được thực hiện ra sao?, đại biểu đoàn Ninh Bình nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, nên mạnh dạn sửa Luật Giao thông đường bộ, điểm nào thiếu thì bổ sung, sao cho hoàn thiện, thay vì tính việc tách hay không tách luật này thành hai dự án luật mới. Điều này hoàn toàn khả thi.

Theo đại biểu Hải, về việc quản lý, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, từ khi Bộ GTVT được giao trách nhiệm (năm 1995) thì cơ bản ổn định. Nếu muốn chuyển việc này từ Bộ GTVT về Bộ Công an thì cần đánh giá cụ thể hơn nữa về ưu - nhược điểm và nếu hạn chế đến mức không sửa đổi được thì mới cần chuyển đổi.

“Ngành công an nên tập trung vào vấn đề trật tư an ninh xã hội, trật tự; an toàn giao thông cứ để ngành giao thông đảm nhận. Bộ GTVT thực hiện, Bộ Công an tập trung kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đại biểu Hải nhấn mạnh.

Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, không chỉ cá nhân ông mà nhiều cử tri và nhân dân đều không đồng tình với việc tách 2 Luật.

“Nếu tách riêng ra thì sẽ có nguy cơ không ăn khớp, như kiểu một nhà mà tách ông riêng bà riêng thì là không ổn”, đại biểu Nhưỡng phát biểu.

Đưa ý kiến về việc chuyển nhiệm vụ quản lý việc sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Nếu vì lý do làm chưa được tốt ở việc, ở mặt nào đó mà chuyển sang bộ khác thì không nên. Trong nhà nước pháp quyền thì có sự phân công kiểm soát rất rõ, nhiệm vụ của bộ ngành nào thì bộ ngành đó làm, nếu có làm không tốt thì kiểm điểm, quy trách nhiệm người đứng đầu chứ không phải hôm nay làm không tốt là chuyển sang cho bộ ngành khác”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Tách Luật thì sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí

Tại thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phân tích, làm rõ một số nội dung trong Dự thảo Luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc tách Luật Giao thông đường bộ cũ thành 2 Luật mới sẽ đảm bảo giải quyết 2 vấn đề quan trọng và rất bức xúc hiện nay đó là hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo TTATGT đường bộ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT đã đầu tư rất nhiều các cơ sở sát hạch nhưng theo dự thảo Luật mới lại chuyển về Bộ Công an.

Nói về vấn đề này, Đại tướng Tô Lâm khẳng định: “Công an không đụng chạm gì đến cơ sở này vì chủ yếu việc sát hạch, đào tạo lái xe đã xã hội hóa. Bộ chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe, quản lý bằng lái xe, đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn, chống việc làm giả, gian lận. Chỉ quản lý việc đó thôi còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường”.

Về việc dư luận rất băn khoăn liệu khi tách 2 Luật này thì có lãng phí, đảm bảo tiết kiệm hay không? Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Qua đánh giá tổng kết, Luật Giao thông đường bộ có rất nhiều bất cập cần phải thay đổi. Theo suy nghĩ của chúng tôi nếu tách ra 2 Luật thì sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí”.

Lý giải về việc này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, khi tách thành 2 Luật riêng thì không phát sinh thêm bộ máy và nhân sự, thậm chí còn giảm so với trước đây. Nếu theo quy định mới này thì lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) sẽ không còn hoạt động trên mặt đường.

“Bộ Giao thông có đề nghị chúng tôi nhận 20.000 TTGT nhưng tôi nói Chính phủ không có chỉ tiêu này”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, không có nước nào trên thế giới mà CSGT giữ xe để TTGT đi kiểm tra. Trước đây, có những trường hợp lái xe vi phạm đóng cửa bỏ đi, TTGT phải nhờ CSGT kéo xe ra chỗ khác, rất là bất cập.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, quy định như dự thảo các Luật mới thì nhiệm vụ của lực lượng CSGT vẫn vậy nhưng công việc giảm đi. Bởi, sẽ áp dụng khoa học công nghệ để thực hiện những điều này.

“Ví dụ như trong đường cao tốc, không cần Cảnh sát giao thông tuần tra vì nếu xe vi phạm thì sẽ xử lý ở điểm ra”, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn ví dụ.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tranh-cai-gay-gat-xung-quanh-viec-tach-luat-giao-thong-duong-bo-post105088.html